Đổi mới giáo dục, chấn hưng khoa học, cơ hội sẽ đến

Đổi mới giáo dục, chấn hưng khoa học, cơ hội sẽ đến
TP - Giáo sư Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trăn trở về những lực cản đang kìm hãm tiến trình cất cánh của đất nước. GS Chu Hảo cho rằng giáo dục và khoa học yếu kém là một trong những lực cản ấy, nhưng hai ngành trọng yếu này lại đang đứng trước những “cơ hội vàng”.

> Giáo dục là cuộc sống

Học sinh ở TPHCM tham quan phòng thí nghiệm ở trường đại học. Ảnh: Quang Phương
Học sinh ở TPHCM tham quan phòng thí nghiệm ở trường
đại học. Ảnh: Quang Phương.
 

Tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước đã được/bị khai thác và tàn phá gần như cạn kiệt rồi! Nhưng đấy chưa hẳn đã là tai hoạ lớn nhất cho sự phát triển. Nhiếu nước, như Nhật Bản và Singapore, chả có nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể nào, vậy mà họ là những nước giàu có. Nhất là trong kỷ nguyên của nền kinh tế dựa trên tri thức này, tài nguyên quan trọng hàng đầu đảm bảo thịnh vương quốc gia là trí tuệ của dân tộc chứ không phải là “rừng vàng biển bạc” trời cho.

Năng lực trí tuệ của một dân tộc được hình thành, rèn giũa, và phát triển bởi hệ thống Giáo dục quốc dân và nền Học thuật chính thống (nghiên cứu Khoa học và Công nghệ). Cả Giáo dục & Đào tạo lẫn Khoa học & Công nghệ của chúng ta hiện nay đang rơi vào tình trạng hết sức đáng lo ngại, và vì vậy tiềm năng trí tuệ của dân tộc không những không được phát huy, mà ngược lại còn đang bị xói mòn.

Đã hàng chục năm nay giáo dục của chúng ta rơi vào khủng hoảng, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội; đã có rất nhiều kiến nghị của cá nhân và tập thể về cải cách Giáo dục; từ năm 1996 Đảng và Nhà nước đã chủ trương GD&ĐT và KH&CN là quốc sách hàng đầu; năm 1997 ông Lý Quang Diệu cũng đã chân thành tư vấn cho lãnh đạo nước ta tiếp tục đổi mới lần thứ hai với điểm nhấn là cải cách Giáo dục...

Nhưng rồi vẫn đâu hoàn đó! Mặc cho mọi cố gắng của ngành giáo dục phát động hết “phong trào” này đến “phong trào” kia, thực hiện hết đề án đổi mới này đến đề án đổi mới khác... nền học vấn của đất nước cứ tiếp tục đi xuống.

Đến nỗi gần đây nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình kêu gọi phải “xây dựng một nền Giáo dục trung thực”; còn giáo sư Hoàng Tuỵ thì cho rằng: “Giáo dục của nước ta không phải chỉ là lạc hậu (đúng hướng nhưng tiến quá chậm) nữa, mà là đang lạc lối rồi!”.

Và bây giờ cơ hội cải cách Giáo dục lại hé mở: NQ của ĐH XI của Đảng khẳng định rằng phải tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục nước nhà, và theo kế hoạch thì tháng 10 năm 2012 sẽ có Hội nghị Trung ương về công tác Giáo dục để thực hiện NQ này. Tuy có vẻ hơi chậm, nhưng miễn sao chậm mà chắc và quyết liệt thì còn hơn bỏ qua cơ hội vàng này. Để lỡ cơ hội thì nền Giáo dục của chúng ta lại tiếp tục lạc hậu hoặc lạc đường mươi mười lăm năm nữa!

Giáo sư Chu Hảo
Giáo sư Chu Hảo .
 

Nền khoa học công nghệ tụt hậu không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước, làm thế nào chấn hưng để trở thành động lực thúc đẩy đất nước “hóa rồng”?

Về Khoa học và Công nghệ. Có thể nói rằng không một nền KH&CN nào có thể phát triển được trên cơ sở một nền GD&ĐT yếu kém như của nước ta trong mấy chục năm qua. Trên thực tế chúng ta đang chứng kiến sự tụt hậu rất đáng lo ngại của năng lực KH&CN nước nhà so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

NQ của ĐH XI khi đi vào cuộc sống, tức là sẽ có một cuộc cải cách căn bản và toàn diện nền GD nước nhà trong vài năm tới , thì may ra thế hệ trẻ từ tuổi mẫu giáo hiện nay mới có cơ hội được hưởng thụ một nền Giáo dục nhân bản và thực học, và chỉ như thế mới có năng lực đảm đương được trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế kỷ 21 . Nền Giáo dục mới này phải có một triết lý sâu sắc và mới mẻ, quy định sứ mạng và mục tiêu hết sức nhân văn.

 

KH&CN không những không đáp ứng được yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH, rất ít (so với Thái Lan chẳng hạn) các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín của thế giới và các bằng phát minh-sáng chế được công nhận... mà ngày càng xa rời những chuẩn mực thông thường của việc nghiên cứu học thuật. Tôi được biết là Bộ KH&CN đang gấp rút soạn thảo Đề án “ Đổi mới căn bản và toàn diện nền KH&CN nước nhà” để trình Chính phủ phê duyệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Với những yếu kém không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn như đã nêu trên, thì sự “hoá Rồng” của Việt Nam trong thời gian trước mắt là chưa thể xảy ra. Từ sau năm 1975 đến nay đã có một vài cơ hội “hoá Rồng” thật sự đã bị chúng ta để tuột khỏi tầm tay. Những cơ hội như thế ngày càng hiếm và vừa khó đến vừa không dễ nắm bắt.

Thôi thì, trước mắt hãy nghĩ đến những điều thiết thực hơn như: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; chú trọng an sinh xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục- Đào tạo, song song với việc chấn hưng nền Khoa học - công nghệ nước nhà v.v... Rồi cơ hội sẽ lại đến, và hy vọng là sẽ không bị bỏ qua...

GS Chu Hảo
(Phùng Nguyên ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.