Giả mã xác ướp người Việt cổ

Giả mã xác ướp người Việt cổ
Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam, khái niệm xác ướp ít được biết tới và không có bất kỳ tài liệu nào đề cập tới. Tuy nhiên trên thực tế nhiều ngôi mộ cổ khi khai quật vẫn còn giữ được xác.

Giả mã xác ướp người Việt cổ

Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam, khái niệm xác ướp ít được biết tới và không có bất kỳ tài liệu nào đề cập tới. Tuy nhiên trên thực tế nhiều ngôi mộ cổ khi khai quật vẫn còn giữ được xác.

Giả mã xác ướp người Việt cổ ảnh 1

Từ những khám phá này đã có nhiều nghiên cứu về kỹ thuật dùng các chất thơm thảo mộc hay dùng các chất hóa học tổng hợp để giữ xác của các bậc tiền nhân.

Những xác ướp bí ẩn

Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường, cho đến nay ở Việt Nam đã phát hiện được trên 100 ngôi mộ hợp chất (là loại mộ cổ quan tài được đặt trong quách bằng hợp chất, còn gọi là tam hợp). Trong số đó chúng ta đã khai quật chính thức và khai quật “chữa cháy” (những ngôi mộ bị người dân đào trộm và bỏ lại) khoảng gần 60 ngôi mộ.

Những ngôi mộ được khai quật đã phát hiện rất nhiều ngôi mộ còn giữa được xác. Nổi tiếng nhất là xác ướp của vua Lê Dụ Tông (1679-1731). Việc tìm thấy xác ướp vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam đương thời.

Tài liệu của cố Giáo sư Đỗ Xuân Hợp (nguyên giám đốc Học viện Quân y) khi khai quật và nghiên cứu thi hài vua Lê Dụ Tông tiết lộ: Xác là một người đàn ông cao 1,49m. Thân hình bị đét lại nhưng hình dạng bên ngoài vẫn còn nguyên. Khi mới mở áo quan, trông như một người gầy ốm mới chết, bụng dưới hơi phồng, lấy tay ấn vào bụng thấy có hơi và ít nước chảy ra (khác với những xác khác bụng lép). Không có một vết rạch hay châm trích gì trên cơ thể. Lúc quan tài mới bật nắp, gương mặt nhà vua có màu xám nhạt hơi khác với màu da cơ thể nhưng sau đó toàn thân chuyển thành màu xám đen.

Kỳ lạ nhất là các khớp xương của vua vẫn còn có thể co duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn đàn hồi… Mộ vua Lê Dụ Tông được tìm thấy từ năm 1958, tại thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1964 mộ mới được khai quật. Xác ướp vua Lê Dụ Tông được bảo quản ở tầng hầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong 46 năm và được hoàn táng tại tỉnh Thanh Hóa vào tháng 1-2010.

Trước đó, vào năm 1957 các nhà khảo cổ đã tiếp cận được với xác ướp của một bà phi thuộc dòng họ Trịnh tại Thanh Hóa. Bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680). Mặc dù ngôi mộ đã bị người dân địa phương đào, xác ướp bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ giữa cánh đồng ba ngày rồi chôn lại trong quan tài ngập nước gần một tháng nhưng khi các nhà khảo cổ tiếp cận, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn và có mùi dầu thơm.

Sau đó xác ướp được tắm lại bằng nước sạch năm lần vẫn không hết mùi thơm. Điểm đặc biệt của ngôi mộ này là dấu vết của dung dịch bảo quản xác lan tỏa ra ngoài khiến vùng đất quanh mộ nhiễm mùi thơm một thời gian dài mới hết.

Ly kỳ hơn là trường hợp mộ cổ Vân Cát nằm trong gò đất của thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Cuộc khai quật diễn ra trong tháng 11-1968, theo nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật khi mở nắp quan tài là một người phụ nữ như đang say ngủ, lòng quan tài bốc mùi thơm thảo mộc thoang thoảng. Gương mặt bà vẫn mịn màng, thanh thoát nét đài các, dịu dàng. Có cảm giác nếu thay quan tài là giường mọi người sẽ nghĩ bà đang mê man giấc ngủ bình yên. Đó là người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc dài chớm hoa râm. Lúc mới lộ thiên, làn da toàn thân bà vẫn trắng mịn, mềm mại, các khớp chân, tay có thể co duỗi dễ dàng. Mô ngực vẫn còn hình hài mà chưa xẹp xuống hoàn toàn.

Đặc biệt, hốc mắt vẫn còn rõ lòng đen, trắng. Hai hàm răng nhuộm đen cũng chưa rụng chiếc nào. Tình trạng của xác ướp trong mộ khá hoàn hảo. Xác ướp được mặc 35 chiếc áo thụng bằng lụa gấm, 18 chiếc váy vải lụa. Các hiện vật khác gồm hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, quạt nan giấy, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi, túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa… Về sau xác ướp được xác định là bà Phạm Thị Đằng, phu nhân của quan thượng thư Đặng Đình Tướng (1965-1735).

Tương tự như vậy là những trường hợp phát hiện xác ướp của bà Bùi Thị Khang vào năm 1971 tại gò Lăng Dứa, xã Thượng Lâm huyện Mỹ Đức (Hà Nội), bà cũng là phu nhân của quan thượng thư Đặng Đình Tướng. Xác ướp Đại Tư đồ quan thái giám Nguyễn Bá Khanh mất vào thế kỷ 18 (thọ 64 tuổi) ở An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hải Dương năm 1982.

Xác ướp của bà Nguyễn Thị Hiệu một nữ quý tộc dưới thời nhà Nguyễn hay mộ Đinh Văn Tả cùng 2 bà vợ ở Hàm Giang, Cẩm Giàng (Hải Dương). Gần đây nhất là trường hợp phát hiện một xác ướp của một người đàn ông khoảng 60 tuổi còn nguyên vẹn được bọc trong nhiều lớp vải và ngâm dầu thơm tại khu vực vườn đào Nhật Tân năm 2005. Tất cả các xác ướp này khi được phát hiện đều có chung một đặc điểm là dùng các chất thơm thảo mộc hay dùng các chất hóa học tổng hợp để giữ xác không bị các vi khuẩn làm thối rữa.

Đi tìm lời giải

Để bảo vệ xác ướp không bị thối rữa sau hàng trăm năm, người xưa thường phải kết hợp giữa kỹ thuật kết cấu xây dựng ngoài quách gắn với kỹ thuật ướp xác trong quan, hướng tới một môi trường khử trùng tốt. Điều này được chứng minh ở việc cấu tạo của các ngôi mộ gần như giống nhau: có gò mộ, phía ngoài là quách tam hợp, phía trong là quách gỗ rồi mới tới quan tài. Với kỹ thuật này tạo nên sự cách biệt ổn định bên trong và bên ngoài mộ hình thành khoảng không gian hẹp kín bên trong để giữ thi thể được tốt nhất.

Về kỹ thuật ướp xác trong quan, theo tài liệu của cố giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp qua nghiên cứu thi hài vua Lê Dụ Tông đã ghi lại: Dầu thông đã được đổ nhiều vào trong quan tài nên khi mở ra thấy chăn bông, vải niệm, áo mặc, giấy bản đẫm dầu và mỡ. Chất thơm ngấm vào da, và qua da vào các tạng nên sực mùi thơm… Ngay thi hài vua cũng nhớp nháp dầu thông. Chính loại dầu thân mộc này là một yếu tố quan trọng góp phần bảo quản được xác tiền nhân. Thậm chí những miếng trầu, cau chôn theo hàng trăm năm còn xanh tươi như vẫn có thể dùng được. Còn theo nghiên cứu của cố giáo sư Đỗ Văn Ninh việc xử lý thi hài rất quan trọng để giữ xác.

Người xưa thường quản xác rất lâu trước khi chôn nên rất chú trọng việc chống thối rữa. Ngoài dầu thông thường được đổ vào quan tài, người sắp qua đời thường được uống thuốc “hồi dương” có quế nóng để giúp tăng tuần hoàn máu. Sau đó lại dùng rượu quế để tắm rửa cho người mất cũng như làm sạch được phần nào trong và ngoài thi hài để giảm sự phân hủy do vi khuẩn.

Đặc biệt, khi nhập liệm người xưa thường chèn nhiều chăn, gối, quần áo, giấy bản, bông vào quan tài có rải gạo rang, chè khô bên dưới. Ngoài ý nghĩa tùy táng mang về thế giới bên kia, các thứ này còn hút ẩm và đẩy không khí ra ngoài để hạn chế môi trường vi khuẩn hại xác. Thậm chí trước khi nhập liệm, người ta còn đốt nến trong quan tài như là một lễ thức, nhưng cũng góp phần tạo môi trường chân không và sát khuẩn.

Về lớp quách tam hợp, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, một người đã gần 50 năm gắn bó với công tác khảo cổ cho biết quách bao kín các mặt quan tài, kể cả đáy với độ dày có khi lên tới nửa mét để bảo vệ quan tài và xác ướp bên trong khỏi bị tác hại của nước và không khí lọt vào. Lớp quách thường rất rắn chắc, phải dùng khoan bê tông hay đục cỡ lớn mới phá được vì hợp chất được kiến tạo rất công phu, dày công và tốn kém.

Vật liệu để làm hợp chất thường được trộn nhuyễn bằng vôi - vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò hay san hô nghiền vụn, cát, chất kết dính như mật, mật đường, mật ong, nhựa, dây tơ hồng, ô dước, giấy dó than hoạt tính để bao kín mui luyện quách ngoài, tạo nên bức tường thành kiên cố không thấm nước, nhằm giữ xác dài lâu, bảo tồn vĩnh cửu thi hài và tùy táng phẩm trong quan.

Ngoài kỹ thuật xử lý xác và phần quách thì phần gỗ quan tài cũng rất quan trọng để giữ xác. Gỗ quan tài thường được chế tác bằng gỗ Ngọc am (Trung Quốc gọi là San mộc) hay còn được gọi là gỗ Hoàng đàn rủ. Đây là loại cây gỗ trong bộ thông, thuộc họ hoàng đàn, sống trên vùng núi đá vôi ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Gỗ quý này bền thơm và có tính sát khuẩn cao nên góp phần bảo quản thi hài. Dưới đáy quan tài có một tấm thất tinh (tấm gỗ có 7 lỗ thủng mô phỏng chòm sao Bắc Đẩu, vì theo quan niệm người xưa đây là ngôi sao quản người chết).

Đặc biệt người xưa còn biết làm quan tài rất kín, chắc với các mộng ghép chặt chẽ. Hàng trăm năm trong lòng đất, quan tài gỗ này vẫn không hư hỏng và thoang thoảng mùi thơm thân mộc khi khai quật. Những thi hài dù không được ướp dầu thông thơm cũng không thể ám mùi hôi vào gỗ quan. Người chết được mặc rất nhiều lớp quần áo, quấn thật chặt, khi đặt vào quan tài cũng được lèn bằng các loại chăn, gối…

Như vậy theo lý giải của các nhà khoa học, có thể thấy kỹ thuật ướp xác của người xưa chủ yếu dựa vào việc diệt các loại vi khuẩn chuyên hủy chất hữu cơ. Tuy nhiên bí mật về những xác ướp này luôn đi kèm với những truyền thuyết và thông điệp từ quá khứ, tạo nên những thách thức cho hậu thế trong những cuộc kiếm tìm và giải mã. Và chính điều đó giúp cho chúng ta có được một góc nhìn sống động về lịch sử.

Theo Duy Minh
An ninh thủ đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.