Không thể bỏ điểm sàn

Không thể bỏ điểm sàn
TP - Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ điểm sàn. Trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong bối cảnh hiện nay không thể bỏ điểm sàn (ĐS) vì trình độ thí sinh chênh lệch quá xa.

> 326 thí sinh thi đại học đạt 28 điểm trở lên

Nhiều thí sinh ở khu vực miền Bắc dù đạt điểm cao không vào được ĐH do rất ít trường tuyển NV2 và 3. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều thí sinh ở khu vực miền Bắc dù đạt điểm cao không vào được ĐH do rất ít trường tuyển NV2 và 3. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Ông Ga nói: Giữa điểm 0 và điểm 10 là một khoảng cách lớn. Không thể để các thí sinh đủ các trình độ cao thấp khác nhau cùng vào học ĐH được. Muốn học ĐH người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định. Khi trình độ thí sinh hiện nay còn đang chênh lệch quá lớn như vậy thì không thể bỏ hẳn ngưỡng đó.

Lý do thứ hai là mạng lưới trường ĐH, CĐ hiện nay chưa đủ sức tiếp nhận tất cả học sinh trong độ tuổi vào học ĐH. Do vậy, phải sàng lọc để đảm bảo chọn được những học sinh có trình độ tốt nhất vào học.

Hai lý do kể trên chưa cho phép chúng ta bỏ hoặc hạ thấp điểm sàn. Dù là chất lượng sinh viên là một quá trình tích lũy, học tập, rèn luyện nhưng đầu vào quá thấp thì các em không thể học được trong khi các trường trung cấp và các trường nghề rất cần những người học thì lại không có đủ.

Nếu bỏ điểm sàn sẽ rất nguy hiểm. Nghị quyết của Quốc hội đã ghi rõ về việc đảm bảo chất lượng giáo dục và một trong yếu tố đó là đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh. Nếu thí sinh 1-2 điểm cũng vào được ĐH thì làm sao theo học được. Nếu thí sinh cứ vào học rồi lưu ban, vất vưởng thì sao đảm bảo được chất lượng?

Hôm 3- 8, Hiệp hội lại gửi đề xuất với Bộ 2 phương án. Một trong 2 phương án là: Căn cứ vào chỉ tiêu được phân bổ, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, vùng, các trường kiến nghị điểm sàn riêng cho trường mình để lấy hết chỉ tiêu và trình Bộ duyệt. Điều này có thể xảy ra hay không?

Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của Hiệp hội. Tuy nhiên, điểm sàn không chỉ phụ thuộc tổng chỉ tiêu, điểm thi mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: cơ cấu ngành nghề, vùng miền, chế độ đối với đối tượng ưu tiên.

Qua thống kê bước đầu kỳ thi năm nay, có trường điểm cao hơn năm trước, có trường điểm thấp hơn nhưng phần lớn điểm tập trung ở khoảng trung bình. Với điểm thi từ 4 -5 điểm mỗi môn thì điểm trung bình 3 môn sẽ xấp xỉ 13-14 điểm. Như vậy rất nhiều khả năng điểm sàn sẽ không thay đổi so với năm trước. Kết quả cụ thể sẽ được cân nhắc và quyết định vào ngày 8-8 tới.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh : Hồ Thu
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh : Hồ Thu.
 

Phương án 2 do Hiệp hội đề xuất là: Nếu vẫn giữ nguyên điểm sàn chung cho cả nước, phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước. Như vậy mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường?

Có thể trước đây còn có khó khăn trong việc tuyển NV2 và 3, nhưng hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xử lý bất cập này bằng cách cho phép thí sinh rút và nộp hồ sơ nhiều lần khi xét tuyển NV2 và 3 dựa trên các thông số mà các trường công bố.

Lượng thí sinh cho các nguyện vọng này còn nhiều, nếu các trường có chất lượng và quảng bá hình ảnh tốt thì thí sinh sẽ đến học vì nguồn tuyển NV2 và 3 còn rất nhiều.

Đối với thí sinh ở khu vực phía Bắc, cơ hội vào NV2 và 3 không nhiều vì số trường tuyển các NV này rất ít. Vậy, những thí sinh có điểm còn rất cao, thậm chí 20 điểm, ở khu vực phía Bắc muốn học theo NV 2 hay 3 thì sẽ vào trường nào?

Thí sinh phải chấp nhận dãn khoảng cách địa lý. Dĩ nhiên, thí sinh luôn mong muốn được học ở các trung tâm như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP HCM. Nhưng để có cơ hội học tập, các em có thể học ĐH ở những vùng lân cận để có cơ hội học ĐH.

Các trường ĐH, CĐ được Bộ cho phép hoạt động đã được khẳng định về mặt chất lượng; bằng cấp, theo Luật Giáo dục quy định, có giá trị như nhau. Vì vậy, các em chịu khó đi xa hơn để học tập.

Cảm ơn ông.

GS TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ cách làm điểm sàn như năm trước thì không chỉ các trường ngoài công lập mà một số các trường công lập hạng trung bình và công lập tốp dưới cũng đều gặp khó khăn để tuyển cho đủ chỉ tiêu (trong các trường ngoài công lập, chỉ có một ít trường không khó tuyển, còn lại đa phần là khó khăn). Điều này đã xảy ra từ năm trước khi có những trường “vét” mãi không tuyển đủ sinh viên.

Hồ Thu thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG