> Hà Nội không cắt điện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
> 64 đoàn thanh tra chấm thi, phúc khảo tốt nghiệp
Cẩn trọng với những lỗi không đáng có. |
Điện thoại di động - kẻ thù của sĩ tử
Vì một lý do lãng nhách mà em N.T.X, cựu học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, Hà Nội, trượt tốt nghiệp THPT trong lần thi đầu tiên cách đây hai năm. Hôm đó X. vừa làm bài xong môn thi đầu tiên và đang chờ nộp bài thì từ túi quần em phát ra tiếng chuông điện thoại. Ngay lập tức, em X. bị lập biên bản đình chỉ thi.
Tại văn phòng hội đồng thi, em X. khóc nức nở phân bua lý do mình mang theo điện thoại vào phòng thi. Số là bố em ốm nặng, có nguy cơ xấu nhất nên người nhà đề nghị em mang theo điện thoại để liên lạc khi cần thiết. Do không có thói quen dùng điện thoại nên em X. quên việc mình có một chiếc điện thoại trong người. Dù rất thông cảm với hoàn cảnh đặc biệt của em X. nhưng theo quy chế hội đồng thi vẫn phải đình chỉ thi trường hợp này.
Thầy P.V.H, Phó Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân kỳ thi năm đó, kể lại: “Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết cuộc gọi mà em X. nhận được trong phòng thi là của người nhà em báo tin về tình trạng của bố. Họ gọi vì đoán lúc ấy em X. đã thi xong.
Theo tôi, các phụ huynh cần cố gắng hỗ trợ con em mình tối đa để giúp các em mình vượt qua các kỳ thi một cách trọn vẹn. Cho dù trong nhà có những việc khẩn cấp nhưng nếu xác định thi cử là việc quan trọng thì phụ huynh cố gắng động viên các em, đừng để các em phân tâm khi bước vào phòng thi”.
Theo nhiều giám khảo, dù trong quá trình chuẩn bị thi ở các trường THPT, học sinh được thầy cô nhắc nhở nhiều về các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi, đặc biệt là điện thoại di động và các phương tiện có chức năng thông tin - liên lạc, vẫn nhiều học sinh vi phạm.
Có trường hợp cẩn thận tắt nguồn điện thoại khi mang theo phòng thi nhưng rồi vẫn bị đình chỉ thi do làm rơi điện thoại xuống đất khi đang chăm chú làm bài.
“Thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, dù cố tình hay vô ý thì cũng đều vi phạm quy chế, bị lập biên bản và đình chỉ thi”, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT nói.
Phân bổ thời gian khi làm trắc nghiệm
Kinh nghiệm khi làm bài trắc nghiệm là thí sinh nên lướt nhanh tất cả các câu rồi bắt đầu làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn nhất. Với những câu chưa làm được cũng cần xem xét loại trừ các phương án sai, đánh dấu vào nháp.
Với câu đã khẳng định phương án đúng, không nên làm trên giấy nháp trước rồi mới tô sau, vì cách làm này sẽ dễ mất thêm thời gian.
Thầy Dương Đức Thắng, giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, khuyên: “Những câu nào còn phải cân nhắc, phân vân thì các em nên áp dụng nhiều cách: Loại trừ để loại bỏ các đáp án sai sau đó cân nhắc những phương án còn lại hoặc dùng chính những phương án trắc nghiệm để thử lại. Sau khi làm bài xong nếu còn một vài câu quá khó đối với mình, học sinh không nên bỏ trắng đáp án mà tìm một đáp án khả dĩ nhất để đánh dấu . Nếu đúng thì được điểm còn sai cũng không sao”.
Một số giáo viên còn lưu ý thí sinh không tẩy sạch phương án cũ trước khi tô phương án mới. Việc chấm thi môn trắc nghiệm được triển khai trên máy tính nên, nếu không tô rõ ràng hoặc tẩy không sạch phương án sai, máy có thể hiểu thí sinh đã chọn hai phương án và không cho điểm câu đó.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử. Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu. Nếu mang vào phòng thi các tài liệu và vật dụng khác nội dung nêu trên sẽ bị phạm quy và có thể dẫn tới đình chỉ thi. |