Cần nghiên cứu kỹ nền đất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Cần nghiên cứu kỹ nền đất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
TP - Nền đất tỉnh cực nam Trung bộ dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt đầu tiên của Việt Nam nên được nghiên cứu lại để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, GS.TSKH Đặng Văn Bát chuyên gia địa chất ở Trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội đề nghị.

>> Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Phải báo cáo Quốc hội trước khi khởi công

Bản đồ mô tả đới đứt gãy kinh tuyến 109 - 110 từ khu vực Đà Nẵng trở vào
Bản đồ mô tả đới đứt gãy kinh tuyến 109 - 110
từ khu vực Đà Nẵng trở vào.

Nơi từng phun trào núi lửa

Ninh Thuận - nơi được chọn đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được cho là nằm trên một đới đứt gãy từng xảy ra phun trào núi lửa. Vấn đề còn lại chỉ là xác định đới đứt gãy này hoạt động ra sao để đưa ra quyết sách hợp lý. GS.TSKH Đặng Văn Bát, Trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội, trao đổi với Tiền Phong:

Các nhà khoa học Việt Nam đã dự báo sóng thần và động đất mạnh có thể xảy ra ở miền Trung, từ Đà Nẵng trở vào. Sóng thần ảnh hưởng tới nước ta có liên quan tới đới đứt gãy Philippines và liên quan tới đới đứt gãy chạy theo kinh tuyến 109 - 110 độ, nghĩa là chạy dọc miền Trung, từ Đà Nẵng trở vào.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá mức độ hoạt động của đới đứt gãy này. Một số ý kiến cho rằng nó trượt bằng và mức độ hoạt động không ghê gớm lắm. Cá nhân tôi nằm trong số các nhà khoa học cho rằng hoạt động của đới đứt gãy này mạnh.

Cơ sở để đánh giá như vậy là dựa trên hoạt động của núi lửa ở ngoài khơi Quảng Ninh năm 1923. Năm đó, núi lửa phun trào ở Quy Nhơn, tạo nên một hòn đảo núi lửa, đặt tên là Hòn Tro, nổi lên trên mặt nước. Nhà địa chất người Pháp tên Parter sau đó vài tháng đã ra nghiên cứu đảo này và ghi chép lại tại tài liệu Đông Dương. Sau đó nhiều năm, nước biển dâng lên nuốt chửng Hòn Tro. Ngày nay, nó nằm sâu dưới đáy biển vài chục mét.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu, địa hình của khu vực miền Trung rất dốc. Từ bề mặt trái đất đến chân độ sâu của nó lên tới hơn 1.000m và chỉ nằm trong một khoảng không gian rất hẹp. Ở đây luôn xảy ra các trượt lở ngầm, biến dạng địa hình. Hoạt động của núi lửa ở Phú Quý kéo dài xuống thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cũng liên quan tới đứt gãy này.

GS.TSKH Đặng Văn Bát
GS.TSKH Đặng Văn Bát.

Tại sao lại có sự khác biệt trong đánh giá của giới khoa học liên quan tới mức độ hoạt động của đới đứt gãy này, thưa GS?

Họ mới tính đến một khía cạnh là chuyển động nằm ngang. Còn chuyển động nâng lên, hạ xuống và đặc biệt hiện tượng sụt bậc của đứt gãy này thì chưa tính đến. Các khía cạnh khác đến nay chưa có một nghiên cứu tổng thể nào. Do đó, tôi đề nghị cần phải có nghiên cứu tổng thể và bài bản về đới đứt gãy 109 - 110 độ kinh đông và các đứt gãy khác liên quan đến vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân.

Có những khả năng xảy ra động đất, sóng thần nào đối với khu vực miền Trung, đặc biệt Ninh Thuận?

Nghiên cứu động đất không phải để bác lại dự án!

Đặt nhà máy ở Ninh Thuận - gần biển, là có lý của nó, như đã nói ở trên. Do đó, không phải vì những vấn đề về địa chất như vậy mà chúng ta không xây dựng nhà máy điện tại đây.

Nghiên cứu động đất không phải để bác lại dự án, mà để tìm các khuyết tật của kiến tạo địa chất nhằm đưa ra các biện pháp chống đỡ và xây dựng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất." - GS.TSKH Đặng Văn Bát.

Vậy vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Ninh Thuận hiện nay có an toàn?

Nhìn chung, nền móng của khu vực này là đất cát, nên rất chắc chắn, không có vấn đề gì. Ưu điểm nữa là nằm ở ven biển, nên khi có sự cố có thể dùng nước biển để xử lý như nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu ở mức vĩ mô, phải xem đứt gãy đó có ảnh hưởng gì không. Khó khăn của ta hiện nay nằm ở phương tiện và điều kiện nghiên cứu. Số liệu về độ sâu đáy biển của chúng ta rất thiếu.

Chúng ta có thể bổ sung khoảng trống thông tin này bằng phương pháp sonar quét sườn, tức đo khoảng cách bằng thiết bị siêu âm. Trung tâm Trắc địa Bản đồ biển, thuộc Tổng cục Biển & Hải đảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường, đã được giao 27 tỷ đồng để đo đạc độ sâu đáy biển. Trong điều kiện hiện nay, tốt nhất nên hợp tác quốc tế.

Vùng nào có thể coi là ổn định hơn khu vực miền Trung, thưa GS?

Khó có thể nói được điều này. Đặt nhà máy ở Ninh Thuận - gần biển, là có lý của nó, như đã nói ở trên. Do đó, không phải vì những vấn đề về địa chất như vậy mà chúng ta không xây dựng nhà máy điện tại đây.

Vấn đề là dù điều kiện địa chất công trình khó khăn đến mấy cũng phải đánh giá, để có các biện pháp phòng ngừa. Nghiên cứu động đất không phải để bác lại dự án, mà để tìm các khuyết tật của kiến tạo địa chất nhằm đưa ra các biện pháp chống đỡ và xây dựng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Tôi đã từng chỉ huy khảo sát địa chất ba công trình thuỷ điện lớn là Hoà Bình, Trị An, Sông Hinh. Trong quá trình khảo sát đều yêu cầu các nhà địa chất tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc, khuyết tật của nó để khuyến nghị với các nhà thiết kế gia cố công trình cho tốt chứ không phải khảo sát xong bảo không làm được.

Chẳng hạn như công trình thủy điện ở Sơn La, sau khi phát hiện đứt gãy, Bộ Khoa học & Công nghệ đã tập hợp các nhà khoa học để làm sáng tỏ. Với nhà máy điện hạt nhân cũng vậy, nên nghiên cứu lại đới đứt gãy cụ thể, kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết sách.

Dự kiến, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam trên tổng diện tích là 540 ha đất liền và 310 ha mặt nước biển. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 dự kiến xây dựng tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công tháng 12-2014, vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khởi công tháng 5-2015, vận hành tổ máy số 1 năm 2021 và tổ máy số 2 năm 2022.  

Mỹ Hằng (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG