11 giờ đêm, tôi gọi điện thoại thì anh bảo rằng đang đi ăn với bạn. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường vì có thể sau chầu nhậu với bạn bè, anh phải có cái gì dằn bụng trước khi về để không làm phiền vợ con. Thế nhưng tôi đã không lường được những điều khuất tất phía sau sự vắng nhà ngày càng thường xuyên hơn vào những tối cuối tuần.
Cho đến một ngày, anh lạnh lùng bảo: “Anh không cần gì cả, anh chỉ cần cô ấy. Em hãy để anh đi”. Tôi hỏi người phụ nữ kia là ai mà có thể khiến anh từ bỏ người vợ đã đồng cam cộng khổ hơn 10 năm nay; khiến anh có thể dửng dưng trước sự khóc than, vật vã của hai đứa con tuy còn thơ dại nhưng đã biết thế nào là nỗi đau của một gia đình đổ vỡ.
Nhưng anh không trả lời. “Em và các con cứ ở ngôi nhà này, anh sẽ dọn qua chỗ khác. Có chuyện gì em cứ liên lạc với anh qua điện thoại. Khi nào tòa gọi anh sẽ đến”.
Anh để lại lá đơn ly dị rồi quày quả bỏ đi. Tôi không còn nước mắt để khóc. Hai đứa nhỏ cũng câm nín vì chúng biết ở ngoài kia có một thứ khác cuốn hút ba chúng hơn là ngôi nhà này và mẹ con chúng.
Tôi cất lá đơn ly dị vào ngăn kéo khóa chặt. Thật sự tôi chưa chuẩn bị đủ tinh thần cho một cuộc ly hôn. Tôi nghĩ, có thể anh sẽ suy nghĩ lại và quay về.
Mà đúng là anh quay về thật. Nhưng không phải để tiếp tục cuộc sống với mẹ con tôi mà là để đòi một nửa ngôi nhà. Con đường anh quay về cũng không quang minh chính đại như cái tên của anh.
Khi nhận được thư triệu tập của tòa, tôi hết sức ngỡ ngàng. Ra là anh đã chủ động gởi đơn xin ly dị. Lần hòa giải đầu tiên, tôi bảo mình không muốn ly dị. Lần thứ hai tôi cũng nói thế. Nhưng anh có lý lẽ của anh và tòa đã phải đưa vụ án ra xét xử.
Đến lúc ấy, tôi mới biết phần tài sản chung là ngôi nhà sẽ được chia hai. Tôi nhìn anh lạ lẫm. Tôi muốn đưa ra bằng chứng trước tòa là lá đơn ly hôn lần trước anh đã viết, trong đó nói rõ là tài sản chung là ngôi nhà anh để lại hết cho mẹ con tôi vì anh là người có lỗi.
Thế nhưng, một nỗi chán chường bỗng ập đến. Tôi đồng ý với tất cả phán quyết của tòa ngoại trừ trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của anh. Tôi không muốn con tôi lớn lên bằng những đồng tiền của người cha bội bạc…
Ngôi nhà bị bán để chia đôi, mẹ con tôi dọn về một nơi ở chật hẹp hơn. Tôi biết cả tôi và các con đều phải chống chọi với sự cô đơn và những mất mát khi trong gia đình không còn người cha. Giờ đây, chính các con là chỗ dựa để tôi đứng lên, làm lại từ đầu mọi thứ trong vai trò người chủ gia đình.
Mọi thứ tưởng đã ngủ yên. Nhưng một tối nọ, tôi nhận được điện thoại từ một số gọi lạ. Tôi ngần ngừ nhưng rồi cũng bắt máy. Ra là anh. Bên kia, giọng anh ngập ngừng: “Anh muốn thăm mấy đứa nhỏ…”.
Tôi thấy đắng ngắt trong lòng. Tôi vẫn giữ số điện thoại cũ vì tận đáy lòng mình, tôi vẫn muốn giữ một mối dây liên lạc cho thâm tình máu mủ ruột thịt giữa cha con anh. Thế nhưng 5 năm qua, kể từ sau phiên xử ly hôn, anh chưa một lần gọi điện thăm hỏi các con.
“Ba muốn gặp các con”. Tối đó tôi đã nói với con như vậy. Cả hai đứa đều lặng thinh. Chúng không oán ghét, cũng không giận hờn nhưng chúng đã quen với sự vắng mặt của người cha trong gia đình nên giờ đây có gặp hay không cũng vậy thôi. Cuối cùng, bé Lan, con gái đầu lòng của tôi lên tiếng: “Mình hẹn ba chỗ nào đi chứ đừng gặp ở nhà. Con không muốn sau này thêm rắc rối”.
Chúng tôi gặp nhau ở một quán cà phê trong siêu thị. Tôi bảo các con đi mua sắm để anh được thoải mái hơn. Trông anh thật tiều tụy. “Sau khi xài hết tiền, cô ta bắt đầu vặn vẹo, khó dễ… Nếu không có thằng nhỏ thì anh đã bỏ đi rồi...”.
Đến giờ anh mới nói thật, người phụ nữ mà anh chạy theo là một cô nhân viên làm ở tiệm massage mà trước đây tối cuối tuần anh vẫn ghé lại. Họ đã có với nhau một đứa con trai.
“Cô ta đã bỏ theo thằng khác từ hai tháng nay. Thằng nhỏ ốm vặt vẹo, tháng trước phải nằm viện. Nó bị tim bẩm sinh em à. Nếu không mổ thì nó sẽ chết…”- anh nói mà cúi gằm mặt.
Thoạt đầu thì tôi dửng dưng vì chuyện anh làm thì anh chịu, hà cớ gì phải nói với tôi. Nhưng sau đó, tôi bỗng giật mình: Đâu phải vô cớ mà anh tìm gặp để nói mỗi chuyện này? Thậm chí anh còn chưa kịp hỏi thăm các con.
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh: “Anh muốn gì?”. Anh quay đi để tránh ánh nhìn của tôi, mãi một lát sau mới ngập ngừng: “Bên ngoại thằng nhỏ nghèo quá, còn mấy đứa em anh cũng giận nên không ngó ngàng… Anh chỉ mượn thôi… Mổ cho thằng nhỏ xong, nó khỏe mạnh, anh sẽ kiếm tiền trả lại cho em…”.
Tôi bỗng thấy thật nực cười: “Anh đã bỏ mẹ con tôi suốt bao nhiêu năm trời để chạy theo người tình, thế mà bây giờ, khi gặp khó khăn lại mò về. Anh không thấy như vậy là quá đáng sao? Anh đi đi!”.
Tôi gọi các con về. Trên suốt đoạn đường về nhà, cả ba mẹ con đều im lặng. Hai đứa nhỏ không dám hỏi vì thấy nét mặt căng thẳng của mẹ. Mãi đến khi về tới nhà, tôi mới kể cho chúng nghe mọi chuyện. “Mình làm gì có tiền cho ba mượn hả mẹ? Con biết là mẹ rất khó khăn khi phải một mình lo cho chị em con”- bé Lan rơm rớm nước mắt.
Tôi có một quyển sổ tiết kiệm 100 triệu đồng. Đó là mồ hôi, nước mắt tôi đã vắt ra từ mấy năm qua. Để có được số tiền đó, tôi đã phải nhịn ăn, nhịn mặc; phải từ bỏ tất cả mọi thói quen, niềm vui của mình… Tôi đã thở hắt ra trước khi quyết định: Tiền bạc có thể kiếm được nhưng tính mạng của thằng bé nếu mất đi thì làm sao có thể tìm lại được?
Ca phẫu thuật thành công, thằng bé đã khỏe mạnh. Hôm đưa hai cha con nó về nhà trọ, tôi bỗng thấy mủi lòng. Bé Lan cũng không cầm được nước mắt khi nhìn căn phòng trọ trống huơ, trống hoác… Nó ôm thằng bé như không muốn rời. Tôi biết từ trong vô thức, sợi dây máu mủ, ruột rà của con bé đã thức dậy.
Tôi không biết mình có bình thường không khi quyết định mang thằng nhỏ về nhà…
Có phải trong lòng tôi không còn thù hận?
Không lẽ đến ngày nào đó, tôi sẵn sàng bỏ qua mọi thứ để mở cửa lòng mình với anh một lần nữa hay sao?
Theo Thanh Tâm
Người lao động