Học xong đại học chẳng biết làm gì!
Ở nhiều trường đại học công lập, có nhiều ngành, mỗi năm chỉ tuyển sinh được vài chục sinh viên để đào tạo. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, hầu hết các tân cử nhân này lại chẳng biết làm gì với ngành đã được đào tạo. Thực trạng trên đã gây nên sự lãng phí rất lớn.
Ảnh: minh họa - Internet |
Phần 1: Tốt nghiệp ngành kinh tế gia đình đi làm bảo mẫu
Kinh tế gia đình là một trong những ngành được thành lập từ năm 1962. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây thì ngành này chỉ tuyển được số lượng thí sinh ít ỏi và hoạt động cầm chừng. Sinh viên tốt nghiệp thường đi làm trái nghề.
Lay lắt tuyển sinh
Một trong những cái nôi đào tạo ngành Kinh tế gia đình là trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Trái ngược với thời hoàng kim, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm trường chỉ dành 50 chỉ tiêu để tuyển sinh với số điểm chuẩn (khối A) giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2007 điểm chuẩn là 15,5 và năm 2008 là 14. Đến năm 2009, vì khan hiếm thí sinh nên ngành này được tuyển sinh thêm khối B và điểm chuẩn là 14 (khối A) và 15,5 (khối B). Đến năm 2010, điểm chuẩn của khối A, B đều ở mức 14 điểm. Đến năm nay, điểm chuẩn của ngành này đều lấy bằng sàn: Khối A 13 điểm và B là 14 điểm.
Còn tại trường ĐH Sài Gòn, ngành Sư phạm Kinh tế gia đình (bậc cao đẳng) cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2011, trường chỉ dành 30 chỉ tiêu để đào tạo cho ngành này nhưng phải xét cả NV2 (với điểm chuẩn bằng sàn, khối B là 11 điểm) mới có đủ thí sinh để mở lớp. Tương tự, ngành Kinh tế gia đình (chuyên ngành Dinh dưỡng cộng đồng) tại trường CĐ Sư phạm T.Ư TP. HCM cũng luôn trong tình trạng khó tuyển sinh. Mỗi năm, trường chỉ dành 50 chỉ tiêu để tuyển sinh với số điểm bằng sàn. Cụ thể, điểm chuẩn năm 2011 của khối A là 10, khối B là 11 điểm.
Học cử nhân, làm phổ thông
Đầu vào thấp, chỉ tiêu ít nhưng hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế gia đình đều rất khó tìm được việc làm đúng chuyên môn. Bạn Q. K., tốt nghiệp ngành Kinh tế gia đình ở trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, sau nhiều tháng vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng không chỗ nào nhận nên đành xin vào làm công nhân tại một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tại quận Bình Thạnh. Tuy công việc có chút ít dính dáng đến chuyên môn mình đã học nhưng hằng ngày, K. vẫn làm công việc phổ thông như bao công nhân khác trong công ty.
Tương tự, nhiều sinh viên ngành Kinh tế gia đình tại trường CĐ Mẫu giáo T.Ư TP. HCM thường đi làm bảo mẫu ở các nhà trẻ hoặc phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn. Trong khi đó, trên website của trường lại công bố chuẩn đầu ra là: “Sinh viên học ngành này có kỹ năng chế biến, bảo quản và sáng tạo các món ăn, thức uống, các loại chè, bánh Việt Nam và một số nước châu Á. Xây dựng được thực đơn và khẩu phần dinh dưỡng cho các đối tượng. Tổ chức, quản lý và điều hành bếp ăn tập thể cho các trường bán trú, nhà hàng, xí nghiệp... Tốt nghiệp, sinh viên có thể làm chuyên viên dinh dưỡng tại các trung tâm dinh dưỡng, trường học, khách sạn – nhà hàng, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, sản xuất và dịch vụ hoặc chuyên viên quản lý bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, khách sạn – nhà hàng”.
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam vào chiều ngày 16/11/2011, ThS Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sài Gòn xác nhận: “Mỗi năm, chúng tôi chỉ dành khoảng 30 chỉ tiêu để đào tạo ngành Kinh tế gia đình. Học xong, sinh viên ra trường làm việc ở đâu thì tôi chưa nắm được. Ngành đó đào tạo nhiều thứ, sinh viên ra trường không đi dạy được thì làm cái này hoặc cái kia. Tuy khó tuyển, quy mô đào tạo nhỏ nhưng hiện tại chúng tôi chưa có kế hoạch chuyển đổi hoặc ngưng tuyển sinh ngành đó”.
“Chuồn chuồn đạp nước”
Hiện tại, ngành Kinh tế gia đình đào tạo theo chương trình khung của Bộ GD – ĐT ban hành năm 2004. Theo đó, chương trình dành cho chuẩn bậc cao đẳng, ngành Kinh tế gia đình sẽ được đào tạo theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước” với một lượng kiến thức tràn lan: Cắt may căn bản, vẽ trang trí sản phẩm, nhà ở và trang trí nội thất, cắm hoa tươi, thêu, đan, hoạt động giảng dạy ở trường THCS, món ăn Việt Nam… Nhìn vào chương trình này, một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Chính cách đào tạo theo kiểu cái gì cũng biết nhưng không có cái gì am hiểu một cách tường tận nên sinh viên ra trường rất khó xin việc làm. Hầu hết các trường đã nhìn thấy được vấn đề này nhưng lại ngại thay đổi, đụng chạm nên vẫn giữ nguyên từ năm này sang năm khác”.
Thực tế đã chứng minh, tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, từ khi có ngành Công nghệ may, Thiết kế thời trang, Công nghệ thực phẩm thì ngành Kinh tế gia đình đã không còn thu hút được thí sinh. Đại diện trường ĐH Sư phạm TP. HCM cho rằng: “Tiền thân của khoa Công nghệ may và Thời trang, Công nghệ hóa và Thực phẩm là khoa Kinh tế gia đình, được thành lập năm 1962. Chương trình đào tạo của ngành Kinh tế gia đình có một ít của ngành Thiết kế thời trang và một ít của ngành Công nghệ thực phẩm. Việc sinh viên có lựa chọn ngành Kinh tế gia đình hay không là tùy ở các bạn. Còn tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM thì mỗi ngành đều có chuẩn đầu ra”.
Theo ThS Nguyễn Nguyên Bình, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Sư phạm T.Ư TP. HCM thì trong những năm gần đây, ngành Kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Mỗi năm, nhà trường chỉ dành 50 chỉ tiêu nhưng phải xét cả NV2 mà vẫn không đủ thí sinh.n
Ý kiến sinh viên:
* Bạn H. T., tốt nghiệp ngành Kinh tế gia đình, trường ĐH Sài Gòn, năm 2008:
Đi sâu vào một chuyên ngành
Việc lựa chọn ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi trong 4 năm đại học rồi sau này gắn với cuộc đời mình phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Mình thấy, ngành Kinh tế gia đình sinh viên rất khó tìm được việc làm đúng chuyên môn. Tụi mình được đào tạo quá nhiều thứ: Nấu ăn, thiết kế thời trang, kỹ năng sư phạm, cắm hoa... nhưng không chuyên sâu vào cái gì cả. Chính việc này khiến tụi mình ra trường phải làm thợ “đụng”. Sau 3 năm ngồi trên giảng đường, nhiều sinh viên phải chấp nhận lao động chân tay như các bạn không có bằng cử nhân là quá thiệt thòi cho mình. Thiết nghĩ, chương trình học của ngành này cần phải được đổi mới theo hướng đi sâu vào một chuyên ngành để sinh viên ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm.
* Một sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế gia đình, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, năm 2009:
Phải tự nâng cao kiến thức
Mình nghĩ, không chỉ có ngành Kinh tế gia đình mà hầu hết các ngành khác sinh viên cần phải tự trau dồi, nâng cao kiến thức để dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường. Hiện nay, kiến thức ở giảng đường chỉ cho sinh viên cái nền tảng. Vì vậy để khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với thực tế, sinh viên ngành Kinh tế gia đình cần phải có định hướng rõ ràng ngay từ năm thứ nhất. Trong chương trình học của ngành Kinh tế gia đình sẽ có rất nhiều môn với lượng kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau. Quá trình tiếp cận với môn học sẽ giúp sinh viên nhận ra mình phù hợp với lĩnh vực nào: Nấu ăn, thiết kế thời trang, cắm hoa... Từ đó, các bạn sẽ đi học thêm các lớp nâng cao ở bên ngoài. Đến khi ra trường, các bạn sẽ tự tin bước vào đời. Bất cứ ngành nào cũng vậy, dễ hay khó tìm được việc làm là do bản thân của mỗi sinh viên. Cô Diệu Thảo cũng tốt nghiệp từ ngành Kinh tế gia đình của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM nhưng vẫn tìm được việc làm và nổi tiếng trong xã hội đó thôi.
* Bạn K. D., tốt nghiệp ngành Kinh tế gia đình, trường CĐ Sư phạm T.Ư (TP. HCM), năm 2010:
Khó tìm được việc làm phù hợp
Mình là một sinh viên của ngành Kinh tế gia đình, chuyên ngành Dinh dưỡng cộng đồng của trường CĐ Sư phạm T.Ư (TP. HCM). Sau khi tốt nghiệp, mình như bị khủng hoảng. Gia đình thì cắt “viện trợ” hằng tháng còn việc làm thì rất mong manh. Mình đã rải hồ sơ nhiều nơi nhưng không có nơi nào nhận vì công việc họ tuyển không phù hợp với chuyên môn mình được đào tạo tại trường.
Cuối cùng, mình phải đi tư vấn cho một công ty chuyên kinh doanh sữa tại Q. 3, TP. HCM. Ban bè học chung lớp với mình phần lớn đi làm bảo mẫu ở nhà trẻ, PG... Vẫn biết, tìm được việc làm hay không là còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi sinh viên. Tuy nhiên, nếu được đào tạo bài bản, kiến thức chuyên môn cao thì chắc chắn sinh viên sẽ dễ dàng tìm được công việc mình yêu thích hơn .
Theo Quang Duy
Sinh Viên Việt Nam