Lính trên chốt

Thiếu tá An (trái) hướng dẫn chiến sĩ trẻ quan sát mục tiêu. Ảnh: N.M
Thiếu tá An (trái) hướng dẫn chiến sĩ trẻ quan sát mục tiêu. Ảnh: N.M
TP - Trên cao điểm 424 (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) những người lính Đồn biên phòng Chi Ma không một giây ngừng nghỉ để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt.

> Ngày hội văn hóa thể thao thanh niên

Thiếu tá An (trái) hướng dẫn chiến sĩ trẻ quan sát mục tiêu. Ảnh: N.M
Thiếu tá An (trái) hướng dẫn chiến sĩ trẻ quan sát mục tiêu.
Ảnh: N.M.
 

Là một trong những cao điểm trọng yếu, chốt 424 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự. Từ đây, bằng các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng, người lính biên phòng có thể quan sát tình hình nội ngoại biên 24/24 giờ, kịp thời báo cáo về Sở chỉ huy những thông tin quan trọng.

Chúng tôi có mặt trên chốt 424 vào sáng sớm, sương mù giăng kín, trời tối mịt mùng. Trong lúc các chiến sĩ thực hiện đổi ca trực, anh cả của chốt – Thiếu tá Hoàng Quốc An, phụ trách chốt đã kịp hâm nóng lại nồi cháo để các chiến sĩ vừa xong ca trực có bữa ăn sáng ấm bụng.

Từ điểm gác về, Binh nhất Dương Văn Sáng (SN 1990, người dân tộc Tày) cởi bộ quân phục ướt đẫm sương đêm mang đi sấy khô. Sáng cho biết, mới lên chốt nhận nhiệm vụ từ đầu tháng 2 - 2012. Ban đầu chưa quen, nhiều lúc Sáng thấy khó thở bởi trên cao không khí loãng.

Khổ nhất là những hôm trời mưa, đường hào ẩm ướt nên rất dễ trượt ngã. Ngoài ra, quanh khu vực này còn sót lại một số vật nổ từ thời chiến tranh nên chiến sĩ mới luôn được đồng đội đi trước cảnh báo cẩn thận.

Chiến sĩ chốt 424 chăm sóc rau tăng gia. Ảnh: N.M
Chiến sĩ chốt 424 chăm sóc rau tăng gia. Ảnh: N.M.
 

Theo Thiếu tá An, mùa này, các cửa chính và cửa sổ đều được đóng kín, bởi chỉ cần mở ra là hơi sương đã tràn vào kín phòng, khiến cho bàn ghế, chăn màn đều ẩm ướt. “Trên này mùa đông lạnh thấu xương. Còn về mùa sương thì hầu như chẳng mấy khi anh em trên chốt có bộ quần áo khô để mặc”, Thiếu tá An nói.

Ở xa đơn vị, nhưng đều đặn, cứ đúng lúc đổi giữa ca gác đêm và ca gác ngày (5 giờ sáng) là cả chốt cùng báo thức, chia nhau công việc, người tiếp tục ca gác, người nấu ăn sáng, người hong sấy quần áo, người bảo quản vũ khí trang bị…

Thiếu úy Bàn Văn Khỏe tâm sự: “Do địa hình khó khăn, nên mỗi sáng sớm, chốt lại phải cử một đồng chí xuống Đồn để nhận thực phẩm và công văn, giấy tờ. Bây giờ đường đi cũng đỡ vất vả, cả đi và về chỉ hơn một giờ đồng hồ. Trước kia đường dốc vừa cao, vừa trơn”. Vừa qua chốt được cấp trên quan tâm lắp đường ống bơm nước ngọt lên tận nơi nên anh em không còn cảnh cõng nước lên chốt mỗi ngày.

Cũng nhờ có nước ngọt, ngoài cải thiện được điều kiện sinh hoạt, anh em trên chốt còn tự trồng rau, chưa phải mua ngoài bao giờ. Ngoài ra, anh em còn được thừa kế từ các thế hệ trước những gốc nhãn, đu đủ... mùa nào cũng trĩu quả.

Từ trên cao điểm 424, nhìn qua màn sương, có thể quan sát rõ cả một vùng rộng lớn mảnh đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Theo Thiếu tá An, ngoài nhiệm vụ tuần tra quan sát bảo vệ biên giới, các anh còn kịp thời phát hiện các vụ xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, cháy rừng…

“Ngày nào cũng đứng trên này nhìn xuống, thấy mình chỉ cách Trung tâm khu kinh tế Cửa khẩu Chi Ma một tầm tay với, qua ống nhòm có thể nhìn rõ đồng đội đang làm nhiệm vụ bên dưới. Dù một tháng mới được về thăm nhà, thậm chí vài ba tháng tùy theo nhiệm vụ, nhưng anh em luôn động viên nhau đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tá An tâm sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG