Chấm phá về thủ lĩnh phong trào cánh tả 27 tuổi

Chấm phá về thủ lĩnh phong trào cánh tả 27 tuổi
TP - Tình cờ, trên chuyến bay dài hơn 10 tiếng đồng hồ từ Quito, Ecuador về Amsterdam, tôi ngồi cạnh Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới Dimitris Palmirys.

> Thủ lĩnh 27 tuổi của phong trào thanh niên cánh tả thế giới
> Đoàn Việt Nam luôn có vai trò quan trọng tại các Festival

Ngồi ghế hạng phổ thông, và đi một mình, cũng như lần đến khách sạn Amaranta ở Quito gặp lãnh đạo Đoàn đại biểu Thanh niên, Sinh viên Việt Nam dự Fesvital 18. Nói chuyện qua lại, anh hứa dành cho tôi một cuộc trò chuyện, phỏng vấn chính thức trong khi đợi đổi chuyến ở sân bay Schiphol, Amsterdam.

Khi người ta trẻ

Dimitris người dong dỏng, săn chắc, các nét trên gương mặt gọn và sắc. Hôm nhìn thấy Dimitris phát biểu khai mạc Festival 18, tôi đã nghĩ anh chàng này trước hết là đẹp trai.

Thấy trong máy tính xách tay của tôi ảnh chụp anh buổi khai mạc và bế mạc, Dimitris đưa USB đề nghị cóp ngay những cái đẹp. Rồi cả những cái chụp một vài thời điểm cần phải xem xét ở Festival nữa. Như hầu hết những người Âu trẻ tuổi, lên máy bay, anh chụp ngay tai nghe và giở sách. Tưởng tôi chưa biết, anh chỉ cho tôi những dòng chữ mà tôi nhận ngay ra những chữ vẫn thường dùng làm ký hiệu toán học (an-pha, ô-mê-ga, bê-ta…) và nói “chữ Hi Lạp”.

Ở Síp, quê hương Dimitris, người ta nói tiếng Hi Lạp. Cũng có một cộng đồng nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc đảo nhỏ bé nằm ở Địa Trung Hải từng bị xâm chiếm, bị đô hộ, từng lệ thuộc nên cũng có đặc điểm đa văn hóa.

Hôm khai mạc Festival, mưa đổ xuống ào ạt giữa cái lạnh xuống gần 10 độ C của một thành phố nằm trên độ cao gần 3.000 m so với mực nước biển. Các quan chức Ecuador ngồi trên đoàn chủ tịch, từ Tổng thống Rafael Correa, Chủ tịch Quốc hội Gabriela Rivadeneina, Thị trưởng Quito… đều có hầu cận mang thêm cho áo khoác, riêng Dimitris chẳng có ai mang cho cái gì.

Tổng thống Correa diễn thuyết bốc lửa phải đến 40 phút dưới mưa. Tôi đã nghĩ anh chàng này thế nào cũng ốm. Nhưng trưa hôm sau đã thấy Dimitris nhanh nhẹn bước vào cửa khách sạn của đoàn Việt Nam. Đúng là sức trẻ: Dimitris mới 27 tuổi.

Dưới 30, đứng đầu một tổ chức rộng lớn toàn thế giới, liên kết thanh niên và sinh viên cánh tả, việc không dễ. Một số người tham dự nhiều kỳ Festival nói Dimitris thiếu kinh nghiệm. Tôi nghĩ cũng phải thôi. Khi người ta trẻ mà. Nhưng thiếu kinh nghiệm cỡ nào cũng đã là giỏi rồi khi tổ chức được cái Festival với sự tham gia của nhiều nghìn người thuộc hàng trăm nước, có nước lại có đại diện hàng chục tổ chức thanh niên khác nhau và trong đó cũng có những tổ chức không phải khi nào cũng thật sự hòa thuận.

Tôi kinh ngạc khi nghe Dimitris nói ở trụ sở Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới (WFDY) ở Budapest, Hungary, ngoài hai nhân viên hỗ trợ kỹ thuật chỉ có 5 cán bộ làm việc: Chủ tịch, ba Phó chủ tịch và Tổng Thư ký. Hầu như tất cả qua Internet.

Ít người như vậy nên khi tôi hỏi điều khó khăn và thử thách lớn nhất mà anh phải vượt qua khi tổ chức Festival là gì, Dimitris nói chính là công tác hậu cần. Làm sao phối hợp thông tin (và trong nhiều trường hợp là phải thu xếp trực tiếp) cho khối người đông đúc, đa văn hóa và có ý kiến độc lập tuy nằm trong trào lưu cánh tả ấy đến Ecuador, ăn ở, đi lại, tham gia các hoạt động của Festival.

Cái khó nữa là làm sao để ai cũng thấy thoải mái, hài lòng nhất. Đương nhiên là có nỗ lực của Ban tổ chức quốc tế, có sự chủ động vào cuộc rất mạnh mẽ của nước chủ nhà nên mọi việc rồi cũng xong xuôi.

Thử thách là vậy, còn niềm vui lớn nhất? Đó chính là đưa đại biểu của một số nước đến được Festival (mà nếu không có nỗ lực và hỗ trợ của WFDY thì họ không thể có điều kiện để đến), như đại biểu của Látvia, của Ailen, nơi tổ chức thanh niên cánh tả còn nhỏ bé và yếu.

Đưa được họ đến Festival là một thành công, là niềm vui lớn vì bản chất của Festival là tập hợp đoàn kết lực lượng thanh niên, sinh viên tiến bộ toàn thế giới. Và cũng là niềm vui lớn khi nghe các đoàn, các đại biểu nói rằng họ vui khi tham dự Festival này.

a
Anh Palmirys trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong tại sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan.  Ảnh: Bùi Diễm Hường.

Dimitris đánh giá cái được của Festival lần này là chứng tỏ phong trào Festival vẫn tiếp tục, bất chấp những khó khăn. Nó vẫn thu hút mạnh mẽ các tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới, đoàn kết, tập hợp lực lượng, tức là hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh của Liên đoàn và phong trào. Và nó có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển tiếp theo của phong trào trong những năm tới, nó không dừng lại ở ngày 13/12 (ngày bế mạc Festival 18).

 Tôi có thể nói là mình còn quá trẻ để lấy vợ. Thành thực mà nói là chưa thể hình dung về người bạn gái của mình trong tương lai, nhưng một điều chắc chắn là sẽ rất khó nếu đó không phải là người cùng chí hướng, người đồng chí với nhau. Bởi khi đó sẽ rất khó chia sẻ để có thể kết thành đôi”.  

Dimitris Palmirys - Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới

Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới ra đời năm 1945, thoạt đầu trụ sở đặt tại Pháp. Nhưng Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu, Pháp lại là nước đế quốc đang xâm chiếm nhiều nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam nên năm 1947, trụ sở chuyển sang Budapest. Khi hệ thống XHCN châu Âu sụp đổ, WFDY không thể duy trì trụ sở khang trang và tài sản của mình. Năm 1992, WFDY có trụ sở mới duy trì cho đến nay. Theo Dimitris thì với tính chất công việc là liên hệ và điều phối, phối hợp với các tổ chức thanh niên sinh viên ở hàng trăm quốc gia như hiện nay thì môi trường làm việc Internet là phù hợp và đang hữu dụng nhất nên cũng chẳng cần trụ sở lớn làm gì.

Khi tôi hỏi về quá trình tham gia phong trào thanh niên, sinh viên để trở thành Chủ tịch WFDY, Dimitris nói khởi đầu anh tham gia vào phong trào thanh niên, sinh viên do Đảng Cộng sản Síp lãnh đạo, trải qua nhiều vị trí trong tổ chức trước khi trở thành Chủ tịch WFDY vào năm 2011. Anh nhấn mạnh anh trở thành Chủ tịch WFDY không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách đại diện của tổ chức thanh niên Síp. “Tôi trẻ nhưng tổ chức của tôi tham gia WFDY từ rất lâu rồi” - Dimitris hóm hỉnh.

Quan điểm chọn bạn gái

Dimitris vẫn còn là sinh viên, thậm chí anh vừa quay lại làm sinh viên của năm thứ nhất. Trước đây, anh học luật, nhưng vừa qua đã quyết định học lại từ đầu ngành khoa học và lịch sử chính trị. Trường đại học anh theo nằm ở Aten, Hi Lạp, cách học chủ yếu là từ xa. Việc học của anh bị gián đoạn nhiều do hoạt động cho phong trào.

Anh cười: “Vì Festival, mấy tháng rồi tôi không biết ở trường học gì, giờ quay lại tôi sẽ phải tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra ở trường đại học. Dù thế nào thì tôi cũng phải kết thúc chuyện học hành của mình trong vòng 4 năm tới, tức năm 2017”.

Tôi hỏi Dimitris “bạn hình dung, chính xác là định hướng thế nào về cuộc đời mình khi không còn ở tuổi thanh niên nữa?”, Dimitris đáp khi kết thúc nhiệm kỳ, một điều chắc chắn là anh vẫn tham gia phong trào thanh niên dù với khía cạnh nào.

Về cuộc sống riêng, Dimitris độc thân và không có bạn gái ở thời điểm này. Anh thú thật trước đây đã có người yêu ở Síp, nhưng vì tính chất bận rộn của công việc và sự xa cách mà họ chia tay. Anh nói hiện chưa thể lập gia đình vì đang tập trung làm việc và còn nhiều thời gian ở phía trước. “Tôi có thể nói là mình còn quá trẻ để lấy vợ”.

Quan điểm của Dimitris là thực ra bận công việc đến mấy, người ta vẫn có thể thu xếp thời gian để học hành, vui chơi, giải trí và yêu đương, lập gia đình được, nhưng vấn đề là phải tìm được người bạn gái phù hợp về lý tưởng, về cách sống.

“Thành thực mà nói là chưa thể hình dung về người bạn gái của mình trong tương lai, nhưng một điều chắc chắn là sẽ rất khó nếu đó không phải là người cùng chí hướng, người đồng chí với nhau. Bởi khi đó sẽ rất khó chia sẻ để có thể kết thành đôi” - Dimitris thổ lộ. Bạn gái cũ của Dimitris cũng là người cùng hoạt động trong phong trào sinh viên ở Síp.

Tôi quan tâm Chủ tịch WFDY có mối quan tâm, sở thích cá nhân gì? Dimitris cười nói anh biết đánh tennis chỉ khi về Síp mới chơi vì “ở Budapest muốn chơi tôi phải dạy các cộng sự, người quen của mình chơi, mà tôi thì chưa dạy được”.

Khi còn là sinh viên, anh thích đi nhảy và có thể trình diễn các điệu nhảy trên sân khấu. Dimitris thổ lộ về phương diện cá nhân, Budapest không phải là thành phố phù hợp với một người Địa Trung Hải như anh vì khí hậu ở đó quá lạnh. Là chủ tịch một tổ chức quy mô toàn thế giới (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một thành viên), Dimitris phải liên hệ nhiều và đi nhiều. Anh đã từng đến Việt Nam hai ngày trong quá trình chuẩn bị cho Festival 18, ngoài công việc còn kịp đi thăm vài bảo tàng ở Hà Nội, đến Vịnh Hà Long.

Nhưng xem ra, anh không có nhiều thông tin về các nước bán đảo Đông Dương. Thấy ảnh hai con gái tôi trong điện thoại, anh ngạc nhiên khi biết Việt Nam cũng có quy định sinh đẻ có kế hoạch, trước đó anh chỉ biết có Trung Quốc có “quota” về sinh đẻ. Anh sửng sốt đã từng có chiến tranh biên giới Việt - Trung, cũng như không biết nước Lào hiện không còn vua, trong khi Campuachia vẫn còn quốc vương.

“Tôi tự hào Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á tôi đến trong nhiệm kỳ của mình và sự hiếu khách của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là rất ấn tượng. Hạ Long thì rất đẹp. Việt Nam là nước rất đẹp, con người thì đôn hậu. Đó là đất nước tôi rất muốn trở lại”.

Và rất có thể Dimitris sẽ trở lại Việt Nam sớm. WFDY đang đề nghị được tổ chức hội nghị Hội đồng chung của Liên đoàn năm 2014 tại nước ta.

Sân bay Schiphol, Amsterdam, 16/12/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG