Tranh cãi ‘cánh cửa mở’ trong clip sinh viên sống thử
> Trấn Thành: 'Bạn gái tôi xinh đẹp là chuyện bình thường'
> Yêu sao cho đẹp? - Kỳ 2: Chuyện người yêu cuồng
Câu chuyện về việc sống thử của một cặp sinh viên với đầy đủ yếu tố yêu đương, sa đọa, hư hỏng, có thai, tự tử… được tung ra gần đây đã thu hút hơn 90.000 nghìn lượt xem tính đến trưa 26-6 nhờ mang thông điệp sống ý nghĩa.
Rượu cũ, bình mới
Clip là phim ngắn do bạn Nguyễn Tân Long, sinh viên ngành Marketing, trường FPT Polytechnic thực hiện cho bài tập hết môn Kỹ năng làm việc.
Clip dài 10 phút với nhân vật giấu mặt sau hộp giấy, mặc dù chưa thật hoàn chỉnh nhưng vẫn nhận được sự đón nhận của rất nhiều người.
Cuộc sống hạnh phúc của hai bạn sinh viên trong thời gian đầu. Ảnh: Cắt từ clip. |
Bạn có nickname Vyt Quynh Anh bình luận: “Nội dung thì cũ rồi nhưng cách xây dựng lại thì rất mới mẻ”. Bộ phim được đánh giá cao bởi phản ánh được một thực trạng đã và đang gây nhức nhối trong giới trẻ: Sống thử và tình dục không an toàn.
Xuyên suốt câu chuyện là lời kể của cô sinh viên 18 tuổi. Chính cô đã có quyết định bạo dạn là dọn về ở chung với người yêu sau 3 tháng yêu nhau.
Sau những đổ vỡ, nhân vật nữ bị bạn bè chê cười, xa lánh. |
Thời gian đầu, hai bạn trẻ thật hạnh phúc. Họ đi học chung, nấu ăn chung, góp tiền bỏ heo đất để thực hiện kế hoạch kinh doanh. Họ sống vô tư, chẳng quan tâm thế giới bên ngoài, gia đình cũng không hay.
Nhưng chỉ một thời gian sau, chàng trai đi chệch hướng, lao vào những cuộc chơi sa đoạ… Cô gái làm mọi cách để người yêu quay lại như lúc xưa nhưng không thể. Họ chia tay khi cô gái đã có thai.
Đau khổ vì mất đi tương lai, cuộc sống khốn khó, cô gái có ý định tìm đến cái chết nhưng một bàn tay đã kịp ngăn cản.
Tranh cãi "nảy lửa" xung quanh kết thúc
Phim ngắn kết thúc với thông điệp: “Một cánh cửa khép lại thì nhiều cánh cửa khác mở ra. Mỗi khi vấp ngã, tự đứng dậy, bạn sẽ thấy những điều tuyệt diệu đằng sau cánh cửa đã vĩnh viễn đóng chặt ấy”. Cô gái làm lại cuộc đời với một người đàn ông tốt, còn anh chàng sinh viên ngày nào giờ thành người phụ hồ dầm sương dãi nắng, sống đời cực nhọc.
Kết thúc gây tranh cãi. |
Sau khi xem xong phim ngắn, nhiều người cho rằng đó không phải là sống thử mà là sống thật. Họ đã sống thật và hậu quả họ phải gánh chịu là thật. Những thiệt thòi sau cuộc sống thử ấy phần nhiều bạn gái lãnh chịu.
Tuy nhiên, bộ phim mới so với những câu chuyện khác ở chỗ không quy tất cả trách nhiệm và hậu quả về người con gái, mà người lãnh hậu quả là người không biết quay đầu. Tác giả dường như có cái nhìn “vị tha” hơn với bạn gái: Họ đã trót lỡ lầm, đã hy sinh nhưng bị vứt bỏ, cuối cùng muốn đứng dậy vẫn có điều kỳ diệu mở ra.
Hầu hết các ý kiến bình luận trên Youtube đều cho rằng sống thử là việc không nên có.
"Sống thử thì con gái luôn chịu thiệt thòi thôi. Mình là con trai nhưng mình thấy khi hai người sống thử thì các bạn gái phần nào đó luôn bị thiệt thòi hơn so với bạn trai”, bạn Huy Hoàng viết.
Bạn Nguyễn Thúy Quỳnh bình luận: “Em thấy phim của anh chị rất ý nghĩa, nói rất đúng về hiện trạng bây giờ của sinh viên. Em chẳng bao giờ ủng hộ việc sống thử cả, đối với em nó chỉ là sự biện hộ cho nhu cầu về thể xác mà thôi!”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng đây chỉ là một trong những trường hợp đáng tiếc, không phải cặp đôi nào sống thử cũng không hạnh phúc. Cũng vì kết thúc có phần “thiên vị” cho nhân vật nữ nên bạn có nickname Loi Hoang Van bình luận: “Xem xong cái clip này thấy đời cứ như màu hồng ý, ăn chơi phè phỡn rồi sẽ được hạnh phúc giàu có”.
Bạn Giang Nguyen có ý kiến: “Thế là bộ phim này tuyên truyền rằng cứ sống thử đi, rồi sẽ còn rất nhiều cánh cửa nữa mở ra, không việc gì phải sợ à”.
Theo Phạm Tâm
Người Lao Động