Phở Hà Nội nơi đầu sóng Trường Sa

Phở Hà Nội nơi đầu sóng Trường Sa
TP - Họ là những người dân bình thường nhưng trong tim luôn hướng về Tổ quốc ở nơi đầu sóng. Bằng những công việc thầm lặng, họ mang tình cảm từ quê nhà gửi tới đảo xa, và nối Trường Sa về gần lại đất liền.

> Tận thấy cá heo vùng biển Trường Sa
> Mang đất Tổ ra Trường Sa

“Đến với Trường Sa”

Kiến trúc sư Đoàn Bắc được biết đến trong giới nhiếp ảnh và trong lòng những người con yêu Hà Nội như là người lưu giữ và sưu tầm được hơn 7.000 tấm ảnh xưa về thủ đô.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cha là thầy giáo dạy sử Đoàn Thịnh, ngay từ nhỏ, Đoàn Bắc đã được cha truyền lại những tình cảm sâu đậm với quê hương đất nước thông qua những bức ảnh, những câu chuyện lịch sử.

Biết và yêu Trường Sa, Đoàn Bắc cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp thường xuyên tổ chức những buổi triển lãm ảnh về đảo xa.

Tháng 5/2012, Đoàn Bắc đặt chân đến Trường Sa và thực sự được chia sẻ, cảm nhận về cuộc sống và những khó khăn, thiếu thốn của quân và dân nơi đầu sóng.

Cuốn sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng” ra đời với sự hỗ trợ của Quân chủng Hải quân và TTXVN cùng nhiều nhiếp ảnh gia, nhà báo… đến từ nhiều cơ quan báo đài trên cả nước.

“Trường Sa vẫn còn chưa gần lắm với nhiều người, đặc biệt là với các em nhỏ. Cuốn sách ảnh giới thiệu những nét đẹp của cuộc sống, con người nơi đảo xa cho các em”.

Trong chuyến công tác thăm quân dân Trường Sa và nhà giàn DK1 giữa tháng 5/2013, hành trang mang theo của Đoàn Bắc là những cuốn sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng” để tặng các chiến sĩ .

Bên cạnh hoạt động nhiếp ảnh, Đoàn Bắc còn được nhiều chiến sĩ Trường Sa biết đến trong vài trò là admin của group “Đến với Trường Sa” trên Facebook. Group này được Đoàn Bắc thành lập vào tháng 11/2012.

Những hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người, tình quân dân ở Trường Sa được Đoàn Bắc đăng tải trên group, khiến trang mạng thu hút gần 7.000 thành viên. Ngày 11/5, khi đoàn công tác dừng chân tại đảo Phan Vinh, một thiếu úy đang trực nhiệm vụ liên tục hỏi thăm mọi người về cái tên Đoàn Bắc.

Đến khi vào đến trung tâm đảo, mọi người mới vỡ lẽ, thiếu úy Đồng Duyên Chúc là thành viên của group “Đến với Trường Sa” và tìm mọi cách để được gặp amind Đoàn Bắc. Cái bắt tay và ôm hôn giữa hai người lần đầu tiên gặp mặt mà như đã quen thân tự bao giờ.

Thiếu úy Chúc tiết lộ, có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa là thành viên của group này.

 “Đến nay đã gần 14 năm, tôi mới được nếm lại hương vị phở Hà Nội, mà lại ở một nơi rất đặc biệt, Trường Sa”-  

Trung tá Xuân xúc động

“Tôi cũng như nhiều cán bộ chiến sĩ thường chia sẻ những tâm tư, nỗi nhớ từ hải đảo gửi về đất liền, đồng thời khẳng định, những người chiến sĩ ở Trường Sa luôn lạc quan, yêu đời và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Thông qua 7.000 thành viên, tôi mong các bạn sẽ là những cánh tay nối dài để người trẻ trên cả nước biết và yêu Trường Sa”- thiếu úy Chúc chia sẻ.

Phở Hà Nội giữa Trường Sa

Trong chuyến công tác lần này có một nghệ nhân ẩm thực. Anh Vũ Ngọc Vượng, chủ quán phở Ngọc Vượng ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đồ đạc anh Vượng mang theo trong hải trình hơn 10 ngày cũng khá đặc biệt: hơn 30 thùng hàng gồm bánh phở, xương bò, hàng chục kg thịt bò tái, nạm, gầu cùng với đủ loại gia vị, hành ngò, tỏi, ớt và những thùng nước dùng được chế biến đúng phong cách phở Hà Nội.

Lần đầu đi biển, anh Vượng say sóng nằm li bì suốt hai ngày liền, chỉ ăn cơm cháy qua bữa. Đến đảo Sơn Ca, anh Vượng dậy từ bốn giờ sáng, cùng một chiến sĩ phụ bếp trên tàu đi xuồng vào đảo.

Trong hơn một giờ, anh nấu hơn 200 bát phở cho cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca. “Hàng phở của tôi lúc đông nhất cũng chỉ phục vụ khoảng 80 người”, anh Vượng kể.

Những ngày sau đó, anh tiếp tục “chiêu đãi” phở Hà Nội cán bộ chiến sĩ đảo Nam Yết, Trường Sa Lớn, tổng cộng hơn 1.000 bát phở. Anh Vượng cho biết, mặc dù nấu với số lượng nhiều và phải phục vụ đúng giờ ăn của bộ đội, anh vẫn nấu món phở đúng chất Hà Nội.

“Mặc dù say sóng nhưng ngày nào tôi cũng phải vào khoang lạnh của tàu để kiểm tra thực phẩm. Hành ngò, tỏi, ớt được rửa sạch vào buổi tối, sáng sớm vào đảo mới xắt ra để giữ độ tươi xanh. Bánh phở, thịt bò đều được bảo ôn cẩn thận, mang vào đến đảo là tự rã đông, có thể dùng ngay mà vẫn giữ nguyên hương vị”, anh Vượng nói.

Phó chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, trung tá Nguyễn Viết Xuân hồi hộp từ buổi tối khi hay tin bộ đội trên đảo sẽ ăn sáng bằng phở Hà Nội. Quê ở Thanh Hóa, năm 1986, anh đóng quân ở Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội.

Năm 1987, dịp được nghỉ phép, anh về Hà Nội và thưởng thức bát phở đầu tiên trong đời. Đến năm 2000, trong một chuyến công tác từ Quảng Ninh về Hà Nội, trung tá Xuân có dịp ăn bát phở Hà Nội thứ hai.

“Đến nay đã gần 14 năm, tôi mới được nếm lại hương vị phở Hà Nội, mà lại ở một nơi rất đặc biệt, Trường Sa”, trung tá Xuân xúc động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.