> Đường về nẻo thiện thênh thang
>Thông điệp & hành động vì bình yên cuộc sống
Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp với Tổng cục 8 (Bộ Công an), tổ chức ngày 5/5, tại Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội). Dịp này, báo Tiền Phong tặng trại giam Thanh Xuân 5 triệu đồng và 100 đầu sách, báo.
Xót xa khi chôn vùi tuổi xuân
Các trại viên Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội) tại buổi giao lưu. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Chương trình giao lưu thấm đẫm những câu chuyện nhân văn, đường về bến thiện của những người một thời lầm lỡ. Câu chuyện đường về thêm xúc động khi bà Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng kể về một lần tiếp xúc với nữ phạm nhân.
Bà kể: Ngày chị này ở trại, người chồng dắt 4 đứa con đến đề nghị ký vào đơn li dị vì gia đình chồng không chịu nổi tai tiếng. Người phụ nữ ấy tan nát cõi lòng. “Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông, nhưng giáo dục được người phụ nữ là được cả gia đình”, bà Hồng xúc động.
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An bày tỏ sự tiếc nuối khi nhiều bạn trẻ phạm tội lúc 18-20 tuổi. Sau hơn chục năm thụ án, trở về cuộc sống khi đã bước sang tuổi trung niên, bao ước mơ, hoài bão tuổi trẻ bị chôn vùi.
Anh An cho biết, Đoàn có nhiều chương trình giáo dục thanh thiếu niên sống tích cực, hướng thiện. Với những người hoàn lương, Đoàn đồng hành cùng họ giúp vay vốn, tạo việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo môi trường lành mạnh thu hút họ tham gia.
Hãy tìm đến tổ chức Đoàn thanh niên tại địa phương nếu các bạn gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tái hoà nhập cuộc sống” Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An |
Ông Phan Trọng Hà, Phó Giám thị trại giam Thanh Xuân cho rằng, diễn đàn trên báo Tiền Phong và cuộc giao lưu này là chương trình ý nghĩa sâu sắc trong công tác giáo dục cải tạo người phạm tội, đấu tranh phòng chống cái xấu, cái ác, là hồi chuông cảnh tỉnh, giáo dục nhân cách đối với tuổi trẻ nói chung và phạm nhân nói riêng.
Theo ông Hà, tội phạm trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên đang có xu hướng tăng, ngày càng tinh vi, phức tạp. Để giáo dục, cải huấn đưa họ trở lại cuộc sống, cán bộ trại giam nghiên cứu kỹ hồ sơ từng phạm nhân về hoàn cảnh xuất thân, quá trình phạm tội… qua đó nắm bắt trúng tâm tư, tình cảm có biện pháp giáo dục hợp lý từng đối tượng.
Hai tháng trước ngày được tự do, các phạm nhân được phổ biến các kiến thức về tình hình kinh tế, chính trị xã hội, tình hình lao động; chuẩn bị tâm lý vững vàng tái hòa nhập cộng đồng…
Con đường sáng
Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng chia sẻ, việc báo Tiền Phong mở diễn đàn “Tội ác đến từ đâu” trong thời điểm này là rất cần thiết trước tình hình tội phạm trẻ ngày càng tăng, góp phần thức tỉnh người trẻ trước nguy cơ sa ngã. Bà Hồng cũng chia sẻ sự thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng, ưu tư của những phạm nhân.
Bà Hồng nói: “Ai cũng có quá khứ nhưng chỉ nên nhìn lại để bước đi tiếp, đừng tự ti, mặc cảm. Mỗi chúng ta hãy tự mở con đường và hãy tự bước đi theo cách của mình”.
TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn (đứng) cùng các vị khách mời tại chương trình. |
Tiếp lời Tiến sĩ Bích Hồng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn chia sẻ thêm về bức thông điệp mà báo Tiền Phong muốn gửi gắm thông qua hình ảnh con đường sáng trên phông nền của buổi giao lưu: “Các bạn đang đi ở khúc quanh con đường có nhiều vùng tối không mấy vui vẻ. Chúng tôi trăn trở rất nhiều và cuối cùng là chọn hình ảnh con đường sáng có mặt trời, phía cuối con đường có những ngôi nhà, tổ ấm hạnh phúc đang chờ đón các bạn”.
Chia sẻ cảm xúc với những người phục thiện, nhà báo Lê Xuân Sơn đọc bài thơ Tôi trở về nơi mình đã ra đi (tác giả Chử Văn Long). Cả hội trường lặng im, một số phạm nhân đầu cúi thấp, mắt ngấn lệ.
Từng lời bài thơ chạm tới xúc cảm của những người đang thụ án: Tôi trở về nơi mình đã ra đi/Em vẫn đó nhưng đâu là em nữa /Đâu ánh mắt đốt lòng tôi như lửa/Con bướm vàng thơ thẩn đậu rồi bay /Giờ gặp em tôi chẳng thể cầm tay /Em hỏi chuyện bâng quơ như khách lạ /Nhìn lũ trẻ hồn nhiên mà thương quá /Chẳng đứa nào tôi biết tuổi, biết tên…
Anh Dương Văn An, Bí thư T.Ư Đoàn bày tỏ mong muốn, các trại viên sau khi mãn hạn tù hãy mang bài học của mình nói lại cho những người xung quanh mình hiểu, xem như đó là một cách giáo dục giúp những người xung quanh, đặc biệt là người trẻ tránh những vấp ngã không đáng có.
Anh An gửi lời tới các trại viên: “Hãy tìm đến tổ chức Đoàn Thanh niên tại địa phương nếu các bạn gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tái hoà nhập cuộc sống”.
Thay mặt Ban Tổ chức, nhà báo Lê Xuân Sơn gửi thông điệp tới các trại viên đang cải tạo tại trại giam Thanh Xuân và trên cả nước: “Luôn có con đường phía trước với những điều tốt đẹp hơn dành cho người phục thiện. Các bạn không bao giờ bị lãng quên mà luôn có các cơ quan, tổ chức trong xã hội sát cánh cùng để các bạn trở lại cuộc sống là người có ích cho gia đình và xã hội”.
Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 8, Bộ Công an nói: “Tôi rất xúc động. Cảm ơn T.Ư Đoàn, Ban biên tập báo Tiền Phong đã tổ chức chương trình hôm nay. Đây là việc làm không chỉ có tác động tới xã hội mà còn khích lệ, động viên, phối hợp, giúp đỡ, chia sẻ với chúng tôi trong nhiệm vụ phức tạp, khó khăn gian khổ mà cũng đầy vinh quang này.
Tôi đề nghị báo Tiền Phong tiếp tục phối hợp với chúng tôi tổ chức chương trình này ở các trại giam khác, góp phần quan trọng thức tỉnh, làm cho những người có nguy cơ phạm tội giật mình dừng lại, giúp những người lầm lỡ, cải tạo tốt, trở về tái hòa nhập cộng đồng, làm công dân có ích...”.
Chương trình giao lưuýcó sự tham dự của: Bà Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng; anh Dương Văn An, Bí thư T.Ư Đoàn; Trung tướng - Tiến sỹ Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục 8, Bộ CA; Đại tá – Tiến sỹ Phan Xuân Sơn, Phó cục trưởng C86; Đại tá Phan Trọng Hà, Phó giám thị Trại giam Thanh Xuân; Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý, cùng các á hậu, ca sỹ, các trại viên, sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên VN. |