> Cảm phục cô gái viết sách trên xe lăn
> 4 người Việt trẻ được 'làng công nghệ' thế giới vinh danh
Rời cuộc phiêu lưu
Càng ngạc nhiên hơn khi tiếp chúng tôi là đầu bếp Chris Du (tức Dư, Christoper Thắng). Dù đã 3 giờ chiều nhưng thực khách vẫn lui tới nhà hàng Sai gon Sài gòn khá đông.
Đôi tay thoăn thoắt chế biến cho khách, thỉnh thoảng Thắng quay sang bắt chuyện với chúng tôi. Anh cho biết, quê ở Long Xuyên (An Giang), theo gia đình định cư bên Úc từ những năm thập niên 80 và tốt nghiệp đại học chuyên về marketing ở tại nơi này.
Chirs Du tiếp chuyện với những người đồng hương Việt Nam sang. Ảnh: Hữu Vinh . |
Sau nhiều năm bôn ba đi khắp nơi đại diện cho nhiều hãng, trong đó có dầu khí, Thắng định vị chỗ dừng chân của mình cho công việc kinh doanh bằng sự trải nghiệm chính bản thân: Sydney (Úc) - thoải mái, Tokyo (Nhật) - giới hạn, Washington (Mỹ) - nghiêm túc, London (Anh) - vui vẻ, Thượng Hải (Trung Quốc) - phức tạp, còn Hồng Kông là công việc.
“Có lẽ đất Hồng Kông là cơ duyên” - Thắng nói. Bởi anh gặp tại Úc, yêu và cưới Sally Nguyễn, một cô gái duyên dáng quê ở Quảng Ninh thì hai người đều có chung niềm đam mê ẩm thực nên đã hợp “gu”, dễ dàng quyết định chọn Hồng Kông để lập nghiệp. Không chỉ có thế, hai đứa em của Thắng cũng rời nước Úc sau khi tốt nghiệp và chọn Hồng Kông để đeo đuổi sự nghiệp.
Travis Du (Thuận) hiện đang là giám đốc dự án xây dựng trạm metro ngầm, còn Rebecca Du (Thơ) cũng đang giám sát bao bì cho McDonald’s khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Ban đầu tìm mặt bằng ở một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới, đặc biệt là ở khu thương mại tài chính sầm uất như Cause Way ở khu vực bán đảo Hồng Kông là không dễ. Thắng đã nhờ sự hỗ trợ của tổ chức InvestHK để xúc tiến thành lập công ty và sau đó đầu tư nhà hàng Sai gon Sài gòn.
Biết rằng người Hồng Kông ăn nhiều bữa trong ngày với sở trường của Sally Nguyễn là món Bắc, còn anh là món Nam, hai người lập ra thực đơn dạng thức ăn nhanh, gọn như phở, bánh cuốn, bánh xèo, bún thịt nướng,… trong đó có cả món bún đậu và những món ăn có dùng cả mắm tôm.
“Ban đầu thực khách ngại ăn mắm tôm vì mùi vị khó chịu của nó, nhưng dần dần họ thích. Do món ăn Hoa đậm chất béo nên khi dùng món ăn Việt ít béo, thực khách rất mê, đặc biệt là chả lụa (giò chả)” - Thắng cho biết.
Định vị “quê hương”
Nhiều nhà hàng thức ăn Việt được mở tại Hồng Kông . |
Ở Hồng Kông có nhiều nhà hàng Việt, trong đó rất hiếm do chính người Việt mở mà phần lớn lại là do người Hồng Kông, Thái. Ở đây mặt bằng thuê rất đắt đỏ, lương nhân viên cao ngất (trung bình lương phục vụ trên 2.000 USD/tháng) nên nhiều người Việt không cáng đáng được, họ buông và những ông chủ Hồng Kông liền bắt tay vào phát triển tiếp.
Thực tế nhiều thương hiệu ẩm thực Việt đã thành công trên bán đảo này như chuỗi nhà hàng Nha Trang, Sài Gòn, Huế Caffee… Riêng nhà hàng Sai gon Sài gòn của Chris Du đến hôm nay đã được 4 năm và có trên 10 nhân viên.
Việc lựa chọn nguồn thực phẩm để chế biến món ăn cho nhà hàng cũng không khó khi có nhiều nhà nhập khẩu nguyên liệu từ Thái. Ban đầu Thắng cũng chấp nhận nhà phân phối này nhưng sau đó anh nghĩ, tại sao không phải là từ Việt Nam? Từ ý nghĩ ấy, anh liên lạc về Việt Nam thường xuyên để nhờ người mua nguồn nguyên liệu tươi, sạch gửi qua. Thậm chí anh trực tiếp bay về Sài Gòn, Hà Nội để chọn lựa thực phẩm.
Tờ Daimen Waite có bài “Doanh nhân nước ngoài lấy Hồng Kông làm nhà - Từ tiếp thị đến thị trường ẩm thực” đã nói về Chris Du như sau: Anh đã được dạy trong nhà từ khi còn nhỏ dưới sự rèn luyện thường xuyên của cha mẹ về kỷ luật trong nhà bếp và tập trung vào việc đạt được kết quả tốt nhất trong từng món ăn, ngay từ giai đoạn đầu lựa chọn các nguyên liệu tươi ngon nhất.
Tham tán thương mại của Việt Nam tại Hồng Kông trước đây từng gợi ý cho vợ chồng Chris Du làm món bún thang. Và, món này sau khi đưa vào thực đơn quả nhiên được nhiều thực khách yêu thích lựa chọn.
Khuyến khích nhiều người Việt kinh doanh ẩm thực Ông Phạm Văn Công – Tham tán thương mại Việt Nam tại Hồng Kông và Macao nói với Tiền Phong: Người Hồng Kông cũng rất thích ăn các món ăn Việt Nam. Họ có thể ăn suốt ngày, nên việc kinh doanh ẩm thực tại Hồng Kông mang lại lợi nhuận cao. Chính vì vậy các nhà hàng Việt ở Hồng Kông đã nhập nhiều mặt hàng như phở, bún khô, măng miến, bánh đa… để chế biến các món ăn Việt phục vụ khách Hồng Kông. Đây cũng là cơ hội lớn cho việc kinh doanh ẩm thực Việt Nam và cơ hội cho ngành xuất khẩu hàng nông sản chế biến của Việt Nam phục vụ cho ẩm thực Việt tại Hồng Kông. Người Việt tại Hồng Kông nên mở nhiều nhà hàng ẩm thực Việt hơn nữa và nên đưa các món ăn ngon Việt sang Hồng Kông để quảng bá ẩm thực Việt tại nơi này. Hữu Vinh |