Tết năm ấy, tôi bỏ phố lên rừng

Tết năm ấy, tôi bỏ phố lên rừng
TP - Vô tình rơi vào nhà của một người đàn ông cùng khổ, nữ nhà báo Thu Trang đã ra lời thề danh dự, để rồi ám ảnh, mắc nợ...? Những dòng nhật ký dưới đây của chị ghi lại chuyện xảy ra năm 2008, nhưng cứ như vừa hôm qua.

…Khi ngồi xem lại những tấm hình này, tôi rất muốn khóc, nhưng sao lòng nghẹn lại. Dường như nước mắt không chảy được ra ngoài, nỗi đau ở lại bên trong, càng nhói buốt. Dẫu biết, đó chỉ là cảm xúc của cá nhân tôi... Là ám ảnh về một lần vác máy ảnh đi lang thang ở Sơn Vĩ, Mèo Vạc (Hà Giang) tôi đã tình cờ lạc vào nhà của Vàng A Lử.

Trước đó không lâu, nhà Lử bị cháy, trong cái rét 2 độ, ngày mồng 2 tết - những đứa con của anh chẳng có nổi manh quần che thân.

Lử chắn gió đông cho cả nhà bằng những thân cây ngô khô, đan thành phên rất dày, rồi dựng thành tường nhà, mái lá cũng lợp bằng chính lá ngô khô. Nhà của Lử siêu vẹo hơn cả túp lều canh nương của người miền núi. Giường nhà Lử là cái tấm ván gỗ sần sùi, đặt trên phiến đá lổn nhổn.

Bếp nhà Lử lạnh ngắt, trên đó treo một xâu thịt mà hôm 30 tết Lử lấy về từ Đồn Biên phòng Lũng Làn. Năm ấy, tôi mang tiền lên mua hơn 2 tạ lợn mổ cho người cực nghèo ở Sơn Vĩ.

Tôi hỏi: “Cái tết nhà Lử chỉ có bấy nhiêu thôi ư?” Anh tần ngần bảo: “Ngoài huyện chẳng ai thuê mình làm gì, không có tiền mua gạo ăn từ lâu rồi. Bọn trẻ nhịn đói mấy bữa nay, xót lắm, nhưng vì là ngày tết, người giàu đi chơi hết, nên mình chẳng biết kiếm ăn ở đâu?”. Tôi hiểu rồi, giáp hạt mà. Tôi cầm tay Lử lôi đi, hai đứa chạy trên đường mòn, băng qua mấy ngọn núi, đến Trạm biên phòng Trà Mần.

Tôi “gạ” các anh Biên phòng ở Trà Mần cho Lử vay tạm 10kg gạo, khi nào quay ra xã tôi sẽ mua rồi nhờ người trả lại các anh. Tôi giúi vào tay Lử mấy trăm ngàn, anh khóc thực sự. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nước mắt của một người đàn ông.

Tôi cũng muốn khóc theo Lử, nhưng không, tôi đã cười và nắm lấy tay anh lắc thật mạnh và nói: “Thôi nào, đàn ông mà, ai lại khóc. Cố lên, ra tết tôi sẽ nhờ bộ đội xây nhà mới cho anh, tôi hứa danh dự đấy”.

Nhóm YVC (hàng phía sau) tại lễ khánh thành Mái ấm Điện Biên Đông và tặng học bổng cho trẻ mồ côi tại Điện Biên
Nhóm YVC (hàng phía sau) tại lễ khánh thành Mái ấm Điện Biên Đông và tặng học bổng cho trẻ mồ côi tại Điện Biên.

Lử không biết tôi là nhà báo, mà vốn tiếng Kinh của anh cũng không nhiều, nên có lẽ anh không hiểu lời hứa danh dự của một người vô tình lạc vào nhà mình thì có sức nặng đến đâu....

Gần tối mồng 2 tết, tôi phóng xe trong cái lạnh của miền Sơn Cước. Tôi đi trong cái không khí của miền cổ tích, u uẩn buồn. Có lẽ sương xuống nhanh quá, vườn cải vàng ở rất gần tôi, nhưng nhìn cũng đại thể, mà sao đẹp lạ lùng.

Tôi chẳng thấy gì xa xôi, chỉ có một con đường nhỏ xíu, ghập ghềnh, men theo triền núi. Hai bên đường là những cánh rừng trúc bạt ngàn...

Đáng ra giờ đó, tôi xúng xính váy áo, tung tăng đi lễ chùa cùng bạn bè và người thân ở thành phố phồn hoa của tôi... Nhưng tôi buồn hơn bởi những trang viết trong cuốn sổ tay của một anh lính Biên phòng Hà Giang trên đường đi trinh sát tuyến.

Hồi đó huyện Mèo Vạc xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em liên tục, thậm chí có người tự bán con vì đói khổ quá. Từng có những sự ra đi của số phận này, vì sự tồn tại của những số phận khác mà tôi không được nêu ra vì nhạy cảm.

Nhưng có những cái án dành cho những người bán con, cháu ở nơi này...
Anh bộ đội ấy đã liệt kê danh sách những gia đình ở bản Cò Súng, xóm Hoa Cà, Trà Mần - Sơn Vĩ, không có gì ăn, đồ đạc trong nhà tính ra cũng không đủ 50 ngàn đồng.

Danh sách ấy chẳng để làm gì cả, chỉ để anh về báo cáo chỉ huy trưởng, để ông báo cáo các cấp, các ngành, xem có thể hỗ trợ khó khăn cho người dân phần nào hay không.

Tết năm 2008, tôi đã ở lại Sơn Vĩ suốt 1 tuần, trong một căn phòng của lính Biên phòng, có 7 cái chăn, 1 cái máy sưởi, nhưng bàn chân tôi hằng đêm vẫn tê bì, sưng tướng ra vì lạnh.

Nhớ nhà, nhưng tôi không thể về được, chẳng có chuyến xe nào để tôi có thể đi về, chờ mãi đến ngày mồng 4 tết, mới có một anh lính chở tôi bằng xe máy qua con đường kinh khủng nhất Việt Nam, dài hơn 60 km ra huyện Mèo Vạc. Từ đó, tôi xuôi về Hà Giang, rạng sáng ngày mồng 6 thì về đến Hà Nội.

Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình không có dũng cảm để trở lại nơi này nữa. Tôi sợ một mình, sợ cô đơn, sợ chính cảm giác bất lực của mình. Sợ mình yếu đuối, chỉ biết đứng nhìn trước những hình ảnh trẻ con rét mướt, co rúm người lại trong cái giá rét.

Số quần áo quyên góp được mà tôi đem đi trong chuyến đi ấy không nhiều nhặn gì. Chỉ đủ chia cho bà con ở bản Mù đỡ lạnh, tôi đã lột hết cả khăn ấm của mình mang theo rồi để lại nơi này cho bớt ám ảnh.

Bằng mối quan hệ rất tốt với Biên phòng Hà Giang, tôi đã nhờ được bộ đội xây nhà mới, mua giường mới và vài vật dụng cần thiết cho Vàng A Lử.

Nhóm “Yêu vùng cao” cũng ra đời sau những ám ảnh đó. Điều quan trọng là tôi đã được anh Na Sơn, chị Thu Thủy, em Khánh Linh đồng lòng thực sự. Chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị những cái tết ngày một ấm áp hơn cho những địa danh nghèo như Sơn Vĩ.

Từ năm 2008 đến nay đã 4 cái tết, chúng tôi cùng đi trên một chuyến xe, độc hành trên con đường mang tên Hạnh Phúc, hướng về Cực Bắc..

Năm nay tôi lại được cùng mọi người trở lại Sơn Vĩ. Con đường kinh khủng ấy đã làm xong, xe ô tô có thể lên tận trung tâm Sơn Vĩ. Hơn tất cả, vì những em bé nghèo, không quần áo, được tặng mấy gói mỳ tôm mà ôm chặt vào lòng... lại thôi thúc chúng tôi lên đường...

Yêunợ vùng cao

Nữ phóng viên Thu Trang chia sẻ, sau cái Tết đầy cảm xúc và ám ảnh chị năm 2008, nhóm Yêu vùng cao (YVC) ra đời với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Họ đã kết nối, vận động, đóng góp để có hàng trăm chuyến đi tình nguyện vì người nghèo.

Nhật ký trên blog của Thu Trang nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc và nhóm YVC được thành lập với những thành viên đầu tiên cũng là những người tài trợ chính như Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, ca sĩ Khánh Linh, nhiếp ảnh gia Na Sơn... Thu Trang cho biết, cách họ làm tình nguyện chẳng giống ai: “Tôi thường đi nhiều để viết những phóng sự, sự vụ ở nhiều địa phương. Sau mỗi chuyến đi, tôi luôn bị ám ảnh về thân phận nghèo khổ mà không thể buông xuôi, tôi viết thông tin trên blog chia sẻ với các thành viên về những nơi tôi đi qua, những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó cần giúp đỡ. Thật may, những người bạn này đã hiểu và họ đồng hành cùng tôi...”. Từ đó, Trang là người kết nối, đứng ra tổ chức hoạt động thiện nguyện của nhóm.

Nhóm YVC đến với nhau xuất phát từ sự chia sẻ, đồng cảm và tình cảm thiêng liêng dành cho người nghèo vùng cao như một món nợ ân tình.

Hoa hậu Thu Thuỷ thường bán những chiếc túi hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu, nhiếp ảnh gia Na Sơn có những bức ảnh từng bán được hàng trăm triệu đồng để lấy tiền mua gạo, thịt, xây nhà cho trẻ em nghèo... Nhóm YVC không có quỹ và cũng không đưa ra nguyên tắc hoạt động bởi tất cả những chuyến đi của họ đơn giản là gặp thân phận cần giúp đỡ ở đâu, các thành viên kêu gọi tài trợ đến đấy.

Hỏi đến tổng giá trị họ quyên góp, vận động làm tình nguyện trong nhiều năm qua, không ai có thể nhớ chính xác, chỉ biết đó là nhiều tỷ đồng. Nhóm YVC đến thăm và tặng quà cho người nghèo ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh...

“Sự kiện ấn tượng nhất với tôi là quá trình xây dựng Mái ấm mồ côi Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) mà chúng tôi vừa khánh thành đầu tháng 12 này. Đây là mái ấm bình yên của 30 em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở huyện Điện Biên Đông với tổng mức đầu tư 3,3 tỉ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng tôi đã được nhiều bạn bè trong và ngoài nước đóng góp xây dựng mái ấm. Tập Đoàn Hòa Phát đầu tư 500 triệu đồng, ngoài ra có rất nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp gạch, đá, xi măng... xây nên mái ấm này”, Thu Trang chia sẻ.

Trang cho biết, ngoài việc mang lại lợi ích cho những mảnh đời bất hạnh, điều quan trọng nhất là những tấm lòng của nhiều nhà hảo tâm là động lực lớn để nhóm YVC hoàn thành “sứ mệnh” của mình.

Trang kể: “Khi kêu gọi góp gạch xây mái ấm Điện Biên Đông, có một chị đạp xe đến cơ quan của bạn tôi gửi 100 nghìn đồng, nhờ chuyển đến mái ấm mồ côi Điện Biên Đông. Người phụ nữ ấy làm nghề giúp việc để nuôi sống cả gia đình, nhưng chị nói: “Dẫu nghèo nhưng các con chị còn có mẹ, cha lo lắng... những đứa bé ở Điện Biên Đông thì không”. Bạn tôi đã khóc khi kể lại chuyện đó và đưa 100 nghìn cho tôi. Đấy là lí do mà dù chúng tôi chưa kêu gọi đủ cho mái ấm Điện Biên Đông, đã vô tình trở thành “con nợ” của nhà đầu tư đặc biệt này. Vì thế, chúng tôi cố gắng hết sức để thực hiện xong một việc quan trọng như trả món nợ ân tình vậy”.

                                                                                                Phương Hiếu
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG