Phong cách ngôn ngữ mang đậm chất xì tin của cô đang khiến hàng ngàn học sinh “phê tít”, “chết đứ đừ”, thậm chí còn lập trang facebook thể hiện sự yêu mến, ngưỡng mộ, “phát cuồng vì cô Dung”.
Dưới góc nhìn từ những đôi gọng kính đồi mồi trễ đến cánh mũi, phát ngôn của cô giáo Dung có thể coi là thảm họa, chệch chuẩn, không thích hợp với môi trường vốn đề cao tính mô phạm.
Nhưng nó lại được các bạn trẻ tán thưởng, đánh giá cao, phát ngôn sáng tạo, thích hợp, hấp dẫn, lôi cuốn…
Cô Dung nổi tiếng với không ít phát ngôn kiểu như thế. Cô được các bạn trẻ cho là “đi kịp thời đại”, chí ít là ở khía cạnh cô hiểu và sử dụng “thành thạo” ngôn ngữ xì tin mà các bạn đang dùng.
Khi đám học trò nháy nhau “xõa đi, sao phải xoắn”, cô hiểu rằng các em đang muốn thể hiện sự hết mình nào đó trong vui, chơi.
“Xõa” không được giải nghĩa trong từ điển, có thể xuất phát từ chữ Showhand - chơi tất tay trong môn Poker, nhưng chệch chuẩn này đang được chấp nhận như một cách tân với những ý nghĩa trong sáng, mới mẻ, sinh động.
Ngược lại với “xõa” là “xoắn”. Và hàng trăm cách nói khác, dẫu có thể còn chút lạ tai, nhưng đang được các bạn trẻ sử dụng đầy ngẫu hứng và sáng tạo.
Có hòa nhập vào cộng đồng trẻ thì mới có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm, biết những điều nên và cần khi giáo dục, uốn nắn hay cổ vũ, khuyến khích các em.
Trên hết, với tư cách một giáo viên, cô Dung không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn khiến các em thêm yêu môn Lịch sử, bộ môn lâu nay bị coi là nhàm chán, khô khan.
Lời tâm sự của một học trò tự nó nói hết, vì sao cô được các em hâm mộ: “Cô không chỉ quan tâm học sinh mà còn rất hài hước và tâm lý. Mỗi tiết Sử của cô đều rất vui và thú vị.
Trong giờ học, nếu lúc nào cô thấy học sinh có vẻ không hứng thú với bài học là cô lại kể chuyện vui để lấy tinh thần cho cả lớp. Vì vậy, tiết Sử của cô không bao giờ nhàm chán cả.
Đan xen vào những sự kiện, cô hay kể nhiều chuyện lịch sử vui để bọn mình thêm chú ý. Học sử của cô, nghe cô giảng thì mình đảm bảo tất cả học sinh về nhà chỉ đọc 5 phút là nhớ được bài”.
Và đây là một cách ứng xử tình huống hài hước và đáng yêu được cô chia sẻ với học trò và giờ học trò kể lại: “Người yêu cô công tác xa, ngày 8-3 không thấy chú ấy gửi hoa quà chúc mừng, thế là cô gửi cho chú ấy một tấm thiệp lên đơn vị với nội dung: Chúc mừng anh ngày 8-3!”.