'Hiệp sỹ' sông Lô

'Hiệp sỹ' sông Lô
TP - Mới 18 tuổi, Nguyễn Lê Anh (ở khu Hưng Tiến, TT Đoan Hùng, Phú Thọ) đã có thâm niên 6 năm vớt xác, cùng gia đình cứu hàng chục người thoát chết đuối trên dòng sông Lô hung dữ.

> 'Hiệp sĩ' bơi sông bắt cướp

Lê Anh (trái) và đồng nghiệp trên sông. Ảnh: T.L
Lê Anh (trái) và đồng nghiệp trên sông. Ảnh: T.L.

Nghề gia truyền

Nhà ông Nguyễn Hữu Nghị, bố của Lê Anh, cũng là trụ sở của Đội cứu hộ đường sông Đoan Hùng nằm nép mình dưới chân tượng đài chiến thắng sông Lô (nơi hợp hai dòng Lô – Chảy).

Lê Anh là con út trong gia đình có 3 người con của ông Nguyễn Hữu Nghị, Đội trưởng Đội cứu hộ. Lê Anh làm quen sông nước từ nhỏ và bắt đầu theo ông nội, bố đi vớt xác, cứu người từ năm lớp 6 khi mới 12 tuổi.

Thời gian đầu, mỗi khi đi vớt xác, Lê Anh thường bị nhức đầu, về nhà nhiều lúc bưng bát cơm lên không nuốt nổi.

Vừa rèn việc cùng ông và bố, lại được tham gia những buổi huấn luyện của Hội chữ thập đỏ, Lê Anh dần trở nên cứng cáp so với tuổi.

Đội cứu hộ gia đình

Đội cứu hộ gia đình chính thức được tỉnh Phú Thọ công nhận năm 2004 với 19 thành viên, trong đó gia đình ông Nghị có 14 người. Hiện đội có 27 người, trong đó gia đình ông Nghị là 18 người. Ban đầu, đội có 3 thuyền nan, 2 bộ giăng câu (tự sắm) nay có thêm 2 chiếc bè, 2 chiếc thuyền sắt, 27 chiếc phao cứu sinh...

Từ năm 2004 đến nay, Đội cứu được hàng chục người thoát chết đuối, vớt được 59 xác trôi sông... Đội còn tổ chức phân luồng giao thông đường thủy cho tàu bè qua lại, trục vớt tàu thuyền bị đắm, mắc cạn trên sông Lô, sông Chảy.

“Cứu người bị đuối nước không đơn giản vì họ thường hoảng loạn cố bấu chặt vào mình, nếu không thạo nghề, không biết cách xử lý tình huống cả hai cùng chết”, Lê Anh nói.

Sáu năm trong nghề, ký ức của chàng trai thuộc mọi ngóc ngách của sông Lô vui buồn lẫn lộn. Thân hình vạm vỡ cùng nước da ngăm đen dạn dày vì sông nước càng khiến Lê Anh già hơn so với tuổi.

Lê Anh vui khi cứu sống được ai đó khỏi dòng nước xiết, hoà cùng niềm hạnh phúc của những người thân tìm thấy nhau.

Tuy nhiên, công việc cứu hộ cũng khiến chàng hiệp sỹ thường phải đối mặt những nỗi đau khôn xiết của gia đình mất người thân và những cái chết oan uổng giữa dòng nước dữ.

Có những lần đi tìm xác, Lê Anh và cả đội phải mất hàng tháng, theo dòng nước xuống tận phía hạ lưu, trực cả đêm ngày...

“Có khi 1-2 giờ sáng người ta gọi, mình dậy không kịp rửa mặt, vơ đồ nghề rồi đi luôn. Em và bố còn nhớ mãi kỷ niệm đúng hôm mồng 1 Tết hai năm về trước. Khi ấy, cả nhà đang ngồi quây quần đón Tết thì có tin phát hiện xác người trên sông, hai bố con chạy ngay đi làm nhiệm vụ”, Lê Anh kể.

Vất vả nhất là khi vớt xác trong giai đoạn phân hủy. Trong khi nhiều người không dám nhìn, bố con Lê Anh và đồng nghiệp vẫn không nản lòng.

Lê Anh cũng không thể quên được mùa hè 2008 khi 8 học sinh lớp 9 (TT Đoan Hùng) đi học về và rủ nhau ra sông Lô tắm và rơi vào vùng nước xiết.

Nhóm cứu hộ có mặt kịp thời và đưa cả 8 em lên bờ an toàn, riêng Lê Anh cứu được 4 em. Trong 8 em, giờ có 3 em vừa đỗ ĐH, CĐ, 2 em chuẩn bị đi học trung cấp.

Gần đây nhất, Lê Anh cứu một nữ sinh thất tình nhảy sông tự tử. Khi đưa được vào bờ, nữ sinh còn trách móc sao không để tôi chết đi.

Tay lái thuyền, đôi mắt nhìn theo dòng nước cuộn trôi, Lê Anh trần tình: “Khi đó, em thấy người ta gặp nạn thì chỉ biết cứu, đâu mảy may suy nghĩ gì. Khi họ trấn tĩnh lại, mình và mọi người nhẹ nhàng khuyên nhủ họ biết quý trọng mạng sống”.

Hàng tháng, Lê Anh cùng đồng nghiệp tiếp nhận trung bình vài vụ, nhưng có tháng 4-5 vụ vớt xác, cứu người đuối nước. Có xác không tên, không quê quán nên đội cứu hộ phải đi xin tiền để mai táng, khâm liệm.

Những lần cứu người xong, Lê Anh không khỏi trăn trở về hành động bồng bột của không ít bạn trẻ.

“Họ suy nghĩ thật nông cạn, không hiểu sao lại tìm đến cái chết khi bao người mong mỏi được sống? Không ít em nhỏ tuy chưa biết bơi nhưng lại ra sông đùa nghịch và chẳng may trượt chân ngã xuống dòng nước xiết để lại nỗi đau đớn cho gia đình”, Lê Anh nói.

Trong bữa cơm trưa cùng gia đình, ông Nghị, tâm sự: “Làm nghề này đòi hỏi cái tâm và luôn hết lòng vì công việc, có đưa bạc triệu, nhiều người cũng không dám làm. Gia đình tôi cha truyền con nối làm phúc cứu người nên thường khuyên nhủ con mình đừng ham lợi lộc mà quên đi tính mạng và nỗi đau của người bất hạnh”.

Cứu người, được người yêu

Làm công việc giữa sự sống và cái chết rất mong manh, lại thường xuyên phải tiếp xúc với xác chết nên Lê Anh cho biết nhiều cô không dám yêu mình.

Không biết cơ duyên thế nào mà trong 8 học sinh được Lê Anh cứu sống năm đó, Lê Thu Thương (SN 1994) đem lòng quý mến và dần dà nảy sinh tình cảm với ân nhân.

Hình ảnh chàng trai cần mẫn túc trực trên chiếc bè cứu hộ khiến Thu Thương ngày ngày cắp sách tới trường không khỏi xao xuyến, nhưng chưa có dịp làm quen.

Cách đây 1 năm, Lê Anh tình cờ gặp Thương trong quán ăn của gia đình Thương nên hai bạn trẻ có dịp trò chuyện.

Sau lần ấy, Lê Anh thường lui tới quán của gia đình Thương. Bố mất đã hơn một năm, vừa học xong lớp 12 không đỗ ĐH nên Thương ở nhà giúp mẹ bán hàng ăn.

Từ chỗ xem Lê Anh như ân nhân, trái tim cô bé đã loạn nhịp lúc nào không hay. “Người ta nói làm nghề vớt xác thường phải tiếp xúc với xác chết thì ghê lắm, nhưng em hiểu được công việc với những hy sinh thầm lặng của anh ấy cho hạnh phúc của bao người”, Thương nói.

Do đặc thù công việc suốt ngày phải trực ở bến sông nên hàng tuần, Lê Anh tranh thủ về nhà và ghé qua thăm bạn gái, còn chủ yếu liên lạc qua điện thoại.

Thanh niên tiêu biểu

Không chỉ cứu hộ, cứu nạn, Lê Anh còn làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân đặc biệt là học sinh về đảm bảo ATGT đường thủy, nhất là vào mùa hè khi nhiều bạn chủ quan đi tắm ở sông. Thời gian tới, chờ mùa nước cạn, Lê Anh cùng đội cứu hộ sẽ mở lớp học bơi cho học sinh bàn nhằm giảm thiểu tối đa những vụ đuối nước. Dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (2011), Lê Anh là một trong 55 thanh niên tiêu biểu của cả nước được nhận giải thưởng 15 tháng 10 cùng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG