> Chiếc xe đạp tàn tạ của thủ khoa Đại học Dược
Nhiều giấy khen hơn quần áo
Chúng tôi tìm về nhà Lê Đức Duẩn - thủ khoa Đại học Dược - tại xóm Nhị Khê, xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội. Hỏi thăm từ ngoài làng, ai cũng biết “Duẩn con cô Thu nhà nghèo, đỗ thủ khoa đại học”. Nhà tân thủ khoa lụp xụp sau vài con ngõ nhỏ vòng vèo, nằm cuối xóm.
Thấy có khách, bà Thu mẹ Duẩn với vội túi chè pha nước. Bà bảo, mấy ngày nay, biết tin Duẩn đỗ thủ khoa, nhiều khách về thăm hỏi, động viên nên mới mua túi chè pha nước, chứ thường ngày mấy mẹ con chỉ uống nước trắng. Nghe thấy có nhà báo đến hỏi chuyện thủ khoa, bà con lối xóm kéo đến, ngồi kín nhà.
Đôi mắt khắc khổ của người mẹ trạc 50 tuổi ngân ngấn nước, ánh lên vẻ tự hào khi nói về cậu con trai. Bà bảo, gia đình khó khăn, nhưng Duẩn lúc nào cũng cố gắng học.
Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa có cả chục bộ quần áo đi học, thì Lê Đức Duẩn chỉ có hai bộ thay đổi. Bà con trong xóm bảo rằng, Duẩn nhiều giấy khen hơn quần áo.
Ba năm học phổ thông, Duẩn chỉ có hai chiếc áo trắng thay đổi, mùa đông thì thêm hai chiếc áo khoác. Quần thì mặc từ hồi cấp hai, đã bạc màu, sờn rách, chẳng giống quần dài mà cũng không ra quần ngắn.
Rửa bát xong, Duẩn ra tiếp chuyện khách. Cậu tân thủ khoa ĐH Dược nặng 38 kg nom gầy gò trong bộ đồng phục quần xanh, áo trắng. Một đôi dép mới, một chiếc quần mới, nhưng ở khuỷu tay chiếc áo đồng phục thủng một lỗ khá to. Duẩn bảo, chiếc quần, đôi dép mới là quà của anh họ tặng sau khi “lai kinh ứng thí”.
Mẹ Duẩn cho biết, đợt thi đại học vừa qua, Duẩn được anh họ đưa đi thi. Dù biết là lên Hà Nội, nhưng Duẩn chỉ có chiếc quần đã mặc từ hồi cấp hai, đôi dép tổ ong vàng khè, rách và mòn hết đế. Thấy vậy, anh họ mới mua cho quần, dép mới để động viên.
Duẩn học lớp 12A1 – lớp chọn Toán của trường THPT Đồng Quan. Trường cách nhà hơn chục cây số nên hằng ngày, em phải dậy từ sáng sớm, nấu cơm rồi mang đi học.
Cơm của Duẩn, bình thường có dưa, cà, đậu. Mẹ Duẩn bảo, lâu lắm, cả nhà mới có một bữa cơm thịt, cá.
Có lẽ vì vậy, hiện tại Duẩn chỉ nặng chưa tới 38kg và bị đau dạ dày, sức khỏe yếu vì suy dinh dưỡng. Trước đó, khi đi xét tuyển thi vào Học viện An ninh, Duẩn cũng không đạt tiêu chuẩn vì quá nhẹ. Duẩn luôn thấp bé nhẹ cân nhất lớp.
Nhìn chiếc xe đạp của Duẩn, ai cũng phải chạnh lòng. Gần chục năm, Duẩn đi học trên chiếc xe đạp cà tàng, lốp thủng lỗ chỗ, phải chằng, buộc. Đũa xe han gỉ, hơi tí là hết hơi, thủng xăm, rách lốp.
Đã rất nhiều lần, Duẩn muộn học vì phải dắt xe đến trường. “Bà cho em chiếc xe từ hồi em học lớp 3. Bà bảo, bố em ngày xưa cũng từng đi chiếc xe đó” - Duẩn kể.
Chiếc xe cà tàng Duẩn đi học hằng ngày. Ảnh: Trường Phong. |
Nhà nghèo khó, nhưng Duẩn không tự ti. Cậu sẵn sàng mời bạn về nhà chơi. Bạn bè cũng thông cảm và hiểu Duẩn. Mặc áo rách, đi xe đạp cà tàng đến trường, nhưng Duẩn không hề bị trêu ghẹo. Trái lại, các bạn còn vui đùa cho Duẩn đỡ buồn. “Nhiều bạn thấy em mặc áo thủng chỉ đùa là ngã ở đâu mà rách áo thế?” – Duẩn nói.
Với Duẩn, những ngày đi học có rất nhiều kỷ niệm. Những hôm trời mưa, quần áo không kịp thay nhau, Duẩn chấp nhận mặc quần áo còn ẩm, ướt đến trường.
Nhà nghèo, không có tiền mua dép quai hậu theo quy định, Duẩn phải đi dép lê. Duẩn bảo, nhà trường cũng biết hoàn cảnh gia đình nên tạo điều kiện. Nhiều giáo viên miễn giảm tiền học thêm, tặng sách vở cho Duẩn vì thương cậu học trò nghèo hiếu học.
Tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ
Căn nhà của Duẩn. |
Nhà Duẩn chẳng có gì đáng giá. Một ngôi nhà cấp bốn tồi tàn, mỗi khi mưa, nước dột từ trên mái thành dòng xuống tường, nền nhà, rồi chảy ra sân. Hai chiếc giường tự tạo có từ những năm 1980 đã cũ mèm được phủ bằng vài chiếc chiếu thủng lỗ chỗ.
Một chiếc ti vi đời cổ giờ được tiếng mất hình. Hầu hết tường trong nhà đã mốc rêu, xám xịt, từng mảng tường bị bong, tróc, để lộ gạch. Góc học tập của Duẩn là một chiếc bàn cũ, được đóng cách đây hơn chục năm từ gỗ một cây xoài trong vườn.
Chỉ vào chiếc đồng hồ còn bọc nilon treo trên tường, bà Thu bảo, đó là thứ mua được nhờ vào tiền học bổng của Duẩn. Năm lớp 12, Duẩn nhận học bổng của Công ty dầu khí, được 7 triệu đồng.
Mẹ Duẩn nói, phải học mới thoát nghèo. |
“Chưa bao giờ được cầm một món tiền lớn đến thế” – Bà Thu tự hào, chia sẻ. Bà dùng tiền đó mua một số đồ dùng cần thiết, còn lại, dùng để trả nợ.
Nhà Duẩn xây từ năm 1988, bây giờ đã cũ nát. Cái đẹp nhất, có lẽ là chiếc cửa gỗ, có lắp kính ở giữa. Duẩn cho biết, chiếc cửa đó được lắp từ thời bố mình còn sống.
Bố Duẩn mất năm 2005 vì bệnh ung thư gan. Trước đó, năm 2000, anh trai Duẩn cũng mất vì bệnh ung thư máu. Mẹ Duẩn bảo, do không có tiền thăm khám trước, đến khi phát bệnh thì đã quá nặng nên không chạy chữa được.
Dù thế, tiền vay mượn chạy chữa bệnh tật cho hai bố con đến bây giờ vẫn còn nợ hơn 20 triệu.
Mẹ Duẩn cũng thường xuyên đau ốm. Đau lưng, mỏi khớp, bị hành tá tràng nhưng không có tiền lấy thuốc, bà chỉ uống nước nghệ để chữa bệnh.
“Em muốn học Dược để tìm ra loại thuốc chữa bệnh cho mẹ và những cô, bác bị ốm ở làng” - Duẩn bảo. Đó là mơ ước từ hồi còn rất bé, khi biết bố và anh trai bị mất vì bệnh tật.
Năm học lớp 6, cậu định bỏ học, ở nhà kiếm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. “Mẹ bảo em, bố đã mất rồi, một mình mẹ cũng sẽ nuôi cho hai anh em ăn học (nhà Duẩn có 3 anh em trai - PV). Chỉ có học mới thoát nghèo được, nếu ở nhà thì cũng chỉ lại như mẹ thôi, không có tiền, nghèo khổ mãi mãi”.
Được sự động viên của mẹ, của thầy cô giáo, Duẩn đi học lại. Từ đó, Duẩn cố gắng học giỏi để không phụ sự mong mỏi của mọi người. Dù không giữ chức vụ gì trong lớp, nhưng thành tích của Duẩn luôn khiến bạn bè phải ngưỡng mộ.
Năm lớp 12, Duẩn đạt giải nhì môn Toán cấp thành phố. Lớp 11, Duẩn đoạt giải Nhất môn Vật lý, giải nhì môn Toán cấp trường…
Thi xong Đại học, Duẩn nhẩm tính cũng phải được đến 27 – 28,5 điểm. Thế mà, khi nghe anh họ gọi điện về báo điểm, Duẩn vẫn nhảy lên vì mừng rỡ. Duẩn không ngờ mình đỗ thủ khoa. Bạn bè biết tin, bảo khao một chầu nước ngọt, nhưng đến nay, Duẩn vẫn chưa thực hiện được vì không có tiền.
Để phụ giúp mẹ, từ ngày còn nhỏ, ngoài việc cấy gặt ngoài đồng, Duẩn đã học làm nghề thủ công. Công việc của Duẩn là quấn mây quanh cạp của những đồ dùng mây tre đan. “Một tiếng em làm xong được khoảng ba bộ. Mỗi bộ như thế chỉ được hơn 1.000 đồng” - Duẩn kể.
“Vừa rồi, có mấy người hảo tâm tặng em bộ quần áo và chiếc xe đạp mới” – Duẩn khoe. Cậu bảo, sau này đi học, sẽ tìm việc làm thêm để phụ giúp cho mẹ. Duẩn lo lắng, mẹ hay đau ốm, bệnh tật, nếu đi học xa, sẽ không ai chăm sóc sớm hôm.