Rau xanh sinh viên đến Trường Sa

Sinh viên bàn giao hệ thống và công nghệ trồng rau cho chiến sĩ đảo Tốc Tan (Trường Sa) Ảnh: C.K
Sinh viên bàn giao hệ thống và công nghệ trồng rau cho chiến sĩ đảo Tốc Tan (Trường Sa) Ảnh: C.K
TP - Rau xanh không cần đất, sản phẩm sáng tạo của nhóm sinh viên khoa sinh với sự hỗ trợ của Đoàn trường và các giáo viên (ĐH Quốc gia TPHCM), chính thức được đưa đến Trường Sa.

> Chiến sĩ Trường Sa tích cực tăng gia sản xuất

Việc trồng rau xanh trên giá cát, xuất phát từ Đề tài “Nâng cao sản lượng rau trồng bằng phương pháp khí canh cho quần đảo Trường Sa” được giải 3 trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sinh viên” Đại học Quốc gia TPHCM năm 2009.

Nhóm tiến hành thí nghiệm với sự cố vấn của các nhà giáo trong trường. Nhiều bài toán về ánh sáng, giá thể, loại hạt giống, số ngày thu hoạch được đặt ra trong phòng thí nghiệm.

Sau khi mô phỏng điều kiện thời tiết và khí hậu, không gian tại Trường Sa, phương án tối ưu được đưa ra: sử dụng giá thể là cát xây dựng để trồng rau mầm, rau cải củ và rau muống. Thời gian thu hoạch được rút ngắn từ 20, 30 ngày xuống còn 6 - 7 ngày mà vẫn cho trọng lượng rau tương đương.

Sau đó, Đoàn trường nâng cấp thành Công trình thanh niên và cử giảng viên trẻ khoa sinh là Phạm Tấn Trường tham gia hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2011 ra Trường Sa khảo sát thực tế.

Sau chuyến đi, nhóm nhận thấy không chỉ cần nâng cao sản lượng rau trồng tại Trường Sa mà một thực tế khác đặt ra là phải trồng được rau xanh vào mùa mưa vì thời điểm này các đảo chìm hoàn toàn không có rau xanh: Sóng to quật đổ rau, gió muối cũng khiến rau không thể sống, diện tích nhỏ hẹp khiến người lính khó có thể trồng rau.

Rau xanh ở Trường Sa Ảnh: C.K
Rau xanh ở Trường Sa.  Ảnh: C.K.

Tháng 5 - 2012, hai bạn Trịnh Quang Vinh và Lê Viết Hoa nối tiếp công việc của Trường, chuyển giao công nghệ cho đảo Đá Tây A, đảo Đá Đông C và đảo Tốc Tan B. Tại Trường Sa, nhóm tiếp tục cải tiến phương pháp, rút ngắn số ngày thu hoạch từ 7 ngày xuống còn 4 ngày mà vẫn có thể thu được khối lượng tương đương 6kg rau xanh/4 khay.

Rau cải củ và rau muống cũng được chọn thay cho rau mầm vì rau cải củ có thể đem lại các yếu tố giống cây trưởng thành (vi lượng, chất xơ) rất cần thiết cho người lính.

Trung úy Bùi Phúc Đoàn, phụ trách hậu cần tại đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa chia sẻ, phương pháp trồng rau được các bạn sinh viên truyền đạt rất dễ hiểu, dễ thực hành. Với cách trồng này thời gian thu hoạch rau ngắn, cải thiện đáng kể sản lượng rau, đặc biệt vào mùa mưa.

Trịnh Quang Vinh cho biết: “Sắp tới nhóm tích hợp được các điều kiện để nâng cao năng suất, tối ưu hệ thống và triển khai được tất cả các đảo chìm tại Trường Sa. Tối ưu hóa phương pháp như cải tiến vật liệu (thay khung sắt bằng chất liệu không gỉ sét), cải tiến diện tích cho tiết kiệm hơn, tạo hệ thống đèn chiếu sáng tự động có bộ thu năng lượng mặt trời”.

Nhóm thực hiện dự án được phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tận dụng tối đa trí tuệ tập thể của sinh viên từ bộ môn sinh lý thực vật (khoa sinh) đến lý, nghiên cứu hệ thống đèn; hóa; phân tích về hàm lượng; sinh viên báo chí phụ trách thông tin tuyên truyền; sinh viên kinh tế đảm trách PR tài trợ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.