Mỗi năm có 10 suất học bổng hè sang Thái Lan là động lực khiến Nguyễn Kim Phượng (khoa tiếng Đức, ĐH Hà Nội) quyết định theo học tiếng Thái. Phượng gặp không ít khó khăn với ngoại ngữ này. Giáo trình trên lớp chủ yếu là được photo, sách tham khảo, từ điển không có trong thư viện, hiệu sách. Thêm vào đó, rất ít người học tiếng Thái, những lúc bí bài bí từ muốn hỏi nhưng không ai giúp được khiến Phượng có lúc thấy nản.
Vũ Hoàng Quân, chuyên ngành tiếng Tây Ban Nha (ĐH Hà Nội) yêu thích bóng đá, văn hóa Italia nên chọn tiếng Italia là ngôn ngữ thứ 2. Tự nhận là người có năng khiếu về ngôn ngữ, nhưng Quân vẫn thường xuyên bị lẫn lộn giữa tiếng Tây Ban Nha với Italia. Khi học ngoại ngữ này Quân cũng thiếu tài liệu, thiếu môi trường thực hành như những bạn học tiếng “hiếm” khác. Cũng cùng hệ chữ Latinh, nhưng sự phức tạp của ngữ pháp tiếng Bồ Đào Nha khiến nhiều bạn trẻ đang theo học choáng váng.
Khó khăn là vậy, nhưng khi thành thạo ngoại ngữ ít phổ biến này, bạn trẻ luôn có nhiều cơ hội. Điểm thi đầu vào tại các trường đào tạo cử nhân ngôn ngữ không quá khó khăn. ĐH Hà Nội hiện tuyển sinh 10 mã ngành ngôn ngữ với điểm sàn là 21 (ngoại ngữ nhân đôi), và ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) là 22 điểm (ngoại ngữ nhân đôi).
Các trường ĐH mở rộng cửa đón sinh viên theo học ngôn ngữ “hiếm”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV tại các Cty chuyên “săn” đầu người, tình trạng khát lao động thành thạo tiếng hiếm ở tất cả các lĩnh vực vẫn tiếp diễn. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến tháng 5 – 2011, trên cả nước có 5.272 hướng dẫn viên du lịch quốc tế có thẻ hành nghề. Trong đó chỉ có 171 HDV tiếng hiếm gồm Tây Ban Nha, Thái Lan, Italia, Lào, Bulgari, Indonesia, Rumani, Hungari...
“Cơ hội tìm việc làm tốt cho người học tiếng Bồ Đào Nha rất lớn. Ví như Tập đoàn Viettel mở thị trường sang Mô-dăm-bích nên cần lượng lớn nhân lực biết tiếng Bồ. Doanh nghiệp cũng thường xuyên nhờ khoa tiếng Bồ giới thiệu sinh viên, vì thế khoa sẽ tăng thêm 20 chỉ tiêu vào lớp chính quy”, cô Trần Hải Yến, giảng viên khoa Ngôn ngữ Bồ Đào Nha (ĐH Hà Nội) chia sẻ.
ThS. Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐHQG Hà Nội) trong buổi trả lời trực tuyến tư vấn tuyển sinh ĐH 2012 cho biết: Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa nền kinh tế, việc học tốt bất kỳ thứ tiếng nào đều có cơ hội để tìm kiếm việc làm. Theo ông Kim, sinh viên học tiếng Ả rập còn có cơ hội làm việc tại các cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Quân đội. |