Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn:
Chú trọng chất lượng đoàn viên, kỹ năng xã hội
>Khai mạc Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn
Góp ý cho dự thảo Báo cáo của BCH khóa IX tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, hầu hết đại biểu cho rằng để công tác Đoàn phát triển sâu rộng, đảm bảo được vị thế trong xã hội, phải nâng cao chất lượng đoàn viên từ khâu kết nạp đến sinh hoạt, không nên chạy theo số lượng.
Anh Vũ Việt Văn, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc, cho rằng, T.Ư Đoàn không nên lấy số lượng đoàn viên làm tiêu chí đánh giá, không nên đặt vấn đề tăng số lượng đoàn viên mà cần đảm bảo tính ổn định, có cơ chế và phương thức quản lý hiệu quả. Anh Văn chia sẻ, hè vừa qua, Vĩnh Phúc đưa 8.500 đoàn viên trong trường học về sinh hoạt tại 87 xã. Kết quả sinh hoạt được cán bộ Đoàn cơ sở đánh giá gửi về trường. Điều này giúp nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn cơ sở và cả chất lượng đoàn viên.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre Đỗ Thị Thu Thảo nói, đoàn kết, tập hợp thanh niên ở địa phương rất khó khăn, chất lượng sinh hoạt Đoàn cũng chưa cao do ĐVTN phần lớn đi làm ăn xa. Theo chị Thảo, hiện ở nhiều vùng nông thôn, mỗi Chi đoàn trung bình có chưa đến 10 đoàn viên. Vì thế, Đoàn không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng chất lượng. "Nếu đoàn viên được kết nạp có chọn lọc, có chất lượng sẽ nâng cao được hiệu quả sinh hoạt Đoàn. Từ đó, đoàn viên sẽ tình nguyện tham gia vào tổ chức Đoàn", chị Thảo nói. Chị Thảo cũng chia sẻ thêm, do chú trọng đến vấn đề chất lượng nên số lượng đoàn viên ở Bến Tre có chiều hướng giảm.
Giáo dục kỹ năng xã hội
Dự thảo Báo cáo của BCH khoá IX tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạnh, đạo đức lối sống cho TTN, trong đó giáo dục kỹ năng xã hội được chú trọng. Tại hội nghị, hầu hết đại biểu cho rằng, giáo dục kỹ năng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục của T.Ư Đoàn và cần thực hiện sớm.
Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng, số lượng thanh niên chậm tiến, lệch chuẩn, vi phạm pháp luật đã đến mức báo động; Tính chất, mức độ vi phạm, sự tinh vi của đối tượng phạm tội ngày càng gia tăng. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội để TTN tránh được cái xấu là việc làm bức thiết và Đoàn không thể đứng ngoài cuộc. Trong đó nên lấy trường học làm cơ sở giáo dục.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An Thái Thanh Quý, kỹ năng xã hội trong TTN không chỉ yếu mà còn rất thiếu, kể cả bộ phận có trình độ. “T.Ư Đoàn cần đưa giáo dục kỹ năng xã hội vào nội dung giáo dục để được tiến hành thường xuyên, liên tục trong mọi đối tượng", anh Quý nói.
Tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ban Bí thư tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu; Các vấn đề trên vẫn tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận để hoàn thiện dự thảo Báo cáo của BCH khóa IX tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X. |
Theo Đề cương báo cáo tổng kết phong trào Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp 2007-2012, sau 4 năm đã xây dựng được 48.000 mô hình làng, khu kinh tế thanh niên, gần 28.000 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, gần 71.000 mô hình trang trại trẻ, thu hút gần 1,2 triệu thanh niên tham gia; đảm nhận gần 320.000 công trình, phần việc thanh niên... |