Phó Chủ tịch xã trẻ học cách tiếp dân

Phó Chủ tịch xã trẻ học cách tiếp dân
TP - Các xã vùng cao thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định sẽ được tiếp sức bởi những công bộc trẻ tuổi đang tham gia lớp bồi dưỡng thuộc dự án đưa 600 trí thức trẻ (TTT) về làm Phó chủ tịch xã.

> Thanh niên tham gia cải cách hành chính

Trí thức trẻ tập huấn trước khi về làm Phó Chủ tịch xã. Ảnh: N.H
Trí thức trẻ tập huấn trước khi về làm Phó Chủ tịch xã. Ảnh: N.H.

Đinh Thị Diêu (huyện An Lão, Bình Định) đang chăm chú ghi chép những kiến thức làm Phó chủ tịch (PCT) xã sơ đẳng trong lớp học hơn 70 bạn trẻ khai giảng ngày 9-3 tại Quảng Ngãi. Đang là chuyên viên Phòng kinh tế hạ tầng huyện An Lão, cô gái gần 30 tuổi người dân tộc H’rê quyết định dự tuyển làm Phó chủ tịch (PCT) xã vì muốn có thêm cơ hội để thử thách, trải nghiệm trong nhiệm vụ mới.

Nhà Diêu ở xã miền núi An Dũng cùng huyện, gắn bó với đồng bào dân tộc nên hiểu rõ thuận lợi, khó khăn sẽ phải đối mặt khi được làm Phó chủ tịch (PCT) xã. “Bà con dân bản hiền lành, chất phác, mình cũng là người dân tộc thiểu số nên sẽ dễ tiếp cận. Tuy nhiên, cái khó là sinh hoạt tập quán của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, hạ tầng chia cắt…”, Diêu nói.

Cô gái miền biển Nguyễn Thị Phụng (25 tuổi, xã Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) sẽ thượng sơn miền Tây Trà (Quảng Ngãi). Tốt nghiệp ngành kế toán tổng hợp (ĐH Quy Nhơn, Bình Định), Phụng làm việc trong Cty ở
TPHCM với thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng, nhưng quyết bỏ phố lên rừng. Phụng tâm sự làm Phó chủ tịch (PCT) xã với đủ đầu việc, không dễ, nhưng nếu quyết tâm, nhiệt huyết sẽ làm được.

Trước khóa học, cô gái trẻ tự phóng xe máy gần trăm cây số lên các xã vùng xa nhất của Tây Trà để tìm hiểu trước đời sống dân sinh. Dự tính của Phụng, nếu được bầu chọn sẽ tập trung vào những mảng ngành nghề phù hợp, dần thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con.

TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc dự án, cho biết có gần 40% học viên là nữ và tỷ lệ dân tộc thiểu số ở mức cao. Theo ông Minh, nhiều bạn đang làm việc tại các thành phố lớn, công việc ổn định, nhưng vẫn hăng hái tham gia, cho thấy trách nhiệm, tinh thần cống hiến của giới trẻ hiện nay.

Tiết học mở đầu với chuyên đề về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Bài giảng được thiết kế gắn với thực tiễn công tác quản lý cấp cơ sở.

Theo các giảng viên, cách chào thế nào cho đúng với tư cách của người phục vụ nhân dân không đơn giản. Học viên Lê Văn Thiết (Ba Tơ, Quảng Ngãi) chia sẻ từng đảm nhận các công tác quản lý hành chính, nhưng để áp dụng vào công việc cụ thể ở xã cần quá trình học hỏi, trải nghiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, khóa học kéo dài 3 tháng, ngoài những kiến thức chung về quản lý nhà nước ở địa phương, học viên sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết của một cán bộ xã như giao tiếp hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… và có 5 tuần thực tế tại các cơ quan hành chính cấp xã. Đến nay có 83 học viên dự án tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đã bắt đầu nhận chức Phó tịch xã.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG