> Người lính trên đỉnh Mẫu Sơn
Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ được Bộ đội BP đầu tư lợn giống. Ảnh: X.T. |
Đóng trên địa bàn huyện Yên Minh, Đồn Biên phòng Bạch Đích đảm trách 4 xã biên giới với gần 26 km đường biên, 41 mốc. Là địa bàn giáp biên, bộ đội BP Bạch Đích luôn đối mặt vấn đề an ninh trật tự. Không ít đối tượng xấu Việt Nam và Trung Quốc câu kết để trộm cắp gia súc, tài sản, đặc biệt là lừa đảo mua bán phụ nữ. Năm 2007 từng nổi lên vụ giết người nhà chiếm đoạt trẻ em. Hay dịp cuối năm 2011 là vụ bắt cóc em Vàng Thị Say (xóm Sủng Bờ, Thắng Mố, Yên Minh).
Đối phó với tình hình phức tạp trên, nhiều sáng kiến đã được Đồn BP và các thôn bản triển khai. Từ tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân đến thực hiện không đi về muộn, đi thành nhóm từ ba người trở lên. Đặc biệt, sáng kiến dùng mõ báo hiệu để triệu tập quần chúng chung tay bắt trộm cướp, cứu hỏa... mang lại hiểu quả thiết thực.
Đại úy Lê Việt Phương, Chính trị viên Phó đồn Bạch Đích, cho biết: “Các gia đình ở mọi thôn xóm đều trang bị mõ. Mỗi khi có việc gì xảy ra chỉ cần gõ mõ, các hộ xung quanh và lực lượng sẽ triển khai tổ chức ứng cứu”.
Mọi người dân trong thôn bản, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết cách đánh mõ báo hiệu. Đến nay, tình hình an ninh trật tự tại các xã biên giới cơ bản được đảm bảo tốt, nhưng phong trào gõ mõ làm tín hiệu vẫn được triển khai và nhân rộng.
Phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội BP tổ chức phổ biến và diễn tập cách thức phòng chống tai nạn với hiệu lệnh của tín hiệu mõ, đồng thời phối hợp với phương tiện thông tin hiện đại như điện thoại… để giữ vững đường biên, cột mốc; đảm bảo an ninh.
Lợn giống dựng nghiệp
Giữ vững an ninh biên giới, những chiến sĩ BP còn giúp cuộc sống của người dân các thôn bản ổn định, nâng cao mức sống. Nhiều mô hình kinh tế được thực hiện hiệu quả như việc đầu tư lợn giống của Đồn BP Tùng Vải (huyện Quản Bạ). Từ lợn giống bộ đội BP hỗ trợ, gia đình Giàng Tào Phủ (24 tuổi, người Mông, thôn Tùng Vài Phìn) đã suất chuồng mấy lứa lợn, hiện trong chuồng có hai lợn giống và 10 lợn con.
Vợ Giàng Tào Phủ là Sàng Sính Cháu (21 tuổi) nhớ lại cảnh nghèo xác xơ khi lấy nhau vào năm 2009. Nay nhà đã có ngô lúa, lợn nuôi cũng được đàn đống. Nhờ bộ đội giúp công, hỗ trợ tiền, gia đình Tào Phủ - Sính Cháu đã có ngôi nhà đoàng hoàng, hết mưa dột nắng xiên…
Ngồi trong căn nhà mới của vợ chồng Tào Phủ, trưởng thôn Vù Sính Sài rành rọt kể những hộ thoát nghèo trong thôn như Sàng Chính Sài, Sùng Trận Hồng… đều có công của bộ đội BP.
Hiệu quả trong xây dựng kinh tế còn có mô hình trồng thảo quả ở Lao Chải, Sín Chải, Thanh Đức (huyện Thanh Thủy) trung bình mỗi hộ hu hơn 100 triệu đồng/năm. Có hộ như Vàng Seo Chử (thôn Lùng Chủ Phiêng, xã Lao Chải) với 200 ha trồng thảo quả còn mua được cả ô tô.
Giúp người dân từng bước thoát nghèo, những chiến sĩ BP còn giúp bà con an cư với cuộc vận động Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo. Những căn nhà Đại đoàn kết giúp hộ nghèo trên địa bàn thoát khỏi cảnh mưa dột, nắng xiên... tổ chức cuộc sống theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đồn BP Thanh Thủy trong ba năm qua đã cùng người nhân góp công, góp sức làm được hơn 30 nhà Đại đoàn kết, tham gia làm hơn 2 km đường bê tông cho xóm Hạ Sơn… Hay đồn Bạch Đích, xây dựng mới 24 bể nước, gần 14 km đường bê tông.
Tình hình di cư tự do trên địa bàn gần như không còn nhờ công sức của chiến sĩ BP như Đồn Thanh Thủy thực hiện ở xóm Hạ Sơn (thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên). Xóm Hạ Sơn có 28 hộ người Mng với 148 khẩu, trước làm ăn nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp, nhưng nay nhiều gia đình đã đủ ăn; xe máy trung bình mỗi nhà 2 cái...