> Nhiều học sinh thiếu kỹ năng tiêu tiền
Đi làm thêm giúp bạn trẻ hiểu về giá trị đồng tiền. Ảnh: P.H. |
Là nhà nghiên cứu về kinh tế và xã hội, TS có nhận xét gì về kỹ năng tiêu tiền của bộ phận giới trẻ hiện nay?
Xã hội Việt Nam ngày càng phân tầng xã hội sâu sắc và sự khác biệt lối sống gia tăng. Tôi nghĩ rằng đa số bạn trẻ cùng với gia đình họ có cuộc sống không phải là sung túc và họ có sự tiết kiệm chi tiêu và dành ưu tiên cho việc học hành, kiếm sống và cho những nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ khác dư dả hơn và có hiện tượng chi tiêu vung tay quá trán.
Nhìn chung phần đông bạn trẻ Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng tiêu tiền. Có nhiều nhân tố tác động đến vấn đề này. Đầu tiên cần kể đến nhân tố giáo dục, trao truyền các giá trị xã hội ở nhà trường, gia đình và xã hội. Giới trẻ bao gồm những nhóm xã hội khác nhau và chịu ảnh hưởng từ các nhóm xã hội mà họ lệ thuộc vào. Nếu các đại gia khoe sang bằng du thuyền, phi cơ, xe đắt tiền… thì các thiếu gia có thể khoe giàu bằng cách đốt tiền để học đòi cũng không có gì lạ.
Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, tốc độ đô thị hoá nhanh, quảng cáo tiêu dùng phổ biến rộng khắp, sự đa dạng và sẵn có của các loại hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ, sự lan truyền của lối sống tiêu dùng nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế…có tác động nhiều đến hành vi của giới trẻ, trong đó có tiêu tiền. Chẳng hạn, có những bạn trẻ mới đi làm, tiền lương ít ỏi nhưng lại mua điện thoại di động trị giá hơn tháng lương mà chẳng bao giờ sử dụng hết các tính năng của chúng.
Với không ít thanh niên lớn lên trong gia đình có điều kiện vật chất, chưa phải lo việc kiếm tiền nhưng lại được bố mẹ cho thoải mái tiêu tiền. Theo TS mặt trái của vấn đề này là gì?
Tôi cho rằng những gia đình như vậy về tình cảm sẽ không hạnh phúc dài lâu bởi họ không biết giáo dục con cái biết yêu quý giá trị của lao động và tình cảm của bản thân họ kết tinh trong đồng tiền. Họ cũng không giáo dục con cái quý trọng những giá trị nhân bản của xã hội, như biết thương những người nghèo khổ và biết đóng góp có ích cho xã hội. Tôi không biết tương lai của các bạn trẻ này liệu có gì tốt đẹp không?
Chậm trưởng thành
Thực tế có không ít bạn trẻ thiếu kỹ năng tiêu tiền, thậm chí trên internet, một vài thanh niên tự xưng thiếu gia còn bật lửa đốt tiền. TS nghĩ sao về điều này?
Tôi không gọi hiện tượng như vậy là thiếu kỹ năng, mà là thiếu giáo dục - sự giáo dục tối thiểu về giá trị xã hội và về luật pháp. Họ có thể đi từ sự lệch chuẩn này sang sự lệch chuẩn khác, nếu không có sự thay đổi nhận thức.
Ví dụ cụ thể về sự lệch chuẩn này là gì, thưa TS?
Đa số bạn trẻ vẫn phải đắn đo chi tiêu những đồng tiền ít ỏi của mình, của người thân. Nhưng thực tế vẫn tồn tại một số bạn trẻ vô tâm, không chịu học hành, mải chơi, không có mục đích cho tương lai, lơ là việc lập nghiệp, sống cho qua ngày hay sa vào tệ nạn xã hội. Vì thế, xuất hiện hiện tượng “chậm trưởng thành về mặt xã hội” của một bộ phận giới trẻ thành thị và sống bám vào bố mẹ đến ngoài 30 tuổi.
TS nghĩ sao khi không ít phụ huynh than thở, gia đình còn khó khăn nhưng con cái họ sẵn sàng vòi vĩnh tiền triệu để chạy đua với bạn bè, tốn kém với các show diễn của các sao họ thần tượng?
Đây là một hiện tuợng tâm lý xã hội của giới trẻ, mà các ông bầu, các “sao” và cả những phương tiện truyền thông có tác động
không nhỏ.
Theo TS, giáo dục giá trị tiền bạc, quản lý tài chính cá nhân có vai trò như thế nào trong hành trang bước vào đời của mỗi người trẻ?
Đó là một phần quan trọng của các giá trị xã hội và kỹ năng sống mà mỗi con người cần có, nhất là trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi nhanh chóng như Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai. |
Lúng túng giữa các nhu cầu
Theo TS, giới trẻ thường bối rối và gặp khó khăn nào trong việc tiêu tiền?
Không chỉ các bạn trẻ và những người trưởng thành thường gặp khó khăn trong việc chi tiêu khi đứng trước nhiều nhu cầu và lựa chọn đâu là nhu cầu ưu tiên. Tôi cho rằng điều khó khăn nhất là phải lựa chọn cái gì đáng để tiêu hơn cả giữa rất nhiều nhu cầu ngày càng tăng, trong khi số tiền có hạn. Đây không chỉ là khó khăn của giới trẻ mà nó là đối tượng của bộ môn khoa học lớn chúng ta vẫn nghe thấy hàng ngày: Bộ môn kinh tế học.
Nhiều nước có hẳn môn học về tiền, theo TS nên giáo dục cho giới trẻ cách tiêu tiền như thế nào?
Ở cấp vi mô, gia đình và nhà trường nên thường xuyên giáo dục trẻ em từ nhỏ về yêu quí lao động, tiết kiệm v.v... Tuy không trực tiếp nói đến tiền, nhưng đó là giáo dục những nền tảng cơ bản về giá trị xã hội. Còn dạy dỗ, bảo ban trực tiếp về vấn đề này phải do cha mẹ, gia đình, bạn bè. Đừng nên đưa mọi thứ vào chương trình giáo dục ở nhà trường và đòi hỏi giáo dục phải ôm mọi thứ.
Rộng hơn, các chính phủ cũng phải học cách chi tiêu hợp lý và hiệu quả để nợ công không tạo thành cuộc khủng hoảng kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững và mọi người trong xã hội, trong đó có giới trẻ học cách quản lý tài chính.
Cảm ơn TS!
Phương Hiếu