Vác tù và đa quốc gia

Vác tù và đa quốc gia
TPO - Đi nhiều nơi, hoạt động tình nguyện chuyên nghiệp, những tình nguyện viên 'vác tù và' đa quốc gia lòng chợt chùng xuống khi chứng kiến nhiều cảnh đời, số phận khốn khó của trẻ em Việt Nam.

> Tặng quà cho người nghèo lang thang

Trẻ em làng chài học tại ngôi nhà tuổi trẻ
Trẻ em làng chài học tại ngôi nhà tuổi trẻ.

Mở trường học cho trẻ làng chài

Cuối năm 2004, Pierre De Hanscutter, tình nguyện viên đến từ Bỉ đến Việt Nam làm việc. Một ngày cuối tuần, khi theo sinh viên Hà Nội lang thang bãi giữa sông Hồng (Hà Nội), hình ảnh hai đứa trẻ quần áo phong phanh cõng nhau lội sông lên thuyền lọt vào ống kính Pierre. Đứa lớn chừng 5 tuổi cao gần 10m, đứa nhỏ chừng 2 tuổi, cả hai không đi giày dép, làn da tím tái, co ro trong cái lạnh se sắt của mùa đông. Thấy làm lạ, anh quay sang hỏi các bạn Việt Nam vì sao cúng không mặc áo ấm, câu trả lời ngắn gọn, “vì nhà chúng nghèo” khiến anh trăn trở, suy nghĩ.

Những ngày sau đó, Pierre thường xuyên đến Bãi giữa, tìm hiểu cuộc sống của bọn trẻ làng chài, rồi anh cùng tình nguyện viên Việt Nam tạo dựng một lớp học trên thuyền để dạy cho bọn trẻ. Ban ngày chúng đi làm cùng bố mẹ những việc như kéo xe, nhặt rác, lượm hoa quả rơi ở Long Biên...tối về, chục em nhỏ chen nhau trên chiếc thuyền cũ chòng chành mở sách học cùng thầy Pierre.

Vác tù và đa quốc gia ảnh 2
 

Đỗ Thị Phúc, một trong những tình nguyện viên của lớp học kể: Lớp học nhỏ đến nỗi 10 đứa bé gần như ngồi vào lòng nhau để đọc, viết, còn tình nguyện viên đứng ngoài thò cổ vào thuyền dạy. Mùa đông, những đứa trẻ mong manh thân áo cộc, tay run run mở từng trang sách và líu ríu đọc khiến thầy Pierre chạnh lòng.

Ngày tạnh không sao, ngày mưa, gió lớn, sóng mạnh, thuyền chòng chành muốn đắm, lớp học phải tạm nghỉ. Có khi nghỉ vài tuần vì thời tiết không thuận lợi. Pierre thấy cần thiết phải có một lớp học chắc chắn hơn. Anh viết thư cho tất cả người thân, bạn bè để kêu gọi thành lập trường học, mang những em nhỏ từ dưới thuyền lên bờ.

Với sự giúp đỡ của gia đình và nhóm bạn tại ĐH Y (Toulouse- Pháp), Pierre đã thành lập một trường nhỏ ngay bên làng chài. Đó là ngôi nhà ba tầng đi thuê, có bếp ăn cung cấp bữa trưa miễn phí do tình nguyện viên nấu. Trường học có phòng dạy tiếng Anh, tiếng Việt cho 30 em nhỏ, phòng sinh hoạt chung. “Trường đặt tên Youth House- Ngôi nhà tuổi trẻ, nơi nuôi dưỡng ước mơ của các em bé nghèo”, Pierre nói.

Niềm vui lớn đã thực sự đến với trẻ nhỏ làng chài, chúng coi trường học như ngôi nhà thực sự, có thể chạy về sẻ chia cùng tình nguyện viên những nỗi niềm, có không gian vui chơi, có lớp rèn chữ...Chúng hay gọi đó là nhà anh Pierre, hay rủ nhau “hôm nay có đi học nhà anh Pierre không”...Pierre trở thành một phần của xóm thuyền nghèo nơi gầm cầu Long Biên bên bờ sông Hồng. Bao người dân và lũ trẻ làng chài cảm động trước tấm lòng của anh, và biết ơn anh.

Cùng với sự hỗ trợ của tổ chức tình nguyện SJ Việt Nam, Ngôi nhà Tuổi trẻ đã được duy trì gần 7 năm. Trong hơn 30 học sinh ban đâu của trường, nhiều em nay đã đã đi học cấp ba, có em được học nghề nấu ăn, làm việc tại nhà hàng, khách sạn. Hiện trường có gần 20 em đang học tiểu học. Có những em là em của học sinh trường từ 7 năm trước, vẫn đến Ngôi nhà Tuổi trẻ để nối tiếp ước mơ như anh chị mình.

Pierre đã về Bỉ nhưng anh vẫn thường xuyên liên lạc với tổ chức tình nguyện SJ Việt Nam, hàng năm quyên góp quần áo ấm và những món quà gửi sang làng chài, gửi cho trẻ nhỏ ở trường học.

Bữa ăn trưa tại ngôi nhà tuổi trẻ của trẻ em làng chài
Bữa ăn trưa tại ngôi nhà tuổi trẻ của trẻ em làng chài.
 

Tình nguyện không tuổi

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng bà Linda, đến từ Canada vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động tình nguyện cùng các bạn trẻ nước ngoài tuổi 18-20 tại Việt Nam. Khi cùng SJ Việt Nam tổ chức chương trình Mang đến nụ cười, xoa dịu nỗi đau, chứng kiến hoàn cảnh thương tâm của nhiều em nhỏ là bệnh nhân tại viện Nhi T.Ư, bà không giấu khỏi xúc động, có lúc rơi nước mắt.

SJ Việt Nam là tổ chức tình nguyện quốc tế, thu hút đông tình nguyện viên các nước đến Việt Nam hoạt động. Hiện tổ chức có 500 tình nguyện viên quốc tế và 5000 tình nguyện viên trong nước tham gia hoạt động thường niên, có hơn 50 dự án từ Bắc đến Nam được thực hiện.

 

Bà gọi chồng mình, là Giám đốc tài chính của một ngân hàng tại Canada bay sang Việt Nam để cùng hoạt động tình nguyện, mang lại niềm vui cho các em nhỏ. Dù tuổi cao, nhưng bà Linda luôn khiến các tình nguyện viên trẻ phải ngạc nhiên bởi sự nhiệt tình, hăng hái tổ chức trò chơi, diễn kịch nhảy múa, hoà đồng cùng em nhỏ.

Hè vừa rồi, bà cùng chồng quyên góp thú bông, đồ chơi mang từ Canada sang cho các em nhỏ nghèo tại Việt Nam và Campuchia. Chia sẻ với tình nguyện viên Việt Nam trong một bữa cơm, bà nói, vợ chồng bà không có con, và dành toàn bộ thời gian nghỉ phép hàng năm để quyên góp đồ chơi cho trẻ em nghèo tại các nước, tham gia tình nguyện.

Hiện vợ chồng bà Linda là tình nguyện thường xuyên của tổ chức tình nguyện SJ Việt Nam. Đầu tháng 1-2012 bà quay trở lại Việt Nam tiếp tục các hoạt động thiện nguyện vì trẻ thơ.

Nhiều tình nguyện viên quốc tế từng hoạt động ở Việt Nam và luôn muốn quay trở lại. Như Kathy, cô bạn người Mỹ. Lần đầu tình nguyện tại Việt Nam cách đây 3 năm cô đi cùng mẹ (vì chưa đủ tuổi để tự đi hoạt động tình nguyện), sau hai tuần hoạt động tại trung tâm bảo trợ xã hội ở Hải Dương, Kathy nung nấu quyết tâm tiết kiệm tiền và đợi đủ tuổi để quay lại Việt Nam. Hè vừa qua, Kathy đã có hơn một tháng hoạt động cùng SJ Việt Nam. Cô cho biết, cô mới đính hôn và sẽ trở lại Việt Nam hưởng tuần mật.

Theo Viết
MỚI - NÓNG