Đón Xuân nơi biên giới, hải đảo

Đón Xuân nơi biên giới, hải đảo
TP - Xuân về, cán bộ, chiến sĩ ở biên giới, hải đảo lại bận rộn hơn ngày thường vì vừa phải cầm súng trông coi chủ quyền Tổ quốc, vừa sẻ chia cùng đồng bào địa phương.

Xuân của lính

Bước chân vạn dặm

Đồn Biên phòng 41 (Lạng Sơn) được gọi là cửa gió, nằm cheo leo trên vùng núi cao, ba bề, bốn bên gió lộng, sương giăng. Những ngày đầu năm 2012, trong từng dãy nhà, cán bộ, chiến sĩ tất bật trang trí sửa sang cành đào, cây cảnh trong phòng khách để đón Tết. Trong khi đó, một tốp chiến sĩ nai nịt súng ống gọn gàng, chuẩn bị lên đường tuần tra biên giới.

Đồn trưởng, Trung tá Lê Văn Khánh cho biết: “Đồn phụ trách gần 17 km đường biên, với 49 cột mốc qua 3 xã của huyện Lộc Bình. Vào dịp Tết, chúng tôi không những triển khai chặt chẽ nhiệm vụ công tác, mà còn chủ động, tích cực phối kết hợp với địa phương để tuần tra, canh gác”.

Được biết, địa bàn có cửa khẩu Chi Ma, lưu lượng người và hàng hóa đông; nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới, là nơi những kẻ buôn lậu thường tập kết hàng hóa và tội phạm lén lút hoạt động. Do đó, lính biên phòng Đồn 41 chuẩn bị đón Xuân nhưng không trễ nải việc tăng cường tuần tra, canh gác trên biên giới, giữ gìn bình yên vùng biên cương khi tết đến, xuân về. Năm qua đồn đã bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán phụ nữ, vận chuyển pháo nổ và gần 200 vụ buôn lậu...

Từ đồn Biên phòng hướng đông, chúng tôi du xuân về phía tây, trên địa bàn xã Thụy Hùng (huyện Văn Lãng) thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 63. Ngay tiền sảnh khu nhà 2 tầng khang trang đã thấy cây đào rừng rung rinh những cánh hoa màu hồng phai đón Xuân. Cán bộ, chiến sĩ đang tất bật với những túi quà gồm gạo nếp, gạo tẻ, mứt tết... Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, Đồn trưởng và Trung tá Hoàng Ánh Dương, Chính trị viên đồn, cho biết chuẩn bị đi xuống các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn để tặng quà, góp phần giúp đồng bào đón Xuân mới vui hơn.

Theo chân các anh chỉ huy đồn đi tặng quà một số gia đình ở xã Thụy Hùng, mới biết, đồng bào nơi đây tuy tết cận kề, nhưng còn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh.

Trên đỉnh Trà Bản

Giáp Tết, cán bộ, chiến sỹ trạm ra đa 485 (Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân) đang thường trực, tỉnh táo quan sát, phát hiện tàu, thuyền, góp phần bảo vệ bình yên trên vùng biển Đông Bắc. Tháng giêng, khi mưa phùn lất phất mang gió lạnh tràn về, chúng tôi đến ăn Tết cùng cán bộ chiến sỹ Trạm ra đa 485 Hải quân, nằm trên đỉnh Trà Bản (xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh).

Đại úy Nguyễn Xuân Tùng, Chính trị viên trạm cho biết đơn vị đã triển khai nhiệm vụ quan sát trong dịp Tết, đồng thời chuẩn bị cho bộ đội đón xuân vui vẻ, an toàn, tiết kiệm. Năm nay, đơn vị tăng gia tốt nên khẩu phần ăn được tăng lên và còn có quỹ tặng mỗi đồng chí phần quà nhỏ.

Theo chân kíp trực Tết sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi vượt qua gần 8 km đường đồi đầy nguy hiểm, để tới đài ra đa khi trời đã gần trưa.

Trong phòng làm việc, ban thờ Tổ quốc với cành đào, mâm ngũ quả, bánh kẹo, câu đối bày biện khá công phu, ấm cúng. Tết đã đến thật gần.

Gói bánh chưng cùng người dân
Gói bánh chưng cùng người dân.

Đã trưa mà đỉnh Trà Bản như còn ngái ngủ. Sương sa vào trong nhà. Trong hầm máy, Đại úy Nguyễn Văn Điệp trực tiếp chỉ huy thực hiện hiệp đồng phiên ban. Anh tâm sự: Công việc không cho phép sai sót, lọt mục tiêu, vì vậy anh em ăn Tết, nhưng luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Những năm qua, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan sát, quản lý vùng biển được giao.

Quây quần bên ấm trà nóng để xua đi cái lạnh ở độ cao gần 500m so với mực nước biển, anh Điệp trải lòng: Bà con cũng như đơn vị còn khó khăn lắm, nhưng yêu mến đảo, xác định tốt nhiệm vụ nên yên tâm và đều có nguyện vọng công tác lâu dài tại đơn vị. Anh Thọ quê ở Nam Định, anh Hạnh quê ở Hà Nội cùng nhiều anh em khác xây dựng gia đình, định cư trên đảo.

Hỏi về nhiệm vụ trực Tết, Hạ sỹ Ngô Quang Chí (SN 1989, quê Hải Hậu, Nam Định), trẻ nhất đơn vị, nói: "Tết đến ai cũng muốn gia đình sum họp, nhưng em xác định đây không những là nhiệm vụ mà còn là vinh dự, tự hào vì được góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.

Tết sớm trên đảo Cô Tô

Những ngày giáp Tết, Đồn biên phòng 16 (đảo Cô Tô - Quảng Ninh) dường như rộn ràng hơn. Từ 9 giờ sáng, các chiến sỹ đã xếp hàng nghiêm chỉnh đứng đón đoàn công tác gồm các bạn trẻ từ đất liền ra trao tặng quà Tết. Chính trị viên, đồn phó Trần Hồng Hải nói: “Cô Tô hiếm có ngày nắng đẹp, sóng yên biển lặng để các chiến sỹ thảnh thơi như hôm nay. Bình thường, các chiến sỹ bám biển, bám dân”.

Đồn 16 như một trang trại thu nhỏ, sạch tinh tươm với vườn rau xanh, vườn cây cảnh thanh niên, khu chăn nuôi gia súc… Đồn phó Hồng Hải cho biết dịp Tết vẫn đảm bảo lực lượng ứng trực trên 70% quân số nên đã chuẩn bị Tết cho anh em từ sớm. “Thực phẩm luôn có sẵn, đến ngày các chiến sỹ sẽ mổ lợn, gói bánh chưng. Để tạo không khí, Đồn gửi in băng rôn, khẩu hiệu từ đất liền ra”, anh Hải cho biết.

Chương trình đón Tết của các chiến sỹ cũng rất giản dị. Ngày cuối của năm, sau khi quây quần gói, luộc bánh chưng, các chiến sỹ cùng ngồi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua truyền hình; được Ban chỉ huy chúc Tết, động viên nhưng cũng vừa chấn chỉnh tinh thần làm việc trong năm mới.

“Tết với anh em chiến sỹ, nhiệm vụ vẫn là số một, anh em lập tức lên đường khi có lệnh”, Đồn phó Hồng Hải nói. Sau phút giao thừa, các chiến sỹ lại khoác súng lên đường tuần tra, kiểm soát vùng biển, nhóm khác sẵn sàng cho các hoạt động đảm bảo trật tự trị an, cứu hộ cứu nạn...

Sinh năm 1985, Phạm Công Minh tốt nghiệp Học viện Biên Phòng tình nguyện ra đảo được gần 1 năm tâm sự: Tết, ai chẳng muốn gần người thân, nhưng ở đây tinh thần vì đảo, vì nhiệm vụ là trên hết. Thiếu úy Bàn Đức Thắng đã gần chục năm làm lính biên phòng, có vợ ở đất liền, đồng tình: “Ở nhà quanh năm vợ phải xoay xở một mình đón Tết. Mình xác định đây vừa là nghề vừa là nhiệm vụ nên vợ chồng cùng chia sẻ”, anh Thắng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.