Mỗi năm có 900 trẻ em bị xâm hại tình dục

Trẻ cần học kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ảnh: Lưu Trinh
Trẻ cần học kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ảnh: Lưu Trinh
TP - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo liên quan phòng chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam, diễn ra hôm qua.

> 'Sốc' khi trẻ em bị hiếp dâm tập thể

Trẻ cần học kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ảnh: Lưu Trinh
Trẻ cần học kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ảnh: Lưu Trinh.

Trong các loại hình xâm hại trẻ em thì xâm hại tình dục (XHTD) được xem là hành vi có diễn biến phức tạp nhất. Theo ông Nguyễn Đình Tôn, Hội Bảo vệ quyền chăm sóc trẻ em Việt Nam, giai đoạn 2006-2010, trung bình mỗi năm có khoảng 800 vụ XHTD trẻ em với khoảng 900 em là nạn nhân. Đại tá Nguyễn Chí Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công An), cho biết số vụ XHTD trẻ em chiếm hơn 60% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Người quen là thủ phạm chính

Theo ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân quen như bố dượng, anh em trong gia đình, hàng xóm… Còn những đối tượng vì say rượu bia, xem phim sex rồi bị kích động dẫn đến hành vi xâm hại các em chiếm số lượng ít.

Bà Vũ Thị Lệ Thanh (UNICEF) cảnh báo, XHTD với trẻ nam có xu hướng tăng, nhưng lại không được nhiều người biết đến do tâm lý xã hội mặc định XHTD thường xảy ra ở bé gái. Cũng theo bà Lệ Thanh, hành động sờ mó, mơn trớn để kích thích các em cũng là hành vi XHTD. Những hành vi này xảy ra rất nhiều trong đời sống trẻ hiện nay, nhưng nhiều ông bố bà mẹ lại chủ quan không ý thức được đó là hành vi xâm hại.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, số liệu trên mới chỉ phản ánh một phần so với thực tế. Theo bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng và diễn biến phức tạp; có sự đa dạng về hình thức phạm tội lẫn thành phần tội phạm.

Ông Đặng Hoa Nam, Nguyễn Đình Tôn cho biết, nổi lên các hình thức như hành hạ thể xác, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em...Tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, thậm chí cả bào thai, làm giả hồ sơ, tài liệu để bán trẻ em ra nước ngoài dưới hình thức cho nhận con nuôi; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em...có chiều hướng tăng.

Kỹ năng tự vệ

Đa số các vụ án xâm hại trẻ em xảy ra tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ hiểu biết của người dân hạn chế.

Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho biết, số trẻ em bị bạo lực, xâm hại tăng nhanh: Năm 2005 có 774 em, năm 2009 tăng gấp đôi với hơn 1.800 em và năm 2010 là 1.245 em. Đáng báo động là có tới 51 vụ giết trẻ em, hơn 390 vụ trẻ bị hãm hiếp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong các loại xâm hại, XHTD để lại hậu quả nặng nề nhất về thể chất lẫn tâm sinh lý cho các em.

Bà Lệ Thanh cảnh báo: “Nếu không được hỗ trợ, quan tâm kịp thời, những đứa trẻ bị XHTD rất dễ có sự phát triển lệch lạc. Có thể, chúng sẽ thành những ông bố bà mẹ không biết cách bảo vệ con mình hoặc thậm chí sẽ thành kẻ đi XHTD, bởi muốn trả thù đời hay cho rằng việc đó bình thường”.

Theo ông Hoa Nam, điều này một phần lỗi thuộc về bố mẹ do không có kỹ năng bảo vệ con, quá chủ quan với những người xung quanh. “Điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình. Những kỹ năng này có thể đưa vào dạy trong trường học”, ông Hoa Nam nói.

Bà Vân Anh (Bộ Tư pháp) cho biết, tình trạng bóc lột lao động, cưỡng bức lao động trẻ em đang diễn ra khá phổ biến, nhưng Bộ Luật hình sự (BLHS) mới có một điều luật quy định về tội danh này (Điều 228). Vì thế bà Vân Anh cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung các điều luật thích hợp.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, như giáo dục, đào tạo; vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em và xã hội để giảm bớt những vụ án đau lòng.

Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, cho biết các vụ ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em... ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo với các cơ quan chức năng mà phần nhiều là do phương tiện truyền thông đại chúng phát hiện, điều tra và tố giác trước công luận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG