Học trên biển Đông và chuyện ở Hà Nội

Bạn trẻ cùng xác định hải trình trên bản đồ
Bạn trẻ cùng xác định hải trình trên bản đồ
TP - Giới trẻ được tiếp cận những bài học lớn trên biển miền Trung và ngay tại Hà Nội, nhờ những cựu binh tàu không số.

> Có con đường xuyên biển thời Nam tiến
> Sức sống biển đảo

Bạn trẻ cùng xác định hải trình trên bản đồ
Bạn trẻ cùng xác định hải trình trên bản đồ.
 

Học và chơi giữa biển Đông

Sau 5 ngày vượt sóng, chiều 11-10, tàu Hải quân HQ996 mang theo 148 bạn trẻ cùng 9 cựu binh tàu không số tiếp tục hành trình hướng về Vũng Rô (Phú Yên), một trong những bến bãi lịch sử gắn liền với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa.

Trên boong tàu, bạn trẻ tham gia Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển được chia thành 6 trung đội với sự cố vấn của các cựu chiến binh tàu không số tham gia cuộc thi xác định tuyến đường mà tàu HQ996 đã đi qua với điểm xuất phát là bến K20 (Hải Phòng).

Cựu binh Lưu Công Hào (Hải Phòng) cho biết việc xác định đường đi trên bản đồ hành chính đơn giản hơn nhiều so với bản đồ tác nghiệp, hải đồ mà ông và đồng đội đã sử dụng trước đây. Các bạn trẻ phải vận dụng mọi khả năng, kiến thức có được về địa lý, lịch sử... để cuối cùng cũng hoàn thành phần thi.

Trần Mỹ Hằng, SN 1992, sinh viên ở Huế, tâm sự phần thi này giúp cô và các bạn trẻ có thêm kiến thức đi biển, hiểu rõ hơn những hiểm nguy, thách thức mà các thủy thủ tàu không số từng trải qua để từ đó sống có trách nhiệm hơn với biển trời Tổ quốc. Nguyễn Thị Như Trang, SN 1990, sinh viên khoa Sinh ĐH Vinh sau 1 tiếng xác định hải trình cùng các cựu binh, nói, sau này sẽ quyết tâm nghiên cứu về môi trường biển.

Đây chỉ là một trong hàng loạt nội dung của Học kỳ trên biển mà 148 bạn trẻ tham gia Hành trình sẽ được trải nghiệm. Anh Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban tuyên giáo T.Ư Đoàn, Phó đoàn hành trình, cho biết điểm nhấn của Học kỳ trên biển là các hoạt động giúp bạn trẻ biết cách dự báo thời tiết, cách tìm đường, xác định vị trí trên biển; được sống, trải nghiệm trong môi trường quân đội (chia đoàn thành 6 trung đội với nội quy như trong quân đội) từ đó nâng cao kỹ năng đi biển, hoạt động tập thể…

Các chiến sĩ tàu không số tái ngộ ở Hà Nội
Các chiến sĩ tàu không số tái ngộ ở Hà Nội.
 

Giao lưu nhân chứng Đường Hồ Chí Minh trên biển

Tại Hà Nội, những cựu sĩ quan, chiến sĩ, cảm tử quân tàu không số đã có buổi giao lưu với tuổi trẻ về Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Chương trình do Thư viện quân đội phối hợp Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức.

Bác Trần Hậu Vệ (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Đại úy Hải quân, là pháo thủ số 1, từng tham gia 12 chuyến vận chuyển vũ khí trên đoàn tàu không số kể câu chuyện khó quên.

Chuyến tàu 56 vào bến Giao Lộ (Bình Định) vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Tàu bị địch phát hiện, bao vây. Đêm tháng 12, năm 1968 trời tối như mực, biển dậy sóng dữ dội khiến tất cả anh em, chiến sĩ trên tàu đều nôn thốc tháo. Tàu địch dọi đèn pha cực mạnh vào tàu 56, đồng thời phát tín hiệu. Là pháo thủ được đào tạo toàn năng nên Đại úy Trần Hậu Vệ nhanh chóng nhận diện chính xác tín hiệu của địch.

“Chúng hỏi tàu ta là tàu quốc tịch nào, chạy từ cảng nào tới, chở những hàng gì và đề nghị tàu ta dừng máy để chúng cho người sang kiểm tra”. Ban chỉ huy quyết định không trả lời, giữ nguyên tốc độ, hướng đi, lao thẳng. Tàu giặc nổ súng. Nhiều đồng chí đã bị mảnh đạn văng từ thành tàu, từ vách cabin vào người, vào đầu. Tất cả anh em đều bị thương.

Địch vẫn nhả đạn không ngớt, tàu 56 có nguy cơ bị bắt. Ban chỉ huy của tàu quyết định đặt các kíp nổ hẹn giờ vào các khối bộc phá để hủy tàu đảm bảo bí mật. Còn 5 phút nữa khối bộc phá nổ, trời chuyển tang tảng sáng, phát hiện tàu địch không có ý định tiêu diệt tàu mình mà vẫn thăm dò, ban chỉ huy tàu quyết định tháo các kíp nổ. Các chiến sĩ nhanh chóng tấp vội những tấm lưới lên các ụ pháo, rải ra những con cá gỗ.

“Anh em đứng chống nạnh, miệng phì phèo thuốc lá thơm, có đồng chí đưa chai rượu ra uống trước ống kính của lính Mỹ, khiến chúng lầm tưởng mình là tàu đánh cá. Tàu 56 cập bến an toàn”, bác Vệ nói.

Cưới vợ được 3 ngày, tháng 6-1966, Đại úy Đỗ Xuân Tâm (Đồ Sơn, Hải Phòng) tham gia chuyến tàu không số lần 3 vào Cửa sông Ba Động, Trà Vinh. Khoảng 2 km nữa cập bến, tàu bị địch đổ 15 tiểu đoàn bao vây. Anh em kiên trì chiến đấu, anh Tâm trốn thoát được vào rừng. Trở về bến Trà Vinh an toàn, tháng 1-1967, anh được lệnh cùng tàu 69 ra Bắc. Trên đường đi, tàu bị địch phát hiện, đành phải quay lại.

Suốt từ năm 1967 đến 1975, do địch kiểm soát, theo dõi gắt gao nên anh không thể trở về Bắc. Suốt 10 năm, vợ và gia đình nghĩ anh đã hy sinh. Trong 10 năm bặt tin chồng, vợ anh vẫn chung thủy đợi chờ và phấn đấu không ngừng, trở thành Bí thư thị Đoàn Đồ Sơn, Hội trưởng Hội phụ nữ Đồ Sơn (Hải Phòng).

Tháng 6-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ban chỉ huy đoàn tàu không số tổ chức vào Cần Thơ thăm anh em, trên chuyến tàu đó có vợ anh. Gặp lại vợ, anh ngạc nhiên thốt lên: “Tại sao em không khóc?” Vợ anh trả lời: “Nước mắt em nuốt hết vào trong rồi”. Câu nói của vợ khiến anh trào nước mắt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG