Bí kíp độc hành xuyên hành tinh

Huyền Chip và các bạn trẻ tại Kim Tự Tháp (Ai Cập)
Huyền Chip và các bạn trẻ tại Kim Tự Tháp (Ai Cập)
TP - LTS: Tròn một năm kể từ khi cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Khánh Huyền bắt đầu độc hành xuyên hành tinh. Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm.

> Độc hành xuyên hành tinh
> Vào vùng xung đột Kashmir
> Kinh nghiệm 'thiên lý độc hành'

Huyền Chip và các bạn trẻ tại Kim Tự Tháp (Ai Cập)
Huyền Chip và các bạn trẻ tại Kim Tự Tháp (Ai Cập).

Trò chuyện với nhiều bạn trẻ Việt Nam, tôi nhận ra phần lớn mong muốn được du hành khắp thế giới, nhưng e ngại bởi đủ lý do. Tôi thừa nhận trước khi khởi hành từng lo lắng như vậy.

Điều kiện của tôi trước khi đi còn tệ hơn nhiều bạn trẻ, lúc đó tôi mới 20 tuổi, chưa vào đại học, chưa kiếm được nhiều tiền, gia đình cũng thường thường bậc trung… Nhưng sau một năm độc hành trong kế hoạch xuyên hành tinh, tôi nhận ra hầu hết lo lắng trên đều vô nghĩa.

Phải có thật nhiều tiền?

Mọi người thường nghĩ tôi phải giàu lắm, nhưng không phải vậy. Nếu di chuyển bằng máy bay, ở khách sạn, ăn nhà hàng thường tiêu tốn nhiều, nhưng nếu bạn đi như tôi thường khá rẻ. Những trang web như Hospitality Club (http://www.hospitalityclub.org/), CouchSurfing (http://couchsurfing.com) cho phép dân đi bụi tìm chỗ ở miễn phí đồng thời gặp gỡ người địa phương ở khắp thế giới.

Ở nhiều nước, nhất là ở châu Á như Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, ... bạn có thể dễ dàng tìm nhà nghỉ với giá chỉ khoảng 3 - 5 USD/đêm. Đi tàu, xe buýt cũng không đắt. 20% dân số thế giới sống dưới mức 1,25 USD một này, nên bạn cứ yên tâm ở đâu cũng có đồ ăn uống hợp túi tiền.

Ngân sách 10 USD/ngày là hoàn toàn khả thi. Trong tháng đầu tiên ở Ấn Độ, tôi chỉ tiêu hết 150 USD. Tôi gặp hai người Pháp đi bộ khắp châu Phi với chi phí là 1,5 Euro/người/ngày trong suốt 2 năm.

Không tin người lạ?

Mỗi lần gọi điện về nhà, mẹ tôi hay dặn: “Con gái lang thang thế, đừng tin người lạ con nhé.” Câu nói này khiến tôi bật cười, đi suốt ngày nếu tôi không tin người lạ thì tin ai? Sự thật là ở đâu cũng có người tốt người xấu và phần lớn mọi người đều không xấu vì được dạy để làm điều tốt từ nhỏ.

Tôi đi xe buýt đến Sikkim (Ấn Độ) lúc nửa đêm. Mọi người trên xe buýt hỏi đêm nay ngủ ở đâu, tôi trả lời là đến Sikkim sẽ tìm nhà nghỉ. Mọi người lo cuống lên, bảo Sikkim không như ở thành phố, đêm rất vắng vẻ, không có khách sạn nhà hàng nào mở cửa.

Một anh trên xe mời tôi về nhà. Tôi cũng hơi sợ, nhưng không còn lựa chọn nào khác nên đành nhận lời. Tôi ở nhà anh đến ... một tuần. Gia đình anh hết sức nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt thời gian tôi ở đây. Mẹ anh nấu cơm cho tôi ăn, còn tặng tôi bộ váy áo truyền thống Sikkim khi tôi lên đường. Bố anh đưa tôi đến đám cưới hoàng gia Sikkim và còn tạo điều kiện cho tôi gặp những nhân vật quan trọng.

Cần bạn đồng hành?

Nhiều người e dè chưa muốn đi vì thiếu bạn đồng hành. Tôi không phủ nhận đi một mình có nhiều bất tiện như phần lớn phòng khách sạn đều là phòng đôi, nếu ở một mình vẫn phải trả giá cho hai người. Mặt trái là khi đi với bạn, hầu hết thời gian sẽ phải dành cho người bạn đấy mà không có thời gian làm quen với dân bản địa hay những người đi bụi khác. Khi đi với bạn, mọi quyết định đều của hai người, bạn không được thoải mái đi và làm.

Đi một mình có thể khiến bạn cảm giác dễ gặp nguy hiểm hơn, nhưng lại khiến người khác dễ cảm thông và giúp đỡ bạn hơn. Lợi thế một người sẽ có tác dụng rõ ràng hơn rất nhiều nếu bạn muốn ở nhờ hay đi nhờ xe (hitch-hiking). Qua những vùng nguy hiểm không muốn đi một mình, bạn có thể dễ dàng đến những nơi tập trung dân đi bụi hay lên các diễn đàn du lịch tìm kiếm bạn đồng hành cho một hai tuần rồi đường ai nấy đi.

Không xin được visa?

Xin visa với hộ chiếu Việt Nam đúng là không dễ, nhưng cũng không khó như mọi người tưởng. Bằng chứng là tôi đã lấy được visa Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Ai Cập và Israel mà không hề có chứng minh tài chính, vé máy bay khứ hồi hay đặt phòng khách sạn.

Tôi cũng khá tự tin về khả năng lấy được visa cho các nước châu Phi. Nếu không có điều kiện xin tại nước nhà mà phải xin ở nước bạn đang cư trú, bạn cần tìm hiểu chính sách visa của nước muốn đến. Nhiều nước có chính sách visa rất linh hoạt.

Bạn cũng nên tìm hiểu nơi nào xin visa là dễ nhất. Ví dụ, xin visa vào Sudan nổi tiếng là khó và lâu, nhưng nếu xin ở Aswan, Ai Cập thì rất dễ, có khi chỉ cần một ngày. Một mẹo nhỏ khi xin visa là sự kiên trì. Ngay cả khi bạn bị từ chối visa, trong nhiều trường hợp vẫn có thể tiếp tục đến Đại sứ quán “năn nỉ”.

Rào cản ngôn ngữ?

Nhiều người lo đi rồi không biết giao tiếp với người khác thế nào. May mắn thay, nhiều bạn trẻ ở khắp nơi trên thế giới đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và có thể hiểu những cụm từ đơn giản bằng tiếng Anh như: đúng, sai, xe buýt, sân bay, khách sạn, nhà vệ sinh, ...

Đến một nơi nào đó, bạn cố gắng học được khoảng vài chục cụm từ thông dụng là có thể đủ để giao tiếp khi cần giúp đỡ. Nhưng bắt buộc phải học tiếng Anh, không có lựa chọn nào khác.

Phải nhiều kinh nghiệm?

Suy nghĩ này giống như kiểu Phải học giỏi mới đi học được, trong khi sự thật là phải đi học mới học giỏi được. Ai cũng có giai đoạn bắt đầu. Nếu bạn sợ mình không đủ sức cho chuyến đi xa và dài, bạn có thể bắt đầu với những chuyến đi nhỏ, ví dụ đi xuyên Việt trong 2 tuần, hay đi vòng quanh Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) trong 1 tháng. Bạn có thể tranh thủ học hỏi từ dân đi bụi bạn gặp trên đường và từ chính những chuyến đi của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG