“Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vì sắm Tết
Tết là dịp mọi nhà đều muốn sắm sanh đồ đạc để năm mới khang trang và mong có nhiều tài lộc hơn. Nhưng đây là thời gian nhiều cặp vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, vì đôi bên không có câu trả lời chung cho câu hỏi: mua gì Tết này?
Gia đình anh Tuấn, chị Hương (Đống Đa, Hà Nội) là một điển hình về việc “đụng độ” khi mỗi người một ý. Ấp ủ từ lâu, anh Tuấn muốn có một tivi màn hình phẳng 42 in để đặt dưới phòng khách nhằm thỏa mãn thú vui xem bóng đá mỗi dịp cuối tuần. Thế nhưng, ý tưởng của anh đã vấp phải sự phản đối lịch liệt của vợ. Lý do bà xã đưa ra là số tiền đó có thể mua được những thứ cần thiết hơn nhiều, như thay chiếc xe máy đã đi 5 năm trời kể từ khi lấy nhau.
Tuy nhiên, một ngày đẹp trời khi đi làm về Hương giật mình vì chiếc tivi màn hình phẳng 42 in đã chình ình ở phòng khách. Từ đó, Hương giận. Cô cũng chẳng thèm ngó ngàng tới cơm nước, chăm sóc chồng, con vì cho rằng “lão ấy” ích kỷ chỉ lo cho sở thích bản thân mình.
Vợ chồng Cường – Trang (Ba Vì, Hà Nội) lại rơi tình trạng mất Tết vì cả hai đều cho rằng mình đúng còn người kia hoang phí.Với suy nghĩ Tết phải có đào có quất, nên Cường đầu tư hẳn cây đào gần 3 triệu. Không thấy vợ có ý kiến gì, anh lại tiếp tục sắm thêm một dàn âm thanh để cả nhà hát karaoke cho… thêm phần ấm cúng.
Khi bị vợ hỏi sao chưa đưa tiền mua sắm quà biếu họ hàng nội, ngoại, Cường tặc lưỡi “thì anh cũng vừa sắm Tết xong”. Rồi lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu ai. Kết cục, Trang bỏ về nhà ngoại, còn Cường dỗi tới mức chẳng buồn tới đón.
“Về cũng dở mà ở chẳng xong”
Không đụng độ việc sắm Tết, nhưng giá cả leo thang cũng những hoàn cảnh khác nhau, đã dồn nhiều cặp vợ chồng trẻ vào cảnh “khóc dở mếu dở” khi xuân về.
Vợ chồng anh Tuấn quê ở Nghệ An, cả hai đều có công việc ổn định ở Hà Nội với mức lương xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, hai vợ chồng cùng một đứa con khéo chi thì vừa đủ, tháng nào giỏi lắm chỉ để ra được hơn một triệu đồng phòng đau ốm. Tuy nhiên, với các cụ ở quê thì “lương gần chục triệu/ tháng bằng người ta làm cả năm” nên mỗi dịp Tết đến anh chị lại đóng vai “giàu nhất họ” lo việc chi tiêu ngày Tết. Không chỉ bố mẹ, mà các em anh cũng đều nghĩ rằng chỉ cần “A lô một tiếng” là các bác ở Thủ đô sẽ … tài trợ tất. Nên mỗi dịp Tết đến, anh Thành chị Lan đều không khỏi mướt mồ hôi hột.
Năm nay, không chỉ lo Tết cho chu đáo, anh Thành còn phải kiêm cả phụ trách việc tu sửa mồ mả các cụ, nhiệm vụ mà các cụ ở quê chỉ định đích danh “cậu cả thành đạt ở Hà Nội”.
Không phải lo chuyện tiền nong, nhưng mỗi khi Tết đến vợ chồng Thành Hưng – Tuyết Trinh người quê ở Hải Phòng, người quê Ninh Binh lại đau đầu phân lịch về quê ăn Tết. Nhiều năm cũng chỉ vì chia lịch không đều mà vợ chồng đâm ra mâu thuẫn và… hết Tết. Năm nay, chưa kịp mừng vì mua được nhà Hà Nội thì Tết đến vợ chồng lại lo ngườitrông nhà để về quê.
Cưới nhau được hơn năm, Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) còn nhớ như in cái Tết đầu tiên về quê chồng ở Nam Định để lo Tết. Vốn là "tiểu thư Hà Nội" nên Tết ở nông thôn với cô chỉ thấy trên tivi là nhiều! Thế nhưng Tết đầu tiên với vai trò nàng dâu, Nhung đã phải liều mình như chẳng có để làm cỗ và lao vào giết gà mổ lợn… Năm nay, viễn cảnh về quê đón Tết phải cùng vào đám đụng lợn, nấu bếp rơm, và không quen lối sinh hoạt tại nông thôn khiến Nhung gờn gợn.
Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp mong một cái tết đầm ấm, đầy đủ bên gia đình đã là một điều khó khăn. Thắng và Lương (Phú Thọ) cùng làm công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long cứ nghĩ đến Tết. “Hai vợ chồng tiền thưởng tết có hơn 3 triệu. Tiền mua sắm, tiền mừng tuổi, tiền đi lại đã mất đứt số tiền này rồi. Tiêu hết, ra Tết chỉ còn cách ăn mì tôm. Năm ngoái, sau Tết đói dài cả gần tháng. Chỉ có 2 cân gạo và mấy cái bánh trưng, mua mì tôm ăn tạm qua ngày”- vợ chồng Thắng Lương than thở.
Chồng làm công nhân kĩ thuật ở một nhà máy da giày của Hà Nội, Nguyễn Thị Ánh đang dạy tin học ở một trường cấp 3 nghĩ đến Tết mà sợ: “Chỉ với 3 triệu một cái tết thì không biết chi tiêu thế nào. Mua cái áo cho mẹ chồng cũng đã mất đứt 500 nghìn rồi. Còn hơn hai triệu kia thì mua gì bây giờ”.
Không có tiền về quê ăn Tết, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lý ở Nam Định đã 4 năm nay làm công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương chưa dám đưa con về quê ăn Tết: “lương thì hai vợ chồng không đủ ăn. Tết nhất vài triệu tiền thưởng ăn không đủ huống hồ về quê. 4 năm nhớ nhà lắm, nhưng về quê mà lại nợ nần, về không có quà cho bố mẹ thì tủi cực lắm, thà ăn tết ở đất khách quê người còn đỡ hơn”.