Huồi Tụ xa lơ xa lắc. Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi phải ngồi xe ôm đi nửa ngày trời mới tới nơi. Vào được đến trung tâm xã thì trời cũng vừa tối. Bụng đói, người mệt lả, chợt tiếng khóc phát ra từ căn nhà bên đường nghe nhiều nỗi xót xa.
“Vừ Y Mái đấy. Nó ở bản Na Ny mới 15 tuổi, vừa bị “bắt” về làm dâu gần tuần nay”- anh bạn đưa đường người bản địa giải thích. Bên ánh đèn dầu leo lắt, ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, Mái chỉ khóc. Đôi mắt vô hồn, những tâm sự ngắt quãng...
Bao đêm trường bên gối chăn cạnh người chồng “hờ”, em đã khóc. Trong đêm hoang vu của núi rừng, gạt những giọt nước mắt buồn đau, em trải lòng mình. Đang học lớp 9, Mái ước mơ học lên cấp 3, rồi vào đại học để trở thành bác sỹ, chữa bệnh cho bà con dân bản. Mái thông minh, ham cái chữ.
Mùa xuân, em hồn nhiên theo đám bạn xuống núi chơi ném còn. Người con trai Lỳ Bá Cha ở bản Huồi Đun (giờ là chồng Mái) hơn Mái 1 tuổi, họ gặp nhau và thành cặp chơi. Chơi mệt, Mái muốn về, Cha không cho, cầm tay giữ Mái lại đến tận tối.
Từ đó, ngày nào cũng vậy, hễ Mái đi đâu là Cha cũng đi theo. Mái lên nương, Cha lên nương. Mái đến trường, Cha ngồi ngoài cổng chờ đợi. Trên đường theo Mái về nhà, Cha cầm tay lôi tuồn tuột, bảo “về nhà Cha làm vợ!”.
Ép mãi không xong, Cha rủ thêm ba người bạn giúp sức cướp vợ. Vào một đêm mưa, thừa cơ Mái đi xuống bếp lấy củi, Cha lao tới nhét giẻ vào miệng Mái, trùm bì rồi vác Mái ra xe. Mặc Mái kêu la, Cha phóng thẳng về nhà, nhốt Mái vào buồng. Mái đã là vợ! Mái khóc như mưa. Cuộc sống không tình yêu với Mái quả như cực hình.
Bao đêm Cha lao vào, Mái kiên quyết nói lời “không thể”. Khùng lên, Cha đánh Mái tả tơi. Nằm bên người con trai mình không yêu, lệ đắng xót xa trong đôi mắt Mái cứ tuôn trào.
Bao lần Mái định ăn lá ngón tự tử, nhưng thương mẹ cha già, Mái không đành. Em định bỏ đi. Đi đâu? Mẹ cha già còn đấy, em còn quá nhỏ để có thể tự bươn chải giữa cuộc đời này.
Trong giấc chiêm bao, em mơ được cùng đám bạn hồn nhiên chạy nhảy trên những sườn đồi tới lớp. Em mơ một tình yêu đẹp, sáng trong và tinh khôi. Đêm đêm trong “căn nhà không tình yêu”, không tiếng cười, không một lời trò chuyện, chỉ có tiếng cô gái nhỏ khóc than. An phận!
Khi chúng tôi đến, Lầu Y Lầu đang nằm vật vã trên chiếc chõng tre nơi gian bếp, đôi mắt đăm đăm hướng ra mảng đồi trống và xác xơ phía trước. Em năm nay 12 tuổi. Với bà con bản Huồi Ức, giờ đây không còn tiếng gà rừng, mà là tiếng thét, tiếng khóc nỉ non của Lầu đã trở thành âm thanh quen thuộc giữa canh khuya.
Cả tháng nay, những cơn ác mộng đêm đêm cứ ám ảnh em. Bố câm, mẹ điếc, từ nhỏ em đã phải đi làm thuê, ăn nhờ ở đậu cho một nhà giàu trong vùng. Rồi một người đàn ông ở bản bên 66 tuổi, vợ đã mất “để mắt” tới em.
“Thương cảm” cho hoàn cảnh cô gái nhỏ khó khăn, ông mạnh dạn đưa lễ đến hỏi em làm…vợ! Hoảng sợ trước ông già hơn cả tuổi bố mình, Lầu bỏ trốn về nhà mẹ đẻ. “Tán tỉnh” mãi không xong, ông già cùng cậu con trai lên kế hoạch chuẩn bị đi… cướp Lầu.
Một chiều mưa lúc Lầu lên nương, cụ ông tức tốc phóng xe Win chở cậu con trai đuổi theo. Hoảng sợ, Lầu bỏ chạy thục mạng men theo những sườn đồi rồi ngã ngất đi. Khi tỉnh dậy, Lầu thấy mình đang nằm trong gian buồng xa lạ, cạnh bên “cụ chồng” đang ngáy như sấm.
Trong căn buồng tối tăm, cô “vợ” trẻ bị giam hãm suốt ba ngày ba đêm. Hết đường thoát thân, đến nước này, em đành buông xuôi phó mặc cho số phận. Hôm ông thầy cúng bắt một con gà trống “ làm vía” (cầu cho mọi sự tốt lành), Lầu ngất lên ngã xuống, vật vã giữa đường kêu van.
“Cụ chồng” già suốt ngày nốc rượu như nước lã, giày vò, hành hạ em. Tuổi tác chênh vênh, em còn quá non nớt để có thể hiểu được thế nào là một cuộc sống gia đình. Còn đâu cô bé hồn nhiên, trong sáng ngày xưa. Tâm hồn em giờ xù xì, hóa đá. Cả tháng nay, đêm nào em cũng khóc. Khổ thân ông bố Lầu Sìa Cô ở bản Sa Lài thương con, lặn lội xuống thăm con gái nhưng bị câm chẳng nói được gì. Cha con chỉ biết nhìn nhau khóc.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Loan, chủ nhiệm lớp 7B trường THCS Huồi Tụ 1 dẫn chúng tôi tới thăm em Vừ Y Bản (13 tuổi) ở bản Huồi Khe. Là học sinh cũ của cô Loan, Vừ Y Bản hiền lành, xinh xắn, là niềm hy vọng trong phong trào học tập của trường.
Vào độ mùa xuân, nghỉ 15 ngày ăn Tết, cô giáo Loan chẳng còn thấy Bản đến lớp. Hỏi ra mới hay, Bản đã bị “cướp” về làm vợ! Người con trai ở bản Na Ny, hơn Bản 1 tuổi, nhân dịp Tết đã dẫn theo gần chục người bạn “bao vây” khu ném còn. Mặc Bản vật vã, kêu la, cả chục thanh niên vác Bản lên xe, gầm rú gây đại náo cả núi rừng như muốn “khoe” chiến tích cướp được vợ!
Việc học dở dang, em buộc phải làm vợ, rồi làm mẹ ở cái tuổi mà lẽ ra đang còn chạy nhảy để ở nhà làm rẫy. Anh chồng trẻ con cũng còn đang tuổi chơi nên chẳng thiết tha gì với cuộc sống gia đình, nửa đêm say rượu về gọi vợ dậy “đấm vài cái cho vui!”.
Lấy nhau chưa đầy năm, hôn nhân tan vỡ. Hôm bồng đứa con mới 2 tuần tuổi về nhà mẹ đẻ, ánh mắt em thanh thản. Bản chịu tiếng đã là một đời chồng. Em được tự do, nhưng vết nhơ trong tâm hồn em sẽ mãi không bao giờ phai được!
Các cơ quan đoàn thể ở đâu?
Không xuất phát từ tình yêu, những cuộc hôn nhân kiểu “cướp” hầu hết đều rơi vào bi kịch. Gượng ép, tuổi trẻ non nớt, chưa ý thức, chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình, tất cả những cuộc chung chăn vội vã đều tan vỡ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh người dưới xuôi lên đây công tác đã 10 năm cho biết, trong vòng mấy năm trở lại đây, các thầy cô có thể kể ra vài chục vụ bắt vợ, mà chủ yếu là các em học sinh cấp 2. Người con trai thường dụ các cô gái ra ngoài, thừa lúc ra đồng hay đi lấy củi là bắt, cô gái có kêu cứu, khóc lóc cũng chẳng ăn thua.
“Nhiều em thương lắm. Đang tuổi hồn nhiên, tuổi ăn tuổi học, bỗng đùng một cái bị bắt về làm vợ. Hụt hẫng, khổ đau, nhiều em tuyệt vọng tính tìm đến cái chết. Nhiều em gặp thầy ngoài đường cúi mặt chẳng dám nhìn. Thầy hỏi “Có hạnh phúc không em?”. Không trả lời! Khóc”- Thầy Minh nói.
Chúng tôi đã tìm gặp ông Chủ tịch xã Huồi Tụ, Vừ Bá Dìa. Ông Dìa “hồn nhiên”: “Có gì đâu mà lạ, tục lệ của đồng bào miền rẻo cao ấy mà. Đằng nào chẳng lấy chồng, giờ người ta đến “cướp” về nhà cho luôn, chẳng mất công tìm hiểu, thế chẳng khỏe hơn à!?”.
Không tìm được câu trả lời từ ông chủ tịch xã, chúng tôi lên huyện gõ cửa Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn. Phó Chủ tịch Hội, chị Vũ Thị Huyền thừa nhận rằng ở Kỳ Sơn tục bắt vợ vẫn còn.
Nhưng khi chúng tôi nêu ra thực trạng “cướp vợ” đang nhức nhối ở Huồi Tụ, chị Vũ Thị Huyền tỏ ra “sửng sốt”: “Giờ các anh nói thì chúng tôi mới biết đấy, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu thực tế ngay, không thể để xảy ra tình trạng đó được.
Các anh thông cảm, cũng không thể… trách chúng tôi được, địa bàn giữa các bản ở Kỳ Sơn quá xa nhau, điện cũng như thông tin liên lạc lại chưa có nên việc tuyên truyền còn hạn chế. Khi Hội đi xuống các bản nắm thực tế thì Hội phụ nữ xã bảo không có, vậy nên chúng tôi yên tâm thôi!”.
Rời Kỳ Sơn, hình ảnh những cô bé thơ dại bồng bế con trên tay đứng ở bậc cầu thang cứ ám ảnh chúng tôi trên đường về…