Cô dâu... tuổi 19

Cô dâu... tuổi 19
Những “cô dâu tuổi 19” trong bài viết này, không vi phạm luật hôn nhân, bởi vì họ đã đủ tuổi kết hôn, song nhìn vào năm sinh: 1988, 1987… mới thấy giật mình vì các em hãy còn rất trẻ.

Ở các trường ĐH, CĐ hiện nay, hiện tượng “giữa đường đứt gánh” không còn lạ lùng, hay gây tò mò, chú ý với các bạn học sinh, thầy cô giáo nữa, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do “ăn cơm trước kẻng”, đằng nào cũng cưới thì cưới… quách cho xong chuyện, đẻ con rồi lại tiếp tục đi học.

Nhưng cũng có một số trường hợp là do… bói toán, hai bên gia đình nếu khăng khăng năm này mới hợp thì cô dâu dù có đang là sinh viên năm thứ nhất, cũng lôi về quê cưới cho bằng được.

Bạn bè cùng phòng kí túc xá với L.H (Sinh viên ĐHQG) thi thoảng lại tủm tỉm cười, vì cô bạn cùng phòng yêu trúng anh đã đứng tuổi, cưới, vẫn ở kí túc xá, sống cuộc sống sinh viên, cuối tuần thì về… quê cùng chồng, hoặc chồng lên Hà Nội, tất nhiên là phải ra… nhà nghỉ.

H học năm thứ 3 nên thi thoảng vài anh chàng sinh viên không biết chuyện, vẫn đến.. tán tỉnh.

Trường hợp khác, cả hai đều sinh 1987, hai gia đình đều giàu có, với ý định cho cả hai đứa đi du học, nên… bảo chúng nó cưới đi cho đỡ rách việc, cho tiện đôi đường!

Đang đi học, mà đã bước vào cuộc sống hôn nhân, không biết các em sẽ học hành, phấn đấu, nghe giảng… kiểu gì?

Đám cưới quê

Độ tuổi tôi, về quê, bây giờ thấy mình lạc hậu, cảm thấy già, và nguy cơ “ế ẩm” rõ ràng, bởi vì độ tuổi 1986 đến 1990 lấy chồng… loạn xạ, thi thoảng lại gặp những em mặt non choẹt, mới 19 tuổi, bế bụng bầu lùm lùm trông thật… ngại.

Nhưng ở quê không cưới thì cũng chẳng… biết làm gì? Đằng nào cũng tất bật sớm tối với đồng ruộng, đôi nào yêu nhau được năm, thậm chí vài tháng là… cha mẹ bắt cưới, các cụ vẫn sợ… đêm dài hoá mộng, yêu lâu sinh lắm chuyện, cưới về cho chúng nó chí thú làm ăn!

Và nữa, thanh niên ở quê vẫn hạn chế những kiến thức tối thiểu về sức khoẻ sinh sản, họ không biết, không để ý những biện pháp tránh được những hậu quả không đáng có.

Và vì thế nên không ngoa khi cô bạn tôi kết luận: Ở quê tôi có đến 8 trên 10 đám cưới là… do bế bụng! Tôi cứ cố hình dung, ở độ tuổi ấy, không biết các em sẽ làm vợ, làm mẹ, sẽ chăm sóc gia đình như thế nào đây?

Lời ru buồn

Những tưởng nông thôn quê mùa, lam lũ, ít học hành, không có việc gì ngoài đồng ruộng thì phải cưới cho xong, nhưng thành phố bây giờ cũng rất nhiều những đám cưới của những “cô dâu nhỏ xinh”.

Như với K.Oanh (1986) chẳng hạn, cô đi học nấu ăn, gặp anh trưởng bếp sinh 1973 chưa vợ, nhà cửa đàng hoàng, cô liền mau chóng cưới xin, để thuận lợi hơn trong nghề.

Hay L.Hoàn thì cưới ngay một cô con ông giám đốc dù anh đang học (Hoàn sinh 1985), vì cơ hội ở lại Hà Nội, và việc làm ngay khi ra trường.

Còn gia đình nhà bà Linh thì hơn cả thực tế, đó là… thực dụng, cưới cô gái quê (làm thuê cho nhà bà) cho cậu con mắc nghiện, suốt ngày bỏ đi lang thang, bà nghĩ thế này sẽ khiến con mình… tu tỉnh?

Hay N.Hà, em chấp nhận cưới một anh chồng em không hề yêu chỉ vì “Nhà anh ấy đầy đủ, về đó em không phải lo gì nữa, với lại anh sắp đi nước ngoài làm ăn, em cũng được đi cùng, em muốn ra nước ngoài từ lâu rồi!”...

Hôn nhân với những bạn trẻ này chỉ là sự… đổi chác, chỉ là cơ hội thoả mãn những mục đích riêng.

Những đám cưới này, xét về góc độ pháp luật thì không có gì sai phạm, nhưng dù sao vẫn thấy… buồn! Tuổi 1986-1988 vẫn còn non nớt, ngây thơ, hãy còn “trái xanh”, “ép chín” sớm vậy, chắc khó “cơm ngon canh ngọt” trong cuộc sống hôn nhân được.

Theo PL&XH

MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.