>> WWF Việt Nam không được tham vấn
Cá tra Việt Nam được nhiều người thu nhập thấp, trung bình châu Âu ưa chuộng . Ảnh: Hoàng Vũ |
Đến nay, cả nước có 20 doanh nghiệp với gần 40 vùng nuôi được cấp chuẩn Global GAP - chuỗi sản xuất khép kín tiêu chuẩn toàn cầu, từ khâu nuôi, thức ăn, chế biến đến bảo vệ môi trường. Hàng chục doanh nghiệp khác sắp được chứng nhận tương tự.
Ngày 7-12, VASEP họp báo, phản đối việc đưa cá tra vào danh mục đỏ của một số tổ chức Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại châu Âu, coi đó là việc làm thiếu căn cứ, bôi nhọ cá tra của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết, 6 thành viên của WWF ở châu Âu (Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) phát hành cuốn cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản, trong đó đưa cá tra của Việt Nam vào danh mục đỏ.
Để có kết quả trên, tổ chức WWF của 6 nước đã liên hệ với nhau, thuê một Cty tư vấn độc lập tiến hành đánh giá thực địa. Họ dựa trên bộ tiêu chí mới gồm 19 tiêu chí của WWF về phát triển bền vững, để xếp loại trên 100 loài thủy sản và nhiều loài khác vào danh mục đỏ.
Theo ông Dũng, đến nay, 19 tiêu chí mà WWF đưa ra cụ thể là gì, các chỉ tiêu đánh giá định lượng ra sao, WWF không hề công bố. Riêng với Cty thực hiện đánh giá thực địa, theo nguồn tin ông Dũng đã kiểm tra, họ chưa đến Việt Nam mà chỉ dựa vào tự thu thập (trong đó có thông tin bôi bác về nuôi trồng cá tra của Việt Nam) để đánh giá.
“Các thành viên của WWF hoạt động đều tuân theo mục tiêu chủ trương, hành động của tổ chức mình. Tuy nhiên, tôi e rằng, trong quá trình hoạt động, tổ chức này có quá nhiều sức ép khác nhau”, ông Dũng nói.
Vị đại diện của VASEP cũng lưu ý, cá tra là loại cá nước ngọt quan trọng, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giá rẻ. Sản lượng cá tra nuôi hằng năm của Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn (trong khi thế giới cả nuôi và đánh bắt chỉ 100.000 tấn), cấp 95% cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới.
10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu gần 540.000 tấn sang 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD. “Trong suốt thời gian qua, vùng sông Tiền, sông Hậu chưa phát hiện ra nước xả thải của vùng nuôi, hay nhà máy chế biến cá tra ra sông gây tác hại cho môi trường”- ông Dũng khẳng định.
Riêng tại thị trường EU, nhiều gia đình thu nhập trung bình và thấp rất ưa chuộng cá tra Việt Nam vì ngon, chất lượng tốt, giá phải chăng. Năm 2008, EU nhập khẩu, tiêu thụ trên 224.300 tấn sản phẩm cá tra, giá trị trên 580 triệu USD, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, thị trường này tiêu thụ trên 180.000 tấn, trị giá trên 420 triệu USD, chiếm gần 37%.
“Như vậy, nếu WWF hay ai đó có tác động làm mất uy tín tiêu dùng của cá tra, tức là đánh vào dạ dày những người thu nhập thấp và trung bình, trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang gặp nhiều khó khăn”- ông Dũng nói.
Một lãnh đạo VASEP cho hay: “Việc làm trên của WWF có thể ảnh hưởng nhất định đối với thị trường cá tra Việt Nam nhưng, hình ảnh thật thì không thể bị bóp méo. Những việc làm thực tế của chúng ta là cơ sở vững chắc nhất. Chúng ta đang thiếu cá tra cả ở cả trong nhà máy lẫn trên thị trường. Trữ lượng tồn của cá tra tại Việt Nam và trên thị trường rất ít. Hiện nhu cầu của thị trường còn rất lớn”.
Trước những thông tin thiếu khách quan trên, đại diện VASEP yêu cầu WWF xem xét lại đánh giá của mình, đồng thời phải công khai bộ tiêu chí và những chỉ tiêu đánh giá.
Đại diện VASEP nói: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi thông tin và mời đại diện các tổ chức WWF và các chuyên gia của các tổ chức khác đến Việt Nam để tiếp cận với thực tế, để đánh giá đúng đắn hơn”.
Tôm, cá rô phi cũng lọt vào danh mục đỏ Về việc WWF cùng lúc đưa tôm và cá rô phi vào danh mục đỏ, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Diện tích nuôi tôm của Việt Nam đạt khoảng 600.000 ha. Nghề nuôi tôm ở ta nuôi rất đa dạng, nhiều hình thức khác nhau... Theo các chuyên gia ngành thủy sản, dù WWF nói gì thì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng tại châu Âu. |