Yêu cầu rõ ràng để khai thác chung biển Đông

Yêu cầu rõ ràng để khai thác chung biển Đông
TPO- Tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về biển Đông, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, yêu sách "Đường chín đoạn" của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý.
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về biển Đông diễn ra từ ngày 11 đến 12/11 tại Hà Nội
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về biển Đông diễn ra từ ngày 11 đến 12/11 tại Hà Nội.

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về biển Đông mang tên "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”, đã bế mạc vào ngày 12/11 tại Hà Nội.

Tại hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý, nhưng các nước khác liên quan cũng cần làm rõ đòi hỏi chủ quyền của mình phù hợp luật pháp quốc tế làm cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung.

Với gần 40 tham luận và gần 100 ý kiến thảo luận, các học giả tham dự hội thảo nhất trí rằng, hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các bên liên quan và của cộng đồng quốc tế nói chung.

Một biển Đông bất ổn không những sẽ gây khó khăn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ảnh hưởng quan hệ ASEAN-Trung Quốc, mà còn làm phức tạp thêm quan hệ giữa các nước lớn. Đây là điều không nước nào muốn, dù là nước nhỏ hay nước lớn. Chính vì vậy, tất cả các bên liên quan có lợi ích chung trong việc kiểm soát và làm giảm nhiệt tranh chấp ở biển Đông.

Các học giả khẳng định, biển Đông không chỉ thuần túy là vấn đề tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền, mà còn liên quan các vấn đề rộng lớn hơn, đó là những chuẩn mực, nguyên tắc của quan hệ quốc tế và sự vận hành của hệ thống luật pháp quốc tế.

Những nguyên tắc, chuẩn mực mà các bên áp dụng trong việc giải quyết vấn đề biển Đông có mối liên hệ mật thiết và có tác động tới việc giải quyết tranh chấp ở các khu vực khác trên thế giới. Đây là một lý do để các bên liên quan tranh chấp biển Đông càng phải ứng xử một cách thận trọng và có tinh thần trách nhiệm cao.

Các học giả bày tỏ mong muốn luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là cơ sở để các bên xây dựng lòng tin, làm rõ yêu cầu, phân định, thu hẹp yêu sách vùng biển chồng lấn và thúc đẩy biện pháp hợp tác ở biển Đông.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu sâu hơn về các khía cạnh pháp lý của vấn đề biển Đông, gia tăng sự quan tâm nghiên cứu các tập quán và án lệ trên thế giới để rút ra bài học áp dụng vào tranh chấp biển Đông. Đây là một xu hướng rất đáng được hoan nghênh.

Các học giả cho rằng, nếu các bên liên quan có thiện chí hợp tác và nghiêm túc tôn trọng các chuẩn mực, nguyên tắc hợp tác của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có khả năng tìm kiếm giải pháp hợp tác cho vấn đề biển Đông. Đã có rất nhiều các mô hình hợp tác song phương và đa phương thành công ngay tại khu vực Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới có thể áp dụng cho biển Đông.

ASEAN đoàn kết có lợi cho tình hình biển Đông

Các học giả cho rằng, ASEAN sẽ đóng một vai trò to lớn hơn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để các bên liên quan đối thoại, xây dựng lòng tin, kiểm soát tranh chấp và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề biển Đông. Một ASEAN đoàn kết và có tiếng nói chung sẽ đóng góp tích cực cho tình hình biển Đông. Vì vậy, các bên liên quan, nhất là các nước lớn, có lợi ích chung trong việc giúp ASEAN củng cố đoàn kết và thống nhất.

Về triển vọng đàm phán và ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), các học giả cho rằng ASEAN và Trung Quốc nên tích cực tham vấn, đàm phán để đi kết ký kết văn kiện có giá trị ràng buộc.

COC cần có những quy định rõ ràng theo các lĩnh vực và các bên có lợi ích liên quan, nhằm điều chỉnh hành vi trong các khu vực biển chồng lấn, đồng thời có cơ chế rà soát và báo cáo để giám sát quá trình thực hiện của các bên.

Song song quá trình đàm phán tiến tới COC, các học giả đề xuất nhiều biện pháp hợp tác nghề cá, thành lập một công viên biển hòa bình, tiến hành nghiên cứu khoa học chung, khảo sát điều kiện địa lý tại các đảo..., trong khi chờ một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp và biện pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở biển Đông.

Theo Viết
MỚI - NÓNG