Nhấn mạnh đến nguy cơ nợ đọng văn bản cao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có đến 30 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nghĩa là phải ban hành trước ngày 15/11/2020 nhưng đến nay chưa được ban hành (đã trình 7 văn bản, chưa trình 23 văn bản), thuộc trách nhiệm của các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường.
Khẳng định, Chính phủ khóa này đề cao nhiệm vụ xây dựng thể chế, ông Dũng cho rằng nếu để tỷ lệ văn bản nợ đọng cao hơn các khóa trước sẽ “không ổn”, ảnh hưởng đến thành tích chung của Chính phủ. Vì vậy, phải giải quyết nhanh các văn bản nợ đọng.
Lý giải về việc nợ đọng văn bản, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng (Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Tư pháp - Bộ Công an) giải thích với văn bản nợ đọng có tính chất nhạy cảm đã trình và đang chờ ý kiến từ Chính phủ. Còn nghị định liên quan đến công an xã chính quy thì chờ Bộ Nội vụ trả lời sẽ trình lên, khi đó Bộ sẽ không còn nợ văn bản nào nữa.
“Hiện 100% công an xã chính quy nhưng vướng về quy định chế độ chính sách cho lực lượng này, và vướng cả về chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng điều tra. Công an xã trước đây là bán chuyên trách, còn bây giờ công an chính quy khác, cần sớm điều chỉnh theo hướng công an chính quy phải có chức năng điều tra”, ông Hùng nói và mong sớm có nghị định để thực hiện.
Giải thích thêm việc này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (VPCP) Đinh Dũng Sỹ cho biết khi sửa Luật Công an nhân dân với chủ trương đưa công an chính quy về xã thì Bộ Công an phải đánh giá tác động có tăng biên chế hay không?
Đại diện cho Bộ Nội vụ, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu vướng mắc nếu đưa công an chính quy về xã sẽ dôi dư với người đang đảm nhiệm chức danh Trưởng công an xã là công chức xã. Theo ông Tuấn, các địa phương đang rất vướng trong bố trí những người dôi dư này vì số lượng không phải ít, cả nước gần 11.000 công chức đảm nhiệm chức vụ trưởng công an xã”, ông Tuấn nói và cho biết Bộ Nội vụ đang phải tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là lấy ý kiến của địa phương.
Nói thêm về việc giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng “đổi mới mà không vướng mắc thì không gọi là đổi mới”, nên chúng a chấp nhận xử lý. Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị đại diện Bộ Công an về báo cáo Bộ trưởng, xem xét những việc thực hiện được thì phải làm bằng được trong năm 2020.
“Không để nợ sang Chính phủ khóa mới vì rất mang tiếng. Cái nào tính toán, cân đối khả năng không làm được thì mạnh dạn báo cáo Bộ trưởng xin rút”, ông Dũng yêu cầu.