Chính phủ - báo chí: Tương tác & hiệu quả

Phóng viên tác nghiệp tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ
Phóng viên tác nghiệp tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ
TP - Không chỉ lắng nghe, kịp thời giải đáp, giải quyết những vấn đề “nóng bỏng”, bức xúc dư luận đặt ra, Văn phòng Chính phủ còn chủ động mời các cơ quan báo chí tham dự đưa tin về các cuộc kiểm tra của Tổ công tác Thủ tướng đối với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Lắng nghe, tiếp thu và xử lý

“Hôm nay chúng tôi tiếp thu ý kiến của các cơ quan báo chí và sẽ báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại các dịch vụ như karaoke, vũ trường vì chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh”, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) trả lời như vậy tại cuộc họp báo Thường kỳ Chính phủ mới đây (ngày 2/6) về một số loại hình dịch vụ vẫn đang phải thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19.

Một tuần sau, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, từ các ý kiến đề xuất của các cơ quan chức năng, trong đó có VPCP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường, karaoke và cho các chuyên gia, nhà đầu tư “nhập nội”, kể cả công nhân lành nghề, để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam.

Chính phủ - báo chí: Tương tác & hiệu quả ảnh 1 Chính phủ họp phiên thường kỳ

Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho thấy vai trò, tác động của báo chí đối với hoạt động điều hành của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Theo ông Mai Tiến Dũng, trong suốt thời gian qua, VPCP luôn xác định báo chí là một lực lượng cách mạng quan trọng, là phương tiện thông tin, tuyên truyền hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Báo chí cũng phản ánh sinh động thực tiễn đời sống; là cầu nối quan trọng giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Dũng cho hay, qua thông tin báo chí, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng kịp thời nắm bắt vấn đề dư luận đang quan tâm, bức xúc trong xã hội để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết, góp phần củng cố niềm tin xã hội, tạo đồng thuận. Điển hình như vụ việc “cafe xin chào” hay vụ nhân viên sân bay bị đánh xảy ra đầu nhiệm kỳ.

“Có người nói đây là những vụ nhỏ như “cái móng tay” mà Thủ tướng cũng chỉ đạo. Nhưng nếu đó là người nhà anh thì việc nhỏ hay to? Không thể phát ngôn như thế, người dân không thể chấp nhận”, ông Dũng kể lại.

Theo ông Dũng, quan điểm của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính, kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che.

Nghe phản ánh của báo chí lúc nửa đêm

Đại dịch COVID-19 gây ra những xáo trộn chưa từng có tiền lệ đối với sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Khi đó, ngoài cuộc họp hàng ngày của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thì Thường trực Chính phủ cũng thực hiện họp 2 lần/ tuần.

“Tổ công tác của Thủ tướng khi kiểm tra các bộ ngành, địa phương luôn mời rất nhiều các cơ quan báo chí. Tinh thần là không ngại va chạm, thẳng thắn, công tâm, khách quan và công khai, minh bạch, và qua báo chí thì tính công khai, minh bạch càng được thể hiện rõ nét. Tôi cho rằng trong bối cảnh thời đại hiện nay, việc phát huy vai trò tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam càng trở nên quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.              

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Đặc biệt, ngày 31/3, sau cuộc họp Thường trực Chính phủ một ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức ban hành Chỉ thị 16 với quy định, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.

Quyết định trên đã tác động rất lớn đến hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì giải pháp chưa từng có tiền lệ nên đã dẫn đến cách hiểu khác nhau trong việc thực hiện Chỉ thị 16 kể cả các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Một số nơi, người dân lo sợ bị cấm đi lại, khan hiếm hàng hóa nên đã đổ xô đi mua sắm, tích trữ. Bên cạnh đó, nhiều nơi hiểu không đúng chỉ thị nên có tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, đắp đất, rào đường hạn chế người dân và phương tiện đi lại.

Trong thời điểm đó, ông Mai Tiến Dũng kể “điện thoại cứ nóng ran”. Thậm chí có phóng viên 1-2 giờ đêm còn gọi ông để phản ánh cách thực hiện chưa đúng của một số địa phương. Có phóng viên, chỉ trong nửa ngày gọi đến 3 - 4 lần, lúc thì phản ánh tình trạng người dân đổ xô đi găm hàng hóa vì lo sợ cửa hàng bị đóng cửa; lúc thì phản ánh tình trạng địa phương đổ đất, chặn khối bê tông ngăn người và phương tiện đi lại; có địa phương thì không cho người tỉnh khác về…

“Tất cả các phóng viên gọi đến tôi đều trả lời, giải thích và tiếp thu. Những vấn đề gì mà địa phương làm chưa đúng thì VPCP sẽ chỉ đạo các địa phương để rút kinh nghiệm, dừng ngay việc “ngăn sông cấm chợ””, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, trong thành công bước đầu của Việt Nam về công tác phòng chống dịch COVID - 19, có sự đóng góp to lớn và hiệu quả của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, kịp thời về các diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Sự tham gia tích cực của báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.

“Bắn trúng đích - đi đúng đường”

Với quan điểm, “bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả”, ngay trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV (tháng 8/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) giao. Tổ công tác do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm tổ trưởng.

Để công khai, minh bạch, “không phải cưỡi ngựa xem hoa”, VPCP đã quyết định “mời” một số cơ quan báo chí tham dự cùng, trong đó có báo Tiền Phong. Trước mỗi cuộc kiểm tra, VPCP cũng tổng hợp các thông tin về những vấn đề, vụ việc được báo chí thông tin phản ánh trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành để biểu dương hoặc góp ý.

Tuy nhiên, khi đi làm việc không phải bộ, ngành nào cũng cũng “vui vẻ” trước sự có mặt của các cơ quan truyền thông. Có cơ quan còn phản ứng, bởi đôi khi những thông tin được đưa ra trong cuộc làm việc chưa được công khai, minh bạch.

“Đây là điều chưa có tiền lệ nên rất nhiều bộ trưởng nói, sao có nhiều báo chí thế? Tôi nói tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, mà minh bạch là phải có cơ quan báo chí, chứ kiểm tra mà đóng cửa bảo nhau thì còn gọi gì là kiểm tra. Mình đi kiểm tra thì cứ minh bạch, nếu tốt nói là tốt, chưa được thì nói chưa được, còn khiếm khuyết thì phải thẳng thắn nhìn nhận”, ông Dũng kể.

Với sự tham gia của các cơ quan báo chí hoạt động kiểm tra đã được phản ánh một cách toàn diện cả những mặt làm được và chưa làm được, qua đó giúp Chính phủ kịp thời có những giải pháp để chấn chỉnh.

Đơn cử, như trong cuộc họp của Tổ công tác với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, thông tin ngành đường sắt có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc do chính sách bất cập chưa được giao vốn bảo trì đã khiến cho dư luận ngỡ ngàng.

Ngay sau đó, các cơ quan báo chí đã có hàng loạt các bài viết phân tích những bất cập về tình trạng trên. Sau đó Chính phủ đã có các cuộc họp với các bộ, ban ngành để giải quyết thấu đáo, tránh được tình trạng đường sắt phải dừng hoạt động chạy tàu.

MỚI - NÓNG