Yên Tử tìm về cõi an nhiên

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng trên núi Yên Tử.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng trên núi Yên Tử.
TP - Nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh) nằm trong quần thể 10 ngôi chùa nổi tiếng của danh thắng Yên Tử, đứng sừng sững, hiên ngang giữa trời đất trời vùng Đông Bắc. Nơi đây được coi là đỉnh cao của sự giác ngộ thiền tu, nơi hàng triệu trái tim phật tử hướng về chính đạo.

Cái nôi của Phật giáo Việt Nam

Từ trung tâm TP Uông Bí (Quảng Ninh), đi về phía tây chừng 20km là rừng Quốc gia Yên Tử. Nơi đây không chỉ thuần túy mang giá trị về thiên nhiên mà còn chứa đựng trong nó một kho tàng giá trị văn hóa mang tên Yên Tử. Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn nơi đây quy ẩn thiền tu và phát quang Phật pháp, phổ độ cho chúng sinh.

Cứ mỗi độ xuân về, Yên Tử như được khoác lên mình một tấm áo đủ màu sắc, từ xã Thượng Yên Công đi vào, hai ven đường là một màu xanh bạt ngàn hoa màu của người dân gieo cấy. Sâu thêm tí nữa là những vườn mai vàng Yên Tử khoe sắc thắm được Ban quản lý Yên Tử và Cty CPPT Tùng Lâm nhân giống giữ gìn nguồn gen quý hiếm. Xen lẫn trong sương mờ, những vệt trắng chạy dài của hoa mơ tô điểm thêm khí sắc núi rừng nơi đây.

Hàng năm, cứ đúng ngày 10 tháng Giêng âm lịch, Yên Tử khai hội. Hàng triệu phật tử, du khách từ mọi miền đất nước đổ về đây lễ Phật. Lễ hội xuân Yên Tử còn được xếp vào hạng dài nhất về thời gian (kéo dài suốt 3 tháng). Từ ngày khai hội đến hết mùa, Yên Tử luôn “chật cứng” người đến tham quan, vãn cảnh, cầu an.

Không chỉ mang trong mình ý nghĩa nhân văn về phật pháp, Yên Tử còn sở hữu những cảnh đẹp mê đắm lòng người, một không gian tĩnh lặng, trầm mặc và đậm nét rêu phong. Chứng tích của một thời huy hoàng là 10 ngôi chùa nằm suốt dọc đường đi từ chùa Trình nằm trên Quốc lộ 18 đến chùa Đồng ngự trên đỉnh non thiêng Yên Tử.

Nói đến Yên Tử, ít người biết đến những ngôi chùa suốt dọc đường đi như chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực...cũng nằm trong quần thể danh thắng, những ngôi chùa này đều mang theo mình câu chuyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi đặt chân đến Yên Tử khai phá, lập nên một Yên Tử lừng danh như ngày nay.

Hơn 700 năm trước sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên – Mông, Đức Vua Trần Nhân Tông đã quyết từ bỏ ngai vàng, từ bỏ cuộc sống chốn cung đình về Yên Tử tu hành. Quyết định của Ngài gặp phải sự phản đối của nhiều quan lại cũng như hoàng tộc. Nhưng ý Ngài đã quyết, việc tu hành luôn là lựa chọn tối cao trong tâm khảm của người con nguyện hiến dâng cho đức Phật.

Sau một thời gian tu hành, Ngài đã thống nhất các dòng thiền, lập nên thiền phái Trúc Lâm – dòng Thiền mang đậm bản sắc và văn hóa Việt. Cho đến hiện nay, Thiền Viện Trúc Lâm vẫn chứa đựng cả một kho tàng về phật pháp, những triết lý về đời, về đạo pháp của Phật hoàng vẫn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

Thiền phái Trúc Lâm quan niệm tâm Phật trong tâm của mỗi người. Làm người ai cũng có tâm Phật. Từ bậc thiện tri thức đến hạng phàm phu đều có tâm Phật. Vì người ta quên Phật tính trong mình nên mới “cầu tìm ở bên ngoài”. Tâm Phật thường bị cái vô minh che lấp. Chỉ cần tâm tĩnh lặng và soi sáng lại chính mình thì thấy được “Bụt chính là ta”. Vì quên mất gốc là chính mình nên mới đi tìm ở ngoài. Đến khi tỉnh ngộ, “lặng lòng mà nhận biết” mới thấy Phật ở ngay nơi tâm mình mà chẳng nhận ra.

Yên Tử tìm về cõi an nhiên ảnh 1 Chùa Đồng, nằm ở độ cao 1.068m, là đỉnh thiêng của Yên Tử.

Chính vì đều đó, không chỉ đến mùa lễ hội, Yên Tử mới đón nhiều du khách thập phương đến lễ bái. Vào những ngày thường, Yên Tử vẫn thu hút hàng nghìn người mỗi ngày. Đỉnh cao của lòng kiên trì và sự giác ngộ là khi được đặt chân lên đến chùa Đồng, ngôi chùa nằm ở ngọn núi cao nhất trong dãy núi Yên Tử. Nơi trời và đất giao hòa làm một, nơi con người ta gột rửa hết mọi “sân, si, ái, ố, hỉ, nộ” để có được cảm giác gần với chính đạo hơn.

Đất Phật linh thiêng

Không phải vì Yên Tử nổi tiếng, không phải Yên Tử được mệnh danh là cái nôi của phật giáo Việt Nam, cũng không phải vì Yên Tử đẹp mê đắm lòng người mà hàng năm có hàng triệu phật tử, du khách thập phương tìm đến. Yên Tử có một sức hút kỳ lạ, mỗi lần đến là thêm một cảm giác khó tả. Người thì nhẹ nhõm trong lòng, người thì vui vẻ, tạm quên đi cuộc sống đời thực, người thì tự tìm cho mình những niềm vui trong tinh thần.

Không chỉ giới trẻ mới háo hức đến Yên Tử để chinh phục hàng nghìn bậc đá cheo leo, được đứng trên đỉnh thiêng Yên Tử ngắm nhìn trời đất mênh mông. Những cụ già 80 vẫn một lòng về với Yên Tử, họ về với Yên Tử không để cầu xin sức khỏe cho mình, không cầu danh lợi cho bản thân mà chỉ muốn tỏ lòng thành kính, cầu cho quốc thái dân an, con cháu được an bình.

Trước đây, khi về Yên Tử, để lên được chùa Đồng người ta phải đi bộ mất nửa ngày. Với những bậc đá dựng đứng nối nhau chạy vòng vèo quanh sườn núi. Khi đi phải mang theo cơm nắm, nước uống và những vật dụng cần thiết để đáp ứng cho cuộc hành trình vất vả. Nhưng ngày nay, với hai tuyến cáp treo hiện đại, mỗi ngày có thể vận chuyển hàng chục nghìn người lên xuống, rút ngắn được thời gian di chuyển.

Yên Tử tìm về cõi an nhiên ảnh 2 Dòng người đổ về Yên Tử trong sương sớm.

Nhưng không phải vì thế mà mọi người đều chọn đi cáp treo. Từng đoàn người vẫn miệt mài bước từng bậc đá để leo bộ lên đến chùa Đồng. Với họ, đi bộ không chỉ là để tỏ lòng thành kính mà còn để rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt, đó là cơ hội để họ tự ngẫm lại mình và trải lòng với khoảng thời gian ngắn ngủi khi trở về Yên Tử.

Những câu chuyện, những huyền tích về Yên Tử vẫn mãi được lưu truyền về một thời binh đao khói lửa, về một thời hoàng kim của đạo pháp Hoàng gia. Chính Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn Yên Tử làm nơi quy y, nhiều sử gia còn cho rằng, Ngài chọn dãy núi Yên Tử để thiền tu cũng chính là chọn một vọng gác để canh giữ miền Đông Bắc, canh giữ cho non sông Đại Việt được vững bền.

Tương truyền rằng, sau khi Ngài quyết từ bỏ ngai vàng để về Yên Tử tu hành, nhiều lần quan lại và Hoàng tộc cử người lên núi thỉnh cầu Ngài thay đổi ý định để quay về làm vua nhưng không thành. Nhiều cung tần, mỹ nữ cũng đã đến đây cầu xin, Trần Nhân Tông đưa ra điều kiện “nếu vứt gậy tre xuống suối mà chiếc gậy trôi theo dòng nước thì ông sẽ quay về, nếu trôi ngược dòng thì ý trời đã định”. Không ngờ chiếc gậy tre vừa rời tay đã ngược dòng nước mà trôi.

Biết là không thể thay đổi được quyết định của ngài và để tỏ lòng trung với vua, họ lần lượt nhảy xuống suối tự vẫn. Trần Nhân Tông lấy lòng thương xót lập đàn giải oan cho linh hồn của họ. Số cung nữ ấy định tự tử hết cả, Ngài đành phải cấp ruộng và nhà bên dưới chân núi, lập thành làng có tên là Năm Mẫu (mẫu ở đây chỉ cung nữ được hoàn trả về với cuộc sống thường ngày). Dòng suối ấy từ câu chuyện trên mà có tên là suối Giải Oan. Suối Giải Oan trở thành ranh giới giữa đời thường và sự nghiệp hành đạo.

Vào mùa này, Yên Tử ẩn hiện trong lớp sương mờ ảo, những ngọn gió lúc nhẹ nhàng vuốt ve lên má những người hành hương, lúc thì réo rắt một sự thử thách cái tâm hướng Phật. Gió cũng nâng bước chân người lên đến đỉnh núi một cách nhẹ nhàng. Đi giữa đại ngàn, những âm thanh trầm bổng du dương như đang trình diễn một bản nhạc thiên nhiên không bao giờ dứt.

Về với Yên Tử là về với chính mình, một không gian như lắng đọng, cô đặc trong sự tĩnh lặng. Cả không gian và thời gian như ngừng lại, sự trang nghiêm nơi đất Phật trong khoảng khắc nào đó đã đẩy lui những ưu tư, phiền muộn đời thường ra khỏi con người bụi bặm của trần ai.

“Yên Tử chính là nơi trở về, nơi rời xa sự náo nhiệt lo toan, nơi tâm hồn thênh thang trong mỗi người. Rừng trúc vẫn còn đó, và những thân đại già nua vẫn nở những bông hoa thơm tinh khiết. Suối Giải Oan vẫn rì rầm lời kinh sám hối như những lời tự tình sâu kín… Nơi thiên nhiên mang lại cho ta những thứ trong lành nhất, nơi đây ta có thể cảm nhận đâu mới là tâm Phật trong chính mình”.

MỚI - NÓNG