Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm nhận định, khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn là tài sản nhà nước. Khi UBND TPHCM đồng ý xây dựng khách sạn tại khu đất này, có nêu rõ phải lựa chọn nhà đầu tư uy tín và không áp dụng hình thức liên doanh. Tuy nhiên khi triển khai, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Ông Nguyễn Thành Tài, với tư cách Phó chủ tịch UBND TPHCM, đã ký nhiều văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn đầu tư dự án với tỉ lệ 30%, giao và cho thuê đất không qua đấu giá. Bà Lê Thị Thanh Thúy - Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm, lợi dụng sự quen biết với những người liên quan để góp vốn, tham gia quản lý, khai thác lô đất 8-12 Lê Duẩn sai quy định.
Ba bị cáo gồm: Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy quận 2) và Trương Văn Út (cựu Trưởng phòng quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM) đã tham mưu cho ông Tài ký quyết định giao đất, khiến tài sản Nhà nước đã bị chuyển nhượng cho tư nhân.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2020, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù, Đào Anh Kiệt 5 năm tù, Nguyễn Hoài Nam 4 năm tù, Trương Văn Út 3 năm tù và Lê Thị Thanh Thúy 5 năm tù cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Sau đó các bị cáo kháng cáo kêu oan và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt.
Trong đó, ông Tài kháng cáo và cho rằng vụ án không xảy ra thiệt hại và xin miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên HĐXX phúc thẩm cho rằng, dù thiệt hại của vụ án đã được khắc phục thì không có nghĩa bị cáo Tài không sai phạm. Mức án 8 năm tù mà bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Tài là đã dưới mức hình phạt, không có căn cứ giảm nhẹ thêm. Từ đó HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bị cáo Tài.
Với bà Thúy, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai nên đã bác kháng cáo của bị cáo Thúy. Đồng thời HĐXX cũng bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo Kiệt và Út. Riêng với bị cáo Nam, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm 1 năm tù vì bị cáo đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục thiệt hại trên 950 triệu đồng.
Về kháng nghị của Viện KSND TPHCM khi cho rằng thiệt hại vụ án là 1.927 tỷ đồng chứ không phải là 252 tỷ đồng như bản án sơ thẩm xác định, bản án phúc thẩm bác kháng nghị này. Cấp phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm xác định thiệt hại của vụ án vào thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là có căn cứ và đúng. Kháng nghị của Viện KSND TPHCM không phù hợp với chứng cứ hồ sơ vụ án theo luật. Ngoài ra, bản án phúc thẩm cũng bác toàn bộ kháng cáo của những người liên quan khác.