Xuyên rừng Yok Đôn

Khách du lịch đi bộ trong rừng.
Khách du lịch đi bộ trong rừng.
TP - Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một hệ sinh thái rừng khộp độc đáo, rộng lớn nhất cả nước cùng với vô số loại động thực vật quý hiếm, Vườn quốc gia Yok Đôn là điểm đến hấp dẫn của những du khách thích phiêu lưu mạo hiểm, khám phá thiên nhiên kỳ thú.

Huyền ảo đêm rừng

Một buổi chiều đầu đông, tiết trời se lạnh, chúng tôi cùng đoàn cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn và nhóm du khách yêu thiên nhiên bắt đầu chuyến lội bộ xuyên qua khu rừng khộp rộng hàng trăm nghìn héc ta, nơi ẩn chứa nhiều điều bí mật về loài voi - loài động vật ăn cỏ lớn nhất hành tinh.

Vượt qua dòng sông Sêrêpốk hiền hòa đang mùa nước lớn trên cây cầu xây kiên cố, chúng tôi chạm cửa rừng đúng lúc mặt trời dần khuất núi, cây cỏ bắt đầu ẩn mình bí hiểm. Trên cao, từng đàn chim chích chòe, bìm bịp, sáo… bay lượn ríu rít gọi nhau về tổ.

Anh Trần Đức Phương - Phó giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn (Trung tâm) cho biết: Thời điểm này cây cối trong rừng đang xanh mơn mởn, rất thích hợp để ngắm hoa, bởi không lâu nữa, cả khu rừng sẽ trụi lá trơ thân đương đầu với nắng hạn mùa khô. Rồi sau mấy tháng chống chọi với cơn khát thường niên, chỉ cần một cơn mưa đầu mùa xuất hiện, mặt đất lại hồi sinh đâm chồi nảy lộc, khoác lên tấm áo xanh của kiểu rừng khộp rụng lá theo mùa, mà Yok Đôn là nơi duy nhất ở Việt Nam đang bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

Chúng tôi đang tranh thủ lia máy chụp vài kiểu ảnh trước khi bóng đêm buông xuống, bỗng phía trước vang lên nhiều tiếng động lạ xoẹt qua. Anh Phương trấn an “Heo rừng đó, không sao đâu!”.

Anh Huy, thành viên Đội kiểm lâm cơ động góp chuyện: Thường khi kiểm lâm đi tuần tra, giám sát đa dạng sinh học vẫn bắt gặp nhiều loại thú như nai, mang, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Gần đây voi xuất hiện rất nhiều và tập trung thành từng đàn khá đông đúc. Trâu, bò rừng thì hơi hiếm, nên rất khó gặp. Riêng các loài bò xám, hổ, tê giác thì chúng tôi chưa tận mắt thấy, dù chưa có nhà nghiên cứu nào dám khẳng định chúng đã vắng bóng trong khu rừng này. Loài thú rất tinh, đánh hơi người từ xa đã bỏ chạy, mình muốn ghi hình cũng khó. Khách vào đây ban ngày ngắm cây cỏ, lan rừng là chủ yếu. Còn muốn xem thú thì phải mắc võng ngủ trong rừng sâu, đợi đến đêm khuya soi đèn xuyên qua những tán cây mới có thể thấy được chúng.

Xuyên rừng Yok Đôn ảnh 1

Voi Y Tul giữa rừng.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ cuốc bộ cắt rừng gần 10 cây số, chân mỏi nhừ, bụng đói cồn cào, đoàn phượt dừng lại bên dòng suối Đắk Lau chuẩn bị bữa tối. Mỗi người một việc, người xuống suối câu cá, người tìm củi nhóm lửa nướng cơm lam. Một tiếng sau, bữa cơm tối giản dị đậm chất núi rừng hoàn tất. Đoàn phượt 7 người quây quần bên bếp lửa bập bùng, lấy lá rừng làm đĩa đựng thức ăn, cây le thay đũa thưởng thức hết các món ăn do chính tay mình làm ra.

Đêm trong rừng âm u tĩnh mịch, không sóng điện thoại, muỗi bay như “sáo thổi”, thứ ánh sáng duy nhất soi sáng khu rừng là ánh trăng lúc tỏ, lúc mờ. Chính không gian ấy cho mọi người cảm nhận mối giao hòa gần gũi giữa thiên nhiên và con người.

Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Việc mở các tour du lịch sinh thái gắn với rừng Yok Đôn nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ rừng. Trung tâm không đặt nặng vấn đề nguồn thu được bao nhiêu mà coi đây là kế hoạch truyền thông lâu dài để thực hiện mục tiêu bảo tồn khu rừng này.

Khách đến đây được trải nghiệm nhiều dịch vụ thú vị như: Câu cá giải trí, quan sát chim, thú, tìm hiểu các loại thực vật, cây thuốc bản địa, ngắm cảnh thác nước và đắm mình dưới dòng suối mát. Bên cạnh đó, khách cũng có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của các tộc người Êđê, M’Nông và Lào sống định cư lâu đời bên dòng sông Sêrêpốk, bằng cách học nấu các món ăn dân dã của người bản địa như canh cà đắng, lẩu lá rừng, cơm lam… dưới sự hướng dẫn của gia chủ.

Khách cũng có thể đề nghị được thưởng thức cồng chiêng, cùng các chàng trai cô gái Êđê, M’Nông nắm tay trong vòng xoang Tây Nguyên tình tứ bên ánh lửa bập bùng, trong không khí lâng lâng men rượu cần.

Hàn huyên tới lúc trời kéo mây đen che lấp các vì sao, đoàn phượt nhanh chóng trở về trung tâm hành chính tránh mưa, ngủ một giấc lấy sức chuẩn bị cho hành trình đi tìm voi rừng vào sáng hôm sau.

Xuyên rừng Yok Đôn ảnh 2

Câu cá giải trí.

Học làm quản tượng

Trước thực trạng đàn voi Đắk Lắk đang suy giảm nghiêm trọng cả số lượng lẫn chất lượng ở mức báo động, Vườn quốc gia Yok Đôn mở tour “Học làm nghề quản tượng” tạo môi trường thân thiện gần gũi để con người có cơ hội chăm sóc, hiểu biết thêm về loài động vật có kích thước khổng lồ này. Đầu tiên, khách du lịch phải thức dậy từ sáng sớm, theo chân nài voi lội bộ trong rừng vài cây số, lần theo dấu xích, phân voi, vết ăn... để phát hiện xem những cô cậu voi được thả vào rừng kiếm ăn từ tối qua đang đứng nhai cây lá ở góc nào. Sau đó đưa voi về tắm mát, bắt đầu ngày mới.

Sáng tinh mơ, những hạt mưa vẫn còn đọng trên cây lá, chúng tôi theo chân nài voi Y Mức Byă (50 tuổi, thâm niên 30 năm gắn bó với nghề điều khiển voi) tiến vào rừng chừng 5 km tìm một “bà voi” tên Y Tul. Hành trình tìm kiếm gặp chút khó khăn do cơn mưa rừng đêm trước đã xóa hết các vết chân voi để lại.

Kiên trì đi bộ hơn 1 giờ trong rừng, Y Mức tinh ý phát hiện dấu vết voi đi qua. Càng lần theo, dấu voi càng hiện rõ. Nhiều bụi cây bị quật ngã trụi lá, dấu chân to in nặng xuống đất tạo ra các vũng cạn. Đang ăn, thấy người lạ, voi Y Tul đứng yên đưa mắt dò xét. Nài voi gọi “Y Tul, Y Tul”, nghe giọng quen, voi vẫy tai, ngoắc đuôi chào. Ông tháo dây xích cho voi rồi ra lệnh cho voi đi về. Hiểu ý chủ, Y Tul ngoan ngoãn đi theo nhưng thi thoảng vẫn dừng lại vươn vòi vơ cỏ. Trung bình mỗi ngày, một con voi cần 150kg thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, cây lá nhỏ tươi. Mùa khô, khan hiếm thức ăn, voi phải ăn vỏ cây.

“Nhiều lần Y Tul cứng đầu, không theo lệnh, tôi khó chịu lắm nhưng không bao giờ đánh nó. Tôi gắn bó với Y Tul từ năm 1990, khi nó còn nhỏ nên tôi luôn thương yêu, chăm sóc nó như đối với người thân của mình.  Ngày thường Y Tul rất nghe lời, chỉ khi động đực nó mới dở chứng ương bướng. Tôi phải tìm cách vỗ về, thả vào rừng sâu cả tháng để nó tự do yêu đương nhưng chờ mãi vẫn không có tin vui nào” – Y Mức trải lòng.

Vừa ra hiệu cho Y Tul đi nhanh, ông vừa kiểm tra phân voi. Y Mức bảo ông chỉ cần nhìn phân voi có thể đoán được tuổi đời và  tình hình sức khỏe. Nếu voi thải phân đặc, mịn, chứng tỏ tuổi đời còn trẻ, khỏe mạnh. Ngược lại phân voi còn nguyên nhiều cây cỏ báo hiệu voi đã già yếu, hoặc phân có mùi chua thì cần theo dõi chăm sóc đặc biệt. Tuổi đời của loài voi thông thường từ 50 - 70 năm, khi trưởng thành chúng nặng từ 3-5 tấn, cao 2- 4 mét. Khi voi chết sẽ được chôn cất đúng theo phong tục của người bản địa.

Y Mức tiết lộ: Trong rừng có loại cây giống cây me nhưng vỏ cây có màu trắng, người đồng bào gọi là chùm ruột rừng rất kỵ với loài voi. Nếu cột voi vào cây lập tức voi bị điên, người hành nghề săn bắt voi mang cây về nhà đốt voi cũng hóa điên vì thế gặp cây này tốt nhất cho voi tránh xa.

Vừa đến sông Sêrêpốk, voi Y Tul rảo bước lao nhanh xuống dòng nước trong mát, tự do tắm táp. Hành trình “Học làm nghề quản tượng” kết thúc, mỗi du khách đều cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, hiểu hơn về loài động vật khổng lồ nhưng rất thân thiện, gần gũi với con người.

Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545 ha rừng trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, do Tổng cục Lâm nghiệp quản lý. Theo tiếng M’Nông: Yok là núi, Đôn là đảo. Yok Đôn là tên của ngọn núi cao 482m, đứng một mình như hòn đảo giữa biển rừng Buôn Đôn, được dùng làm tên chung cho Vườn. Vườn có 858 loài thực vật, trong đó có 120 loài cho gỗ quý và 64 loài làm d­ược liệu. Hệ động vật trong Vườn rất phong phú với 89 loài thú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài ếch nhái, 50 loài cá và khoảng trên 437 loài côn trùng. Nhiều loài trong số này đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.