Xuống dưới lòng đất 175 m hát 'Tôi là người thợ lò'

TPO - Phúc Tiệp - Á quân Sao Mai 2007 - vừa tung MV "Tôi là người thợ lò" với bản phối được làm mới triệt để. Cùng những khuôn hình chân thực về công việc ở độ sâu 175 m dưới lòng đất của thợ mỏ hầm lò tại Vàng Danh, Uông Bí, Quảng Ninh. Tác phẩm được phát hành nhân ngày Truyền thống vùng than 12/11.

MV Tôi là người thợ lò ghi hình từ 2019, sau khi Phúc Tiệp tham gia chương trình truyền hình thực tế Sống ở mỏ của VTV3. Nhờ đó anh có dịp sống và làm những công việc y như một công nhân mỏ. Nào là khoan vỉa than, ngồi nặn “bua mìn”, nổ mìn, vác thiết bị nặng vài chục ký xuống mỏ sâu, sửa chữa máy móc vận hành trên mặt đất…

Khi ấy anh nghĩ tới việc sẽ làm MV Tôi là người thợ lò quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc ở mỏ. Khác với những MV của ca khúc này chỉ mang tính ước lệ trước đó, anh muốn làm ra một MV chân thực nhất có thể giúp mọi người hiểu rõ về cuộc sống lao động của những người công nhân mỏ.

Ý tưởng của anh được chính những người công nhânhưởng ứng, vì họ muốn công việc vất vả dưới lòng đất của mình được phần nào “lộ sáng” qua MV này.

Xuống dưới lòng đất 175 m hát 'Tôi là người thợ lò' ảnh 1

Phúc Tiệp hát cho công nhân mỏ dưới hầm lò - cảnh trong MV Tôi là người thợ lò. Ảnh: NVCC.

Theo Phúc Tiệp, người bình thường xuống hầm lò sâu chừng 70-80 m và ở trong đó chừng 2-3 tiếng là không chịu nổi. Nhưng anh đã xuống hầm sâu tới tận 175 m làm việc cùng công nhân mỏ. Thực tế có những hầm lò sâu hơn, lên tới 3-400 m.

Tiệp nhiều lần xúc động rơi nước mắt vì những hy sinh thầm lặng của họ. “Từ đó tôi nhìn hòn than kíp-lê tưởng như vô tri với ánh mắt khác hẳn. Trong đó ẩn chứa bao nhiêu nghị lực, gian lao của biết bao con người,” anh nói.

Trước khi xuống hầm lò, Phúc Tiệp hình dung dưới hầm lò là than bùn thì những người công nhân sau khi trở lên mới đen kịt từ đầu đến chân như vậy. Song thực tế toàn bộ nền địa tầng bên dưới hầm lò là những vỉa than, mỏ than, ở dưới đó, các công nhân thở qua đường dẫn oxy chung chạy từ trên mặt đất. Ở dưới đó bụi mù mịt khủng khiếp, nhất là sau mỗi lần một mũi khoan chạy trong vỉa than. Vậy mà vẫn có những công nhân không đeo khẩu trang cho dễ thở. Vì lượng oxy dưới hầm lò ước chừng chỉ bằng 1/4 so với trên mặt đất.

Chính mồ hôi quện với bụi than khiến ai nấy đều lấm lem, cho đến khi ra khỏi hầm lò chỉ còn mỗi hàm răng và tròng mắt là trắng. Khi những người công nhân mỏ bước chân lên mặt đất, tháo đôi ủng dốc ra òng ọc nước, chính là mồ hôi của họ chảy ra sau một ngày làm việc. Nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời.

Ngoài ca sĩ, những “diễn viên” xuất hiện trong MV không ai khác chính là những công nhân vùng mỏ với nụ cười, ánh mắt như họ vốn có. Tất nhiên giọng ca mà họ nhép theo là của những nghệ sĩ nổi tiếng trong dàn hợp xướng.

Phúc Tiệp cho hay trước khi xuống hầm lò, anh và toàn bộ ê-kíp bao gồm đạo diễn, quay phim, kỹ thuật... đều phải ký cam kết việc xuống đó là hoàn toàn tự nguyện, nếu rủi ro xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn chấp nhận, không khiếu nại.

Xuống dưới lòng đất 175 m hát 'Tôi là người thợ lò' ảnh 2

Phúc Tiệp và người thầy của anh - NSND Quang Thọ. Ảnh: BTC.

“Bản Tôi là người thợ lò của Phúc Tiệp hoàn toàn không mang một âm hưởng nào phần phối của nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Hoàng Lương cả. Tất cả đều mới và mang hơi thở, sức sống mới. Cũng như lần đầu tiên chúng ta nhìn trong một cái lò chợ (nơi chủ yếu khai thác khoáng sản trong mỏ hầm lò - PV) lớn như thế có cả một dàn đồng ca hát phụ họa cho Tiệp. Đây là sáng tạo cái mới trong MV Tôi là người thợ lò.

Ngày xưa chúng tôi hát và cho đến những năm gần đây, tôi hát bài này trong những chương trình rất lớn nhân những ngày kỷ niệm của vùng mỏ cũng không có được phần phối khí và dàn dựng về âm thanh hoành tráng, đầy đặn và mới như MV này”- NSND Quang Thọ.

MV Tôi là người thợ lò cũng có một số bối cảnh quay khác ở những mỏ than lộ thiên trên mặt đất và cả cảnh quay ở đỉnh núi Bài Thơ, Hạ Long, Quảng Ninh. Để lấy một vài giây quay trên đỉnh núi Bài Thơ, anh cùng ê-kíp mất nguyên ngày trèo qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Anh còn mặc nguyên cây vest, đi giày da nên càng vất vả. Khi quay trên đỉnh núi, do địa hình hiểm trở phức tạp, ê-kíp bị hỏng mất 2 chiếc flycam.

Nhiều nhạc sĩ phối khí đã từ chối đề nghị làm mới bản trường ca quá kinh điển gắn với giọng hát của NSND Trần Khánh, NSND Quang Thọ… lại được chính tác giả Hoàng Vân phối quá chỉn chu rồi. May cuối cùng Tiệp thuyết phục được nhạc sĩ Lưu Hà An. Lưu Hà An chinh phục tác phẩm bằng cách phối câu kết trước để lấy cảm hứng, rồi từ đó mới lần lên đầu bài hát.

Tin liên quan