Xung đột với Pakistan, quân đội Ấn Độ phơi bày lạc hậu

Một lính Pakistan đang đứng gác cạnh xác chiếc máy bay Ấn Độ bị bắn hạ tuần trước. (Ảnh: Getty Images)
Một lính Pakistan đang đứng gác cạnh xác chiếc máy bay Ấn Độ bị bắn hạ tuần trước. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Trong cuộc không chiến với lực lượng Pakistan tuần trước, một phi công Ấn Độ bị bắt giam sau khi chiếc máy bay anh ta đang điều khiển bị bắn rơi. Dù bị bầm tím và run rẩy, viên phi công vẫn sống sót, nhưng chiếc máy bay MiG-21 thời Liên Xô mà anh lái thì không may mắn thế.

Cuộc đấu trên không đầu tiên giữa hai quốc gia địch thủ ở Nam Á trong gần 5 thập kỷ qua đã trở thành bài kiếm tra hiếm hoi đối với năng lực của quân đội Ấn Độ. Và những gì diễn ra khiến giới quan sát hơi thất vọng. Dù đang đối mặt với nhiều thách thức rõ ràng, việc quân đội đông thứ hai thế giới và được cấp 1/4 tổng ngân sách để mất một chiếc máy bay đã nói lên nhiều điều.

Lực lượng vũ trang Ấn Độ đang trong tình thế đáng báo động.

Nếu chiến tranh lớn xảy ra ngày mai, Ấn Độ chỉ có thể cung cấp đạn dược cho binh lính sử dụng trong 10 ngày, theo ước tính của chính phủ. Và 68% phương tiện máy móc của quân đội đã quá cũ, nên thường bị gọi là “đồ cổ”.

“Quân đội của chúng ta thiếu các phương tiện hiện đại, nhưng họ phải thực hiện những chiến dịch quân sự của thế kỷ 21”, India Times dẫn lời ông Gaurav Gogoi, một nghị sĩ và là thành viên của Ủy ban thường vụ quốc phòng thuộc Quốc hội Ấn Độ.

Các quan chức Mỹ được giao nhiệm vụ tăng cường quan hệ đồng minh với Ấn Độ đã nói về công việc của họ với sự giận dữ: Tình trạng quan liêu khiến những thương vụ mua bán vũ khí và chương trình tập trận chung trở nên khó khăn; lực lượng của Ấn Độ hầu hết thiếu tiền hoạt động; trong khi hải quân, lục quân và không quân có xu hướng cạnh tranh thay vì hợp tác với nhau.

Xung đột với Pakistan, quân đội Ấn Độ phơi bày lạc hậu ảnh 1 Một đoàn xe bán quân sự của Ấn Độ đi qua vùng Kashmir trong tháng này. (Ảnh: Getty Images)

Mỹ cần để đối phó Trung Quốc

Dù vấn đề là gì, Mỹ đã xác định sẽ chọn Ấn Độ là một đồng minh chủ chốt trong những năm tới để đối phó với tham vọng khu vực ngày càng lớn của Trung Quốc.

Năm ngoái, khi Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis thông báo Lầu Năm góc đặt tên lại Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ trong việc thay đổi trật tự thế giới.

Quân đội Mỹ bắt đầu ưu tiên quan hệ đồng minh với Ấn Độ sau khi quan hệ của họ với Pakistan xấu đi vì giới chức Mỹ cho rằng Pakistan không làm đủ để chống khủng bố. Trong vòng 10 năm, tiền bán vũ khí của Mỹ cho Ấn Độ tăng từ gần như con số 0 lên 15 tỷ USD. Nhưng Pakistan vẫn đang dựa vào lượng vũ khí rất mạnh mà họ đã mua từ Mỹ.

Tuần trước, các quan chức Ấn Độ nói rằng Pakistan dùng 1 chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất để bắn hạ chiếc Mig-21 của họ. Islamabad bác bỏ cáo buộc này, nhưng Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan vừa cho biết Mỹ đang điều tra báo cáo. Việc Pakistan sử dụng máy bay F-16 để chống lại nước láng giềng có thể vi phạm điều khoản hợp đồng mua bán ký với Mỹ.

Dù đang gặp phải nhiều vấn đề, Ấn Độ vẫn đang trở thành sự lôi cuốn rõ ràng đối với Mỹ về cả vị trí và quy mô.

Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2024. Ấn Độ có chung đường biên giới rất dài với Trung Quốc ở vùng phía nam và phía tây, cũng như đang kiểm soát những vùng biển quan trọng mà Bắc Kinh cần để duy trì các tuyến thương mại trên biển.

Những điều này có thể giúp Mỹ rất nhiều.

“Nhân khẩu, tiềm năng quân sự lâu dài và hình thế đất nước trải rộng khiến Ấn Độ rất đáng để chờ đợi”, báo New York Times dẫn lời ông Jeff Smith, một nhà nghiên cứu về Nam Á tại Quỹ Di sản ở Washington. “Khi Trung Quốc trỗi dậy và Mỹ quyết đấu để giữ vai trò thống trị, Mỹ sẽ cần một nước như vậy để thay đổi cán cân quyền lực trong thế kỷ 21. Nước đó chính là Ấn Độ. Mỹ biết điều đó và sẵn sàng giữ kiên nhẫn”, ông Smith nói.

Đối với Ấn Độ, ngân sách vẫn là thách thức lớn nhất. Năm 2018, Ấn Độ thông báo sẽ chi khoảng 45 tỷ USD ngân sách cho quốc phòng. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc nhận được 175 tỷ USD. Tháng trước, Delhi thông báo sẽ chi 45 tỷ USD nữa.

Nhưng vấn đề của Ấn Độ không chỉ là chi bao nhiêu tiền, mà là sử dụng tiền như thế nào. Phần lớn khoản tiền đó được dùng để trả lương cho 1,2 triệu quân nhân đang làm việc cũng như trả lương hưu. Chỉ có 14 tỷ USD được dùng để mua vũ khí, trang thiết bị mới.

Khác với Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ không thể tự quyết định chính sách cho quân đội vì có thể vấp phải sự phản đối của đảng đối lập. Cắt giảm biên chế để dành tiền mua sắm vũ khí mới cùng không đơn giản. Quân đội Ấn Độ từ lâu đã là khu vực tạo công ăn việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp của cả nước khá cao.

Chính phủ Ấn Độ đang phải nỗ lực để cải thiện cuộc sống cho người dân với những nhu cầu cơ bản nhất, như tỷ lệ mù chữ cao và cơ sở hạ tầng yếu kém, nên khó có thể cấp thêm tiền cho quân đội vào thời kỳ đang bị Trung Quốc áp sát cả trên bộ lẫn trên biển. Trung Quốc đang vượt qua Ấn Độ đáng kể. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc cho phép nước này đầu tư rất nhiều cho mua phương tiện quân sự cũng như sản xuất vũ khí trong nước.

Trong khi các cuộc xung đột trên thế giới ngày càng sử dụng vũ khí hiện đại thay vì đổ bộ lượng quân lớn như trước đây, Ấn Độ đang bị rớt lại phía sau. Dù Ấn Độ là nước chi ngân sách nhiều thứ năm thế giới cho quân sự, chỉ 1/4 ngân sách quốc phòng trong năm nay của nước này được dành để mua phương tiện mới.

Theo theo NYT
MỚI - NÓNG