Xúc động bài ca ra đời thời 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

Bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu là “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu là “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với những ký ức không phai mờ về giai đoạn lịch sử “Hà Nội 12 ngày đêm” đến nay vẫn hiển hiện rõ nét trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt. Mỗi lần nghe lại các sáng tác ra đời trong giai đoạn này, lòng người lại rưng rưng xúc động…

Ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây là ca khúc được ông viết vào đêm 27/12/1972 ngay dưới hầm trú bom của Đài tiếng nói Việt Nam, đúng thời điểm Hà Nội đỏ rực lửa chiến đấu.

Đêm 26/12, bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B52. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”.

Lời kêu gọi của Đại tướng đã tác động sâu sắc tới Phạm Tuyên, khiến người nhạc sĩ vô cùng xúc động. “Khi nghe chữ Điện Biên Phủ tôi có cảm giác rất khác và ngay đêm hôm ấy, ngồi trong hầm tôi đã viết. Âm điệu ở đây không du dương mà quyết liệt bởi tôi muốn tỏ cho đế quốc Mỹ biết Hà Nội quyết liệt như thế nào”, ông chia sẻ.

Với Phạm Tuyên, ông sáng tác ca khúc đơn giản vì đó là cảm xúc tự nhiên được tuôn trào khi ông chứng kiến Hà Nội rung chuyển trong sự tàn phá của bom Mỹ, chứng kiến lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa.

Tác phẩm còn là lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng ắt sẽ đến của quân và dân ta.

Trong ca khúc âm hưởng lúc rắn rỏi, khi lại hào hùng tha thiết: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi… Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa”…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng sự tự tin đến mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc từ trận đánh "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" chính là mạch nguồn cảm xúc khiến không lâu sau đó, ông viết nên bài ca chiến thắng "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" năm 1975.

Ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”

“Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời, càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô./Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô./Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau./Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng/ của núi sông hôm nay và mai sau./Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao.

Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây!/Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông./Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ.

Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long,/ nhẹ nhàng bước chân hành quân dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền...”

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Ca khúc thể hiện niềm kiêu hãnh, ý chí bất khuất và tâm hồn lãng mạn của người Hà Nội. Điều thú vị, ca khúc được nhạc sĩ Phan Nhân viết rất nhanh, vào đúng những ngày Hà Nội gồng mình chiến đấu dũng cảm trong trận chiến “12 ngày đêm” chống lại đợt rải bom B-52 của Đế quốc Mỹ.

Xúc động bài ca ra đời thời 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' ảnh 1

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội.

Khi còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân từng rất nhiều lần kể lại thời điểm và cảm xúc khi viết ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”: “Tháng 12 năm ấy (1972), tôi đang có mặt ở Hà Nội. Trời rét căm căm. Trong tiếng bom nổ rung chuyển là tiếng hô vang của bà con ta: “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Người dân Hà Nội khi ấy hả hê, sung sướng lắm. Họ quên cả nguy hiểm, nhô lên khỏi các hầm để hò reo đến khản giọng khi chứng kiến những chiếc pháo đài bay (B52) của giặc bốc cháy. Tôi và người dân Hà Nội khi ấy trong lòng trào dâng một cảm giác vui sướng, lạc quan trước cuộc đương đầu oai hùng của lực lượng phòng không và không quân của ta. Ngay khi tiếng bom ngưng, máy bay địch rút chạy, thành phố trở lại bình yên, tôi ngồi vào đàn để tấu lên những nốt nhạc đầu tiên: “Ơi, Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ...”. Đó là những nốt nhạc, tôi bật ra đầu tiên và phần lời ca cũng tuôn ra khá dễ dàng...”

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG