>> Uẩn khúc 'sân sau' của VFA: Trưởng bán gạo cho phó = xuất khẩu
Nông dân ĐBSCL tập kết lúa chuẩn bị xuất bán - Ảnh: H.L |
Gạo dự trữ trong nước dồi dào cộng với sự điều hành sát sao của Chính phủ nên khả năng xảy ra những biến động bất thường (khan hiếm, sốt giá…) ở thị trường trong nước vào năm 2010 tới là khó có thể xảy ra. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hôm qua (10/11) tại TPHCM.
Thả nổi giá gạo
Ông Trí cho biết, cả hai đợt mua lúa gạo vụ hè - thu vừa qua đạt gần 950 nghìn tấn, nâng lượng gạo đang nằm trong kho của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và sẵn sàng để xuất khẩu 1,8 triệu tấn.
Ngoài ra, hiện hai vụ thu - đông và vụ mùa đang thu hoạch, sản lượng gạo sẽ bổ sung thêm khoảng một triệu tấn nữa. Thêm vào đó, sản lượng gạo vụ đông - xuân 2010 ước khoảng ba triệu tấn, do vậy nguồn cung trong năm tới là dồi dào.
Trong khi đó, theo ông Trí, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhu cầu gạo của các nước đang tăng rất cao. Tính đến 9/11/2009, các DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo, trong đó đã giao hơn 5,4 triệu tấn.
Trong số gạo đã ký hợp đồng, có trên 2,3 triệu tấn là hợp đồng tập trung (hợp đồng có sự thỏa thuận của chính phủ hai bên mua và bán) và trên 3,1 triệu tấn là hợp đồng thương mại. Giá xuất khẩu bình quân 404,43 USD/tấn.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng giá gạo trên thị trường vẫn đang tiếp tục tăng và nhiều nhà nhập khẩu đã chào mua với giá 460 USD/tấn gạo 5 phần trăm tấm. Mặc dù vậy, nhiều DN trong nước vẫn lừng khừng chưa muốn bán vì đợi giá cao hơn.
Xuất khẩu gạo diễn ra hàng ngày tại cảng Sài Gòn |
“Về nguyên tắc, VFA không điều hành giá khi giá thị trường cao hơn giá quy định”- Ông Trí nói, đồng thời cho biết các DN tự đàm phán và quyết định giá bán theo hướng có lợi cho mình. Chắc chắn sẽ không DN nào lại bán dưới mức giá trung bình của thị trường.
Việc thả nổi giá gạo trong điều kiện hiện nay khiến cả DN và nông dân cùng có lợi, bởi khi DN bán được giá cao thì sẽ thu mua gạo của nông dân với giá cao. Chỉ khi giá xuống thấp hoặc bị ép, hoặc ký hợp đồng tập trung VFA mới can thiệp việc điều hành giá.
Ông Trí cũng khẳng định Chính phủ không khống chế lượng gạo xuất khẩu.
Lụy VFA
Cũng theo Phó chủ tịch VFA Nguyễn Thọ Trí, về nguyên tắc, những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung sẽ được phân chia cho các DN xuất khẩu gạo một cách công bằng, minh bạch và đều nhau.
Ví dụ, một DN nào đó được phân bổ xuất khẩu bao nhiêu lượng gạo giá cao (tính theo phẩm cấp gạo và thời điểm ký hợp đồng xuất khẩu) thì cũng sẽ được phân bổ xuất gạo giá thấp theo một tỷ lệ tương ứng. Nếu DN nào từ chối thu mua khi giá gạo tăng cao, tức từ chối nhận phân bổ của VFA thì sẽ bị cấm xuất khẩu trong một năm tiếp theo kể từ thời điểm được phân bổ.
Sở dĩ VFA thực hiện được chế tài này là bởi theo quy định hiện hành, tất cả các DN (kể cả DN không phải là hội viên của VFA) muốn xuất khẩu gạo phải có xác nhận của VFA (điều kiện để làm thủ tục xuất khẩu). “Phải tuân thủ luật chơi của chúng tôi”- Ông Trí tuyên bố.
Quy định này vấp phải sự phản ứng của nhiều DN không phải thuộc hội viên VFA, bởi cũng theo nguyên tắc, VFA (hoặc bất cứ hiệp hội nào) không có quyền bắt buộc hay điều chỉnh DN không thuộc hội viên của mình và ngược lại.
Ông Trí giải thích rằng, đây là quy định của Chính phủ, cho phép VFA làm việc này (đóng dấu xác nhận vào hợp đồng xuất khẩu gạo của các DN).
Cũng theo quy định hiện hành, những DN được Bộ Công Thương và VFA chỉ định mới được tham gia ký hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, các DN còn lại không được phép và nếu tự làm cũng sẽ không được VFA xác nhận xuất khẩu. Trong khi đó, ông Trí cho biết, hiện có một số DN tự đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.
Trả lời thắc mắc của Tiền Phong, rằng VFA đã có khuyến cáo gì đối với những DN này hay không, vì rất có thể những DN kể trên không biết những quy định này, do họ không phải là hội viên VFA? Ông Trí nói: “Thông tin đã công bố, các DN phải tự tìm hiểu”.