Theo đó, đối với lô hàng xuất khẩu có trị giá dưới 6.000 Euro (dưới 160 triệu đồng) tính theo giá xuất xưởng, nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà không cần đăng ký mã số REX. Đối với lô hàng xuất khẩu có trị giá từ 6.000 Euro trở lên tính theo giá xuất xưởng, nhà xuất khẩu phải đăng ký mã số REX với cơ quan có thẩm quyền trên nền hệ thống dữ liệu theo yêu cầu của EC tại địa chỉ: https://customs.ec.europa.eu/rex-pa-ui. Nhà xuất khẩu thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên bất kỳ chứng từ thương mại nào xuất trình cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu.
Bộ Công Thương cho hay, đã ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp nhận đăng ký mã số REX cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu liên hệ với VCCI để đăng ký mã số REX và thực hiện Thông tư 38. Thời hạn cuối cùng để doanh nghiệp Việt Nam đăng ký mã số REX đến ngày 31/12/2019 và có thể được gia hạn đến ngày 30/6/2020. Sau thời hạn này, cơ quan Hải quan EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận C/O mẫu A để cho hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP.
Theo Bộ Công Thương, cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ (gọi tắt là cơ chế REX) được áp dụng tại Việt Nam kể từ ngày 1/1/2019. Cơ chế REX giúp nhà xuất khẩu tiết kiệm chi phí đồng thời đề cao trách nhiệm đối với hàng hóa xuất khẩu và tạo thuận lợi thương mại cho các nhà xuất khẩu sang 4 thị trường trên.