Ngăn chặn gian lận thương mại qua chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Ngăn chặn gian lận thương mại qua chứng nhận xuất xứ hàng hóa
TP - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với một số bộ, ngành đã ra mắt Hội đồng Tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc VCCI, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho biết:

Hiện tượng gian lận, lừa đảo thương mại qua C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) đang diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi hơn, nhất là khi số lượng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê của Trung tâm xác nhận các chứng từ thương mại - VCCI, số lượng C/O giả và C/O bị sửa chữa từ năm 2008 đến nay đã cho thấy, việc gian lận thương mại diễn ra khá phức tạp với chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Cụ thể: năm 2008: C/O giả là 819 bộ, C/O bị sửa chữa là 45; năm 2009: C/O giả là 261 bộ.

Phần lớn các ngành hàng hoặc mặt hàng gian lận thương mại qua C/O đều có liên quan đến ngành hàng hoặc mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên hiện chúng tôi chưa thể tổng hợp được vì còn phải dựa trên nguồn thông tin từ các bộ, cơ quan ban, ngành và các nước liên quan..

Chính vì vậy, việc thành lập hội đồng tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O (gọi tắt là Hội đồng) trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp (DN) để ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O một cách có hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

- Các thành viên của hội đồng sẽ tư vấn, cảnh báo đến các DN như thế nào để nhằm ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O?

- Hội đồng là đơn vị tư vấn trực thuộc của VCCI, hoạt động nhằm cảnh báo cho các DN về tình hình gian lận thương mại và nhằm cung cấp thông tin cho các bộ, ngành để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế hành vi gian lận thương mại C/O (bao gồm cung cấp thông tin, dữ liệu và đưa ra các ngành hàng, thị trường cần chú trọng để phòng tránh gian lận thương mại). Hội đồng cũng sẽ trực tiếp tổ chức hoặc hướng dẫn triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống và những biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại qua C/O.

Ngoài ra, hội đồng sẽ hợp tác với các bộ, ngành, cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn các hình thức gian lận thương mại qua C/O.

Bên cạnh đó, Hội đồng sẽ cảnh báo về nguy cơ gian lận thương mại C/O dựa trên danh mục các nước áp thuế chống bán phá giá và một số nước xuất khẩu gần Việt Nam, như Trung Quốc, Thái Lan.

Theo đó, DN Việt Nam sẽ được cảnh báo để thận trọng hơn khi ký kết các hợp đồng và hợp tác đầu tư với khách hàng..

- Vậy đối với DN nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam thì hội đồng sẽ tư vấn những gì để họ gặp thuận lợi, thưa bà?

- Đối với DN nước ngoài, Hội đồng sẽ tư vấn để doanh nghiệp nước ngoài biết họ cần phải đưa trang thiết bị vào và đầu tư đến mức độ nào, tránh trường hợp khi doanh nghiệp đã đầu tư vào rồi và khi lên xin C/O không được thì nguy cơ làm giả chứng từ, giả mạo xuất xứ sẽ xảy ra. Thực tế cái mà DN cần là họ có được chứng nhận C/O hay không, nếu không họ sẽ đến thị trường khác.

Ngoài ra, Hội đồng sẽ liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tư vấn cho DN nước ngoài trước khi họ đầu tư sản xuất tại Việt Nam để tránh việc đầu tư sản xuất rồi nhưng sản phẩm không được cấp C/O.

- Xin cảm ơn bà!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG