Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể gián đoạn đến hết quý I năm 2021

TPO - Hàng năm, từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 1 là thời điểm DN Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng thủy sản chuẩn bị cho tết âm lịch, tuy nhiên, năm nay số lượng đơn hàng sang Trung Quốc giảm đáng kể.

Ngày 18/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, hiện Trung Quốc đang siết chặt hoạt động kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại những thành phố đầu mối thương mại với lý do ngăn ngừa COVID-19. Điều này gây nên tình trạng hàng quá tải, ùn tắc.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể gián đoạn đến hết quý I năm 2021 ảnh 1

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK

Tất cả sản phẩm thực phẩm đông lạnh khi vào Trung Quốc phải đầy đủ 4 loại giấy chứng nhận mới được đưa ra tiêu thụ, bao gồm: tờ khai báo hải quan; chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch xuất khẩu (XK); chứng nhận cách ly và sát trùng; báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm Nucleic Acid Coronavirus.

Do các thủ tục phức tạp và chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 nên thời gian từ khi hàng thông quan cho tới lúc ra khỏi kho mất từ 20-30 ngày hoặc lâu hơn tùy vào lượng hàng nhập khẩu của từng thành phố. Chi phí lưu công, phí kiểm hàng lên đến 2.000-3.000 USD/container đã tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam và nhà nhập khẩu.

Nếu tình hình này không sớm được tháo gỡ, dự báo XK cá tra sang thị trường Trung Quốc sẽ gián đoạn đến hết quý I/2021. VASEP đã gửi công văn tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương kiến nghị cần có ngay hành động cấp bách đề xuất với Chính phủ Trung Quốc công nhận kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam tương đồng với kiểm soát tại Trung Quốc.

Bởi hiện các DN tuân thủ thực hiện quy trình kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt tại nhà máy, vùng nguyên liệu, đồng thời tiến hành xét nghìệm COVID-19 và xông khử trùng từng lô hàng, công lạnh có giấy xác nhận của trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương trước khi XK.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT theo dõi, xử lý; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ DN tuân thủ các quy định trong xuất nhập khẩu.

VASEP cũng đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo về tình hình kiểm soát hàng cá tra phi-lê đông lạnh tại Trung Quốc. Ngày 30/11, các DN XK cá tra Việt Nam đã có cuộc họp bàn thống nhất một số giải pháp tạm thời cho việc XK cá tra sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, mỗi DN sẽ tự tăng cường các biện pháp để phòng ngừa và giám sát dịch COVID-19 nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, DN cũng chủ động làm việc với CDC tại địa phương để được hỗ trợ thực hiện chuỗi giám sát COVID-19 nhằm chứng minh với các đối tác việc tuân thủ phòng dịch. Đồng thời CDC sẽ cấp giấy xác nhận để DN làm bằng chứng gửi cho nhà nhập khẩu, tăng độ tin cậy đối với việc kiểm soát dịch COVID-19 của DN.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể gián đoạn đến hết quý I năm 2021 ảnh 2 Cá tra không được thu mua, người nuôi đem bán lề đường. Ảnh: CK

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, do Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng lớn của XK cá tra Việt Nam nên động thái trên khiến tình hình XK của các DN gặp khó do phía đối tác ngưng nhập hàng.

“Họ nói lý do là phòng ngừa dịch bệnh thì mình làm gì được, cũng hy vọng tình hình sớm được tháo gỡ vì thị trường này cũng cần nhập hàng cho nhu cầu tăng cao dịp cuối năm” - ông Quốc nói và cho biết hiện các DN cũng chỉ trông chờ các bộ ngành trung ương làm việc với phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn.

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường số 1 của XK cá tra Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường này đạt 428,3 triệu USD, mặc dù giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm 35,3% tổng XK cá tra Việt Nam.

Sau đợt giảm sâu kéo dài, giá cá tra tại ĐBSCL đã tăng trở lại từ đầu tháng 10 năm nay (tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg), người nuôi có lãi trở lại (lãi 2.000-3.000 đồng/kg) sau thời gian dài ‘treo ao’ hoặc ‘ngâm cá’. Tuy nhiên, cuối tháng 11, giá cá tra lại quay đầu giảm và hiện ở mức 20.000-21.000 đồng/kg…

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.