Xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê: Tai họa khôn lường

Xuất cảnh trái phép tìm việc làm ở bên kia biên giới, công việc chưa thấy đâu, anh Dương Văn Lâm và chị Vi Thị Đình đã gặp họa (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, ngày 13/5). Ảnh: Duy Chiến
Xuất cảnh trái phép tìm việc làm ở bên kia biên giới, công việc chưa thấy đâu, anh Dương Văn Lâm và chị Vi Thị Đình đã gặp họa (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, ngày 13/5). Ảnh: Duy Chiến
TP - Tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép qua biên giới khu vực Lạng Sơn để sang Trung Quốc lao động, làm thuê có chiều hướng gia tăng. Đa phần họ không làm thủ tục xuất cảnh, đi chui qua các đường mòn biên giới, vì vậy, họ nhận được những hậu quả đau lòng.

Bị đẩy đuổi về Việt Nam

Chiều 10/5, có 18 người lao động phổ thông leo lên chiếc xe ôtô biển số Trung Quốc đậu ngay sát biên giới thuộc thị trấn Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Sau kiểm đếm nhân sự, một chủ cai ra lệnh xuất phát. Khi đến khu vực trấn Nàm Chàm (thị trấn Bằng Tường), cách biên giới Trung- Việt chừng chục cây số bỗng nhiên có chiếc xe ô tô cắm cờ hiệu cảnh sát đuổi theo. Thấy vậy, chiếc xe tăng ga, phóng nhanh và đến một đoạn cua gấp đã đâm mạnh vào lan can, lật nhào xuống vực. Hậu quả, 8 người bị thương, phải đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Bằng Tường. Ngày hôm sau, những người này được đưa đến khu vực biên giới và đẩy đuổi về Việt Nam theo đường mòn.

“Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có gần 25 nghìn lượt công dân xuất cảnh trái phép, tăng khoảng 8.500 người so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có nhiều trường hợp là người các tỉnh khác, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự”.

 (Theo báo cáo của

Công an Lạng Sơn)

Gặp phóng viên Tiền Phong tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, Dương Văn Lâm (sinh năm 1999, dân tộc Tày, trú tại Làng Rộng, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), kể lại: Khi tai nạn xảy ra, những người bị thương nhẹ khiêng người nặng lên trên đường quốc lộ, gọi xe đưa đi cấp cứu. Trong khi đó, chiếc ô tô mang biển hiệu cảnh sát bỏ đi.

Sơ cứu xong cho 8 người Việt, nhân viên bệnh viện phía bạn thông qua phiên dịch nói với người gặp nạn rằng, họ xuất cảnh trái phép, không có giấy tờ hợp pháp nên không nằm lại điều trị lâu dài được, thêm nữa viện phí rất cao. Khi về đến Việt Nam, 4 người bị thương nặng được đưa thẳng đến bệnh viện Lạng Sơn, số còn lại về quê dưỡng thương.

Theo Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, có hai người đang điều trị tại bệnh viện là: Dương Văn Lâm bị gãy xương đùi; Vi Thị Đình (27 tuổi, trú tại Đồng Giáp, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) bị gãy cánh tay. Người bị thương nặng nhất là: Vi Thị Hà (20 tuổi, trú tại Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị gãy cột sống cổ, liệt tủy, phải đưa về Hà Nội cứu chữa; Mã Văn Luân (27 tuổi, trú tại Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị gãy xương đòn, sau khi sức khỏe ổn định, xin về nhà chữa thuốc nam.

Tù mù làm ăn xứ người

Dương Văn Lâm cho biết: Do gia đình có ít ruộng, cuộc sống khó khăn nên anh nghỉ học sớm, phụ giúp bố mẹ trồng cây thuốc lá. Cách đây một tuần, trong một buổi ăn cưới, được anh họ mách rằng sang Trung Quốc làm thuê được nhiều tiền, thế là hôm sau gói ghém quần áo, lên đường.

Tương tự, chị Vi Thị Đình cũng nghe theo người ta đồn thổi, sang Nam Ninh, Trung Quốc dự định đi chặt mía thuê, ngày công nhàn hạ, tiền được trả cao. Ngoài chị Đình, trong xã Đồng Giáp còn có 3 người khác cùng đi sang bên kia biên giới trái phép bằng đường mòn thuộc xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

Cách đây thời gian ngắn, lực lượng Công an Lạng Sơn phát hiện một đường dây đưa người xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê. Do nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, một số người dân từ các tỉnh như: Đắk Lắk, Nghệ An, Sơn La còn bị đối tượng xấu cò mồi dụ dỗ, ảo tưởng về mức thu nhập cao, từ 10 đến 20 triệu đồng nếu làm việc tại Trung Quốc.

Mánh lới của giới chủ

Theo số liệu của Công an Lạng Sơn, trong quý 1/2015, đã tiếp nhận trên 500 trường hợp xuất cảnh trái phép do phía Trung Quốc trao trả. Qua điều tra cho thấy, nhiều trường hợp trên bị chủ bên kia biên giới lừa, bắt lao động khổ sai, lưu giữ số tiền công theo quý, theo năm. Đến kỳ hạn trả tiền thì mật báo công an đến xét hỏi giấy tờ, sau đó bị lực lượng chức năng giam giữ từ 1 đến 3 tháng, bắt phải lao động công ích.

Ông Đinh Văn Tấn (SN 1971, trú tại thôn A Dinh 2, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc) cho biết, cuối năm 2014 đã theo người làng đi lao động chui tại một xưởng gỗ bên Bằng Tường (Trung Quốc), sau vài tháng, khi xin tiền về quê, lão chủ liền giở quẻ. “Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi đang làm ở xưởng thì lực lượng chức năng Trung Quốc ập vào kiểm tra và bắt giữ. Tôi bị giam ở đồn cảnh sát hơn 50 ngày, tài sản, quần áo, tiền bạc bị lột sạch”, ông Tấn nói.

Còn chị Hoàng Thị Biên, trú tại xóm Quyết Tiến, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, cho biết sau khi lao động vất vả ba tháng trời bên Trung Quốc được ít tiền, khi chưa ra đến khu vực biên giới để về quê liền bị bọn “đầu gấu” chặn đường, lột sạch.

Theo thông tin Tiền Phong có được, nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới làm thuê bị lừa bán vào các ổ mại dâm hoặc mất tích bí ẩn. Mới đây, một người thanh niên ở tỉnh Bắc Ninh sang Bằng Tường (Trung Quốc) chặt mía, khi phát hiện có lực lượng chức năng phía bạn đến kiểm tra, sợ hãi chạy trốn, ngã xuống ao, chết đuối. Gia đình phải mất nhiều tiền mới mang được xác về.

Ông Đinh Văn Tấn (SN 1971, trú tại thôn A Dinh 2, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc) cho biết, cuối năm 2014 đã theo người làng đi lao động chui tại một xưởng gỗ bên Bằng Tường (Trung Quốc), sau vài tháng, khi xin tiền về quê, lão chủ liền giở quẻ. “Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi đang làm ở xưởng thì lực lượng chức năng Trung Quốc ập vào kiểm tra và bắt giữ. Tôi bị giam ở đồn cảnh sát hơn 50 ngày, tài sản, quần áo, tiền bạc bị lột sạch”, ông Tấn nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.