Nằm trong chuỗi hoạt động Xuân tình nguyện 2015, với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay vì an sinh xã hội”, Đoàn thanh niên Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an phối hợp Đoàn Thanh niên Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – Bộ Công an, trại giam Thanh Cẩm và Huyện Đoàn Cẩm Thủy tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng cùng nhiều hoạt động tặng quà cho bà con xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Chuyến đi nghĩa tình
Để đảm bảo cuộc khám chữa bệnh đúng với ý nghĩa và đạt hiệu quả tốt nhất, Đoàn thanh niên Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an đã liên hệ với trung tâm y tế huyện Cẩm Thủy, Trạm y tế xã Cẩm Thành để tìm hiểu mô hình bệnh tật của người dân trên địa bàn, từ đó xây dựng phương án khám chữa bệnh và dự trù cơ số thuốc cấp phát sát với thực tế.
Địa bàn xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy là vùng khó khăn, tập trung nhiều hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo vì vậy đã được sự quan tâm sâu sắc của các lãnh đạo huyện Đoàn Cẩm Thủy, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – Bộ Công an, đặc biệt là Đoàn thanh niên Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an tới và khám chữa bệnh cho bà con.
Đại úy Lê Hải Quân, Phó trưởng khoa Nội II, Bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện Y học Cổ truyền cho biết: “Rút kinh nghiệm từ nhiều lần tổ chức khám chữa bệnh cho Đồng bào vùng sâu, vùng xa. Để đảm bảo số lượng thuốc dự trù cho cấp phát ít bị thừa hoặc thiếu, công tác tiền trạm khảo sát tình hình thực tế bệnh tật ở địa bàn xã Cẩm Thành đã được Đoàn đặc biệt chú trọng.
Được sự ủng hộ của lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Cẩm Thủy, cũng như Trạm xá xã Cẩm Thành, số liệu thống kê đã giúp chúng tôi có buổi khám bệnh thành công tốt đẹp. Kết thúc buổi khám, Đoàn đã có thêm báo cáo sơ bộ mô hình bệnh tật để y tế địa phương tham khảo và góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân”.
Công tác vì an sinh xã hội là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn, không chỉ nhằm mục đích chăm lo cho sức khỏe của bà con vùng sâu, vùng xa của huyện Cẩm Thủy mà còn gắn kết tình cảm sâu sắc giữa lực lượng Công an với nhân dân, tạo tinh thần đoàn kết, bền vững giữa quân với dân.
Bà Quách Thị Nhĩa, thôn Nâm, xã Cẩm Thành tâm sự rằng: “Đây là lần đầu tiên tôi được các bác cán bộ, các bác sĩ quan tâm tới sức khỏe như thế này, dân làng chúng tôi cảm kích vô cùng, tôi rất vui cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con được khám chữa bệnh miễn phí. Mong rằng sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa như thế này nữa để giúp đỡ bà con nghèo như chúng tôi.
Công tác chuẩn bị, kiểm tra thuốc của các bác sĩ Bệnh viện Y học Cổ truyền từ sáng sớm.
Tình quân dân như cá với nước
Thời tiết rét buốt và sương mù của buổi sáng nhưng cũng không làm giảm đi phần náo nhiệt và hăng say trong công tác chuẩn bị của các đơn vị phối hợp, bà con xã Cẩm Thành đã có mặt từ sáng sớm ngồi đợi ghi phiếu để khám bệnh.
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Y học Cổ truyền và các đơn vị phối hợp đã nhanh chóng sắp xếp chỗ ngồi cho bà con. Trong không khí nhộn nhịp, tiếng người dân cười nói, tiếng xe cộ, tiếng các đồng chí công an hướng dẫn bà con vào trong hội trường của trạm xá, xã Cẩm Thành, gương mặt ai cũng mong ngóng.
Bác Phạm Hải Đăng, thôn Chiềng Tám, xã Cẩm Thành tâm sự: “Lần đầu tiên tôi thấy có hoạt động ý nghĩa như thế này tại làng, làm cho tinh thần của bà con rất vui, rất phấn khởi, trời rét và sương muối nhưng các bác sĩ vẫn không ngại gian khó để về khám chữa bệnh cho bà con. Nhà Nước đã quan tâm đến người nghèo chúng tôi, bản thân tôi đã từng đi bộ đội và tôi rất cảm động với việc làm này...”
Những lời tâm sự chân thành của Bác Phạm Hải Đăng như lời động viên tới các cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Y học Cổ Truyền, Bộ Công an, và các bác sĩ tình nguyện đến từ Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Thủy, những người đã và đang thực hiện tốt công tác vì an sinh xã hội tại các vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Chuyến đi tình nguyện này thật ý nghĩa đối với các bác sĩ Bệnh viện Y học Cổ truyền, công tác khám, chữa bệnh và phát thuốc cho 300 người dân rất bận rộn. Từ việc ghi phiếu, xếp chỗ ngồi đến việc đưa bà con vào khám đều được phân công, sắp xếp khoa học, hướng dẫn nhiệt tình.
Trong đợt khám, chữa bệnh lần này của Đoàn, có trường hợp đặc biệt là em Cao Xuân Trường sinh năm 1997, dân tộc Mường, thôn Muốt, xã Cẩm Thành, em bị liệt cả hai chân và được một chiến sĩ Công an bế vào phòng khám. Trường hợp của em là trường hợp đặc biệt trong thôn, gia đình thuộc diện chính sách, đặc biệt khó khăn, học đến lớp 8 thì e bị liệt và gia đình đã tốn rất nhiều tiền cho em nằm ở bệnh viện tỉnh một năm nhưng không khỏi.
Những nỗi niềm, những tâm sự của người bị bệnh chất chứa trong ánh mắt, hai bàn tay run run em nói: “Bệnh của em lâu rồi, bố mẹ cũng chữa một năm nhưng không khỏi, nhưng hôm nay được các bác sĩ ngoài Hà Nội về khám e cũng thấy vui lắm, các bác sĩ cho quà, cho thuốc và dặn dò em phải tập đi lại, em thấy có chút hy vọng. Cảm ơn các bác sĩ đã nhiệt tình chăm sóc em, mong là những đợt sau các bác sĩ lại về chữa bệnh cho mọi người trong thôn...”
Hạ sĩ Phạm Văn Hùng phân trại 2, trại giam Thanh Cẩm đang bế em Cao Xuân Trường, thôn Muốt vào khám bệnh.
Chỉ trong một buổi sáng nhưng thật nhiều cảm xúc, những tâm sự của bà con xã Cẩm Thành tri ân đến các bác sĩ, những lời cảm ơn sâu sắc của bà con gửi đến các lãnh đạo cấp trên. Bệnh viện Y học Cổ truyền đã thực hiện tốt công tác vì an sinh xã hội tại huyện Cẩm Thủy, bác sĩ Hoàng Thị Minh Phương, khoa nội III, Bệnh viện Y học Cổ truyền cũng cho biết: “Chuyến đi tình nguyện này, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, do khám lưu động nên các trang thiết bị chưa đầy đủ nhưng cũng là một trải nghiệm quý báu đối với tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham gia đợt tình nguyện này, bà con rất thân thiện, gần gũi, nếu có những đợt tình nguyện sau tôi sẽ xung phong đi, được cống hiến một phần công sức cho quê hương.”
Lời tri ân
Kết thúc buổi khám, ngoài việc tư vấn, cấp phát thuốc, Đoàn đã có thống kê và báo cáo phản hồi nhanh với Trung tâm y tế huyện, Trạm xá xã về mô hình bệnh tật thông qua nhận xét trên gần 300 lượt khám bệnh nói trên. Tại buổi làm việc với Y tế xã Cẩm Thành, bác sĩ, đại úy Lê Hải Quân, trưởng đoàn khám bệnh phát biểu: “Hoạt động khám chữa bệnh này cũng là hoạt động chia sẻ với cộng đồng, cũng đồng thời là công tác dân vận, hình ảnh của người chiến sĩ CAND sẽ trở nên gần gũi hơn nếu việc làm thật sự ý nghĩa, hiệu quả. Sau cuộc khám bệnh này, chúng tôi muốn khi rút quân sẽ để lại trong lòng người dân những tình cảm trìu mến, và niềm tin với lực lượng Công an nhân dân và lực lượng y tế Công an nhân dân”.