Xuân Bắc kể chuyện kiều bào thức đêm xem kịch

Khán giả dành hàng tiếng đồng hồ chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ sau đêm diễn Ảnh: NHK
Khán giả dành hàng tiếng đồng hồ chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ sau đêm diễn Ảnh: NHK
TP - Sáu đêm diễn ở ba nước châu Âu, trong đó có những đêm khán giả thức tới 1h sáng xem đoàn nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn. NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát kể lại trải nghiệm không ngờ khi đưa sân khấu đến với kiều bào ở châu Âu.

XUYÊN ĐÊM XEM KỊCH
Giao lưu và xuất ngoại biểu diễn không lạ lẫm với nghệ sĩ, tuy nhiên Xuân Bắc khẳng định đây là lần đầu tiên có đoàn nghệ thuật dày dặn với 22 thành viên từ Việt Nam tới châu Âu trình diễn trọn vẹn vở diễn sân khấu. Trong chuyến đi dài 20 ngày (kết thúc 17/4), nghệ sĩ nhà hát chọn vở chất liệu dân gian Nghêu, Sò, Ốc, Hến và vở kịch tâm lý hiện đại Ảo ảnh hạnh phúc. Hơn một tấn hành lí, đạo cụ và bối cảnh được chuyển máy bay theo đoàn.
Pháp là điểm đến đầu tiên. Không chỉ diễn kịch, nghệ sĩ tham dự Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu với nội dung “Đến với nhau bằng niềm tin, khát vọng chung tay xây dựng đất nước hội tụ trí tuệ tập thể để vươn lên”, do Bộ Ngoại giao Việt Nam bảo trợ. Diễn ra hai ngày 30, 31/3, diễn đàn quy tụ khoảng hơn 600 người có tầm ảnh hưởng toàn cầu nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ, kinh tế cho tới nghệ thuật. Nghêu, Sò, Ốc, Hến là vở diễn mừng diễn đàn thành công, vào tối 31/3 tại lâu đài Salomon De Rothschild-Paris.
Xuân Bắc kể, đêm diễn ở Berlin, Đức kết thúc lúc 1h sáng. Sau khi Đại sứ lên tặng hoa nghệ sĩ, khán giả vẫn ngồi im phăng phắc. Sau đó vài khán giả hô “lại đi, lại đi”. Đó là khi nghệ sỹ hạ màn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến. “Điều quý giá nhất là có những khán giả đi 200- 300km đến xem kịch, vẫn ở lại chụp ảnh giao lưu với nghệ sỹ”, nghệ sĩ Phú Đôn nói. Khán giả yêu cầu tổ chức thêm một đêm diễn  nữa, tuy nhiên nhà tổ chức không sắp xếp được địa điểm.

Xuân Bắc kể chuyện kiều bào thức đêm xem kịch ảnh 1

“Chúng tôi làm nên kỷ lục: Trong bốn ngày liên tiếp đoàn di chuyển tới bốn tỉnh thành của CH Séc, diễn bốn đêm kịch”, Xuân Bắc nói. Lịch trình của đoàn ở Ostrava, Brno, Praha, Kalory Vary (Séc) kín đặc. Diễn xong và thu dọn sân khấu tới 2h sáng, nghệ sĩ di chuyển về khách sạn, sáng hôm sau lên đường sớm. Có khi nghệ sĩ phải chuyển ngay trong đêm đến địa điểm tiếp theo, lắp ráp sân khấu và chuẩn bị diễn. “Nghệ sỹ có khi chỉ ngủ ba, bốn tiếng rồi di chuyển, nhưng hở ra một hai giờ đồng hồ đều tranh thủ đi khám phá các thành phố”, nghệ sĩ Hồ Liên nói.

Không chỉ diễn ở Pháp, Đức và Séc, đoàn nghệ sĩ có hai buổi giao lưu với khán giả ở Hungary.


CƠ HỘI MỚI
Phú Đôn kể, sang Pháp gặp những khán giả sinh ra tại Pháp hoặc sinh sống ở đây 40-50 năm, lần đầu tiên họ xem kịch nói bằng tiếng Việt. “Người Việt ở Pháp cũng có những thiệt thòi riêng, bởi muốn vào những nhà hát lớn xem chương trình phải đặt trước cả năm, hơn nữa chưa chắc hợp với người Việt. Cái hay của chuyến lưu diễn lần này là lần đầu tiên Nhà hát đưa kịch nói sang Pháp, trước đó chính người Pháp đưa kịch nói tới Việt Nam”, anh nói.
Nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam sang nước ngoài giao lưu châu Âu thường chỉ mang được tiết mục, trích đoạn chứ chưa bao giờ trọn vẹn vở diễn có đầy đủ nghệ sĩ như vậy. Bộ VHTTDL tạo điều kiện về chủ trương, tuy nhiên Xuân Bắc dựa vào uy tín cá nhân, mối quan hệ riêng ở các nước châu Âu để vận động các mạnh thường quân và nhà tổ chức. Không chỉ tài chính, đoàn nhận được sự ủng hộ tinh thần của các hội đoàn, kiều bào góp phần không nhỏ làm nên các đêm diễn. Chi phí một đêm diễn ở Pháp chẳng hạn lên tới gần 30 nghìn euro. Thế mà nghệ sĩ co kéo vừa đủ, dư ra vài trăm euro nhờ được tặng thêm.
“Tín hiệu vui nhất của chuyến đi là chúng tôi thay đổi dần dần thói quen xem nghệ thuật của kiều bào. Chúng tôi phải đấu tranh nảy lửa với bên tổ chức, bởi ban đầu họ sợ người xem không chấp nhận”, Xuân Bắc nói. Trước đây người Việt ở nước ngoài thường quen xem chương trình thuần giải trí, tạp kỹ ca nhạc. Vừa ăn vừa xem, giữa chừng nghỉ uống bia “dô ta dô hò” là chuyện thường. Đoàn nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam lần này nhất quyết không diễn trên sân khấu nếu khán giả ở dưới cứ ào ào ăn uống. Trước mỗi đêm diễn, Xuân Bắc lại cầm micro ra trước để “làm công tác tư tưởng”.
Đối với khán giả ở một số vùng do đặc thù công việc không thể xem kịch vào 21h, nghệ sĩ sẵn sàng lùi xuống 22h mới mở màn. Nghệ sĩ Phú Đôn, Lâm Tùng bảo thắng lợi lớn nhất trong chuyến đi là khiến khán giả bỏ thói quen vừa ăn vừa xem, lại khiến người ta bắt đầu thích kịch hơn. “Chưa bao giờ ở Đức có chuyện hơn trăm người tới mua vé hết bàn ngồi mà họ chịu ở lại, BTC bố trí kê ghế áp tường để họ xem vở”, Lâm Tùng kể. Anh từng hợp tác với Pháp biểu diễn trong chuyến đi hơn một tháng, tuy nhiên chuyến đi này thực sự tạo nên sự khác biệt cho nghệ sĩ và khán giả.
Tổ chức sáu đêm kịch ở châu Âu không phải điều dễ dàng. Dăm bảy năm trước quá nhiều đơn vị tổ chức sự kiện sang châu Âu làm chương trình “lởm khởm” khiến khán giả mất niềm tin, không mặn mà với văn hóa nghệ thuật trong nước. Bởi thế việc thu hút khoảng 3 nghìn rưỡi khán giả trong sáu đêm diễn là điều không ngờ tới. Chuyến đi mang lại cho nghệ sĩ Việt quá nhiều trải nghiệm không ngờ, hơn hết là hướng đi mới khi đưa nghệ thuật tới gần hơn người Việt ở nước ngoài.

Nói thêm về con đường xã hội hóa, tự lực cánh sinh đưa vở diễn và nghệ sĩ của nhà hát xuất ngoại, NSƯT Xuân Bắc cho biết sẽ nghiên cứu khai thác vở diễn có yếu tố dân gian, truyền thống để tiếp cận kiều bào.

MỚI - NÓNG