Xử phạt giáo viên xâm phạm HS: Nguyên Bộ trưởng Giáo dục nói gì?

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, hành vi sai trái trong môi trường giáo dục phải xử phạt là hợp lý.
GS Phạm Minh Hạc cho rằng, hành vi sai trái trong môi trường giáo dục phải xử phạt là hợp lý.
TPO - “Tôi nghĩ cơ sở để phạt giáo viên trong nghị định phải quy định rõ. Và điều thứ hai, ai được phạt và tiền thu về đâu. Những cái đó người làm văn bản phải tính có đầu có đuôi, chứ không phải nói một câu là áp dụng hình phạt được”- GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm. 

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo được lấy ý kiến từ ngày 28/9/2018.

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy từ 1-6 tháng.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc cho rằng, hành vi sai trái trong môi trường giáo dục phải xử phạt là hợp lý. Tuy nhiên, mức phạt đưa ra trong dự thảo so với mức thu nhập của người dân Việt Nam hơi cao và cần phải so sánh với các hình phạt khác. 

"Với hành vi xâm phạm thân thể người học với mức phạt tới 30 triệu là cao"- Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

“Dự thảo đưa ra là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học”?  Điều đáng bàn là, vậy phạt trong giáo dục bao nhiêu thì hợp lý?

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, việc xúc phạm học sinh, thầy cô giáo thì nên có hình phạt: “ Bây giờ chúng ta có nhiều hình phạt và thước đo bằng tiền là một trong thước đo bên cạnh thước đo về đạo đức. Cho nên quy định hình phạt là hợp lý, nhưng mức phạt cũng cần phải hợp lý theo”.

“Nếu xác định được mức phạt thì trong văn bản phải quy định được mức độ và hình thức sai phạm. Hình phạt nào thì đi theo hình thức vi phạm đó”- GS Phạm Minh Hạc nói.

GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng, cơ sở để phạt phải quy định rõ trong dự thảo. Ngoài ra, ai phạt và tiền thu về đâu? Những cái đó phải tính có đầu, có đuôi, chứ không phải nói một câu là áp dụng phạt ngay được. 

“Vì sao phạt? Phạt như thế nào? Ai được phạt? Phạt mức độ nào? Tài chính thu về đâu?.. . Nếu chỉ nêu hình phạt thì không đủ. Những người làm văn bản phải tính kĩ những điều này”- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Trao đổi với Gia Đình Mới chiều ngày 1/10, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra rất khó để thực hiện. 

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc giáo viên xâm phạm thô bạo tới học sinh là điều không thể chấp nhận được. 

“Nếu là một người giáo viên có tâm thì họ nên dùng cách nói chuyện, chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho học sinh thay vì có những hành vi xúc phẩm tới nhân phẩm, danh dự. Nếu học sinh không nghe thì mới dùng biện pháp tích cực khác”, ông Nhĩ nhận định.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng chia sẻ thêm, giáo dục trước hết phải thực hiện đúng sứ mệnh của nó. Nếu giáo viên có hành vi xâm phạm thân thể người học thì phải dựa trên mức độ mà đưa ra hình thức phê bình, kiểm điểm… Và nếu tái phạm thì hình thức xử lý sẽ như thế nào? 

Còn với dự thảo đưa ra là “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học” , nếu giáo viên không nộp phạt thì sao? 

Vì vậy, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị dự thảo nghị định cần nou rõ mức độ thế nào được coi là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học? Thế nào là hành vi xâm phạm thân thể người học?

MỚI - NÓNG