Xử nhẹ sao chống được tham nhũng?

Xử nhẹ sao chống được tham nhũng?
TP - Chiều qua, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế còn rất hình thức, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng còn thấp.

> Quốc hội cần tăng cường giám sát phòng chống tham nhũng

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, hiệu quả công tác PCTN thời gian qua còn hạn chế. “Chống tham nhũng là cuộc chiến rất cam go. Nhưng các biện pháp xử lý nhẹ quá, cho thôi chức, ai muốn rút lui cũng đồng ý, nhẹ thế làm sao chống được, có người sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con” - Ông Sơn nói.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cho rằng, để khắc phục bất cập này, bên cạnh mở rộng diện kê khai, phạm vi công khai, kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (theo NQ T.Ư 4), cần quy định cụ thể những nội dung kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Một số ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên đối tượng công khai như hiện nay, và làm thật tốt quy định này. Không nên mở rộng như dự thảo phải kê khai cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái của người có nghĩa vụ phải kê khai, để tránh hình thức. “Trước mắt hãy cứ tập trung vào cán bộ, công chức, mở rộng sợ không khả thi” - Ông Ksor Phước – Chủ tịch HĐ Dân tộc nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, cần sớm sửa đổi Luật PCTN trong một kỳ họp, để giải quyết những bất cập hiện nay.

Đất đai: Phần lớn khiếu nại là đúng

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai là sáng 18-9, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người ban hành, thực hiện sai chính sách.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, để khắc phục vấn đề này, Chính phủ, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan cần rà soát, tìm và chỉ rõ địa chỉ, ai làm sai phải bị xử lý.

“Khiếu nại về đất đai ngày càng nghiêm trọng, gia tăng, đáng lưu ý có tới 67,3% số vụ là KNTC đúng - nếu tính chung cả lĩnh vực hành chính và tòa án giải quyết” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lo ngại và cho biết, ít lĩnh vực nào sai nhiều như thế.

“Cần vạch rõ sai ở cấp nào, trách nhiệm người ban hành chính sách đó đến đâu, sửa chữa thế nào để tập trung xử lý” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu.

Sai sót về chính sách khiến dân chạy lòng vòng khắp nơi, gây tốn kém, phiền hà. “Có vụ việc giải quyết qua mấy đời thanh tra vẫn chưa xong, vẫn cứ đùn đẩy nhau” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim cho biết. Theo ông, tham nhũng, tiêu cực lĩnh vực đất đai nhiều, xử lý chậm trễ. Có tình trạng trên bao che cấp dưới khi làm sai.

“Luật chưa sát nghị định chưa ổn, dân vẫn khiếu kiện thì phải kiến nghị sửa cho phù hợp. Phải tập trung giải quyết những vụ việc tồn đọng đến nơi đến chốn” - Chủ tịch QH chốt lại cuộc thảo luận.

Không tùy tiện yêu cầu báo chí cung cấp thông tin

Dự thảo Luật PCTN quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

UB Tư pháp cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện, cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.